Mẹ&Con – Không có gì thiêng liêng và cao quý hơn tình mẫu tử. Song việc trẻ quá bám mẹ, kể cả lúc… đi toilet thực sự là điều vô cùng bất tiện. Trong chuyện này, lỗi tại ai?

Dù đã sinh 2 con cách nhau 10 năm, song chị Hằng (Quận 12, TPHCM) vẫn không khỏi sợ hãi khi nhớ về cả 2 lần nuôi con thơ đều khổ sở, vất vả hơn cả ngày đi làm công nhân từ sáng sớm tới tối khuya.

Về vấn đề cho con ăn uống, không có gì bàn cãi vì đã có sự trợ giúp của bà ngoại. Điều khiến chị cười không được mà khóc cũng chẳng xong, đó là hai đứa trẻ quá bám mẹ. Từ lúc ăn cơm, tắm rửa, giặt đồ hay thậm chí cả khi… đi toilet chị Hằng đều không thể “thoát khỏi tầm ngắm” của các con.

Chị kể: “Đi tắm thì con đứng ngoài đập cửa gọi mẹ, mẹ tới chừng nào mẹ ra thì thôi. Nhà vệ sinh nhỏ xíu, con cũng đòi vô theo. Mẹ hỏi con vô thì đứng chỗ nào? Con đáp con đứng ngoài cũng được, nhưng mẹ phải mở cửa ra cho con nhìn mẹ”.

Rồi tới khi hết cữ, đi làm trở lại việc con bám mẹ như sam quả thực là một cực hình đối với chị Hằng. Thông thường, chị phải lẻn ra khỏi nhà lúc con chưa thức dậy. Nếu gặp trùng hôm nào con dậy sớm, phải mất mới nửa tiếng kì kèo chị mới có thể chạy tới cơ quan đúng giờ.

Mặc dù ở nhà bám mẹ là thế, nhưng khi đi học các con của chị đều rất ngoan. Chỉ lúc ở nhà, có mẹ mới đeo bám khiến mẹ không làm gì được. Tình trạng này kéo dài mãi cho tới tận khi đứa lớn nhà chị lên 4 còn đứa nhỏ lên 3.

Trẻ quá bám mẹ, ngay cả khi đi vệ sinh lỗi tại ai? 5

Việc trẻ quá bám mẹ khiến nhiều người thậm chí còn không có thời gian… đi vệ sinh là hoàn toàn có thực. (Ảnh minh họa)

Nói đi cũng phải nói lại, trách con cũng phải trách cả mẹ. Nếu như mẹ vì thương con mà cả nể, không có cách giải quyết dứt khoát thì việc trẻ quá bám mẹ như đuôi sam, gây mệt mỏi và phiền phức là điều dễ hiểu. Ngược lại, nếu mẹ nghiêm khắc, kiên định với chính kiến của mình sẽ rất khó để đứa trẻ có thể “đu bám” dai dẳng như vậy.

Trẻ quá bám mẹ, phải làm sao?

Trẻ có xu hướng gắn kết tình cảm với người chăm sóc, nuôi nấng chúng trong giai đoạn đầu đời. Đây là thứ tình cảm thân thuộc, khó có thể tách rời. Nhiều người lần đầu làm mẹ, vì yêu con, thương con nên lúc nào cũng ôm chặt lấy con, làm tất cả mọi thứ cho con. Điều này vừa tốt lại vừa không tốt.

Với trẻ nhỏ, muốn con không bám mẹ thì ngay từ đầu mẹ không nên kè kè bên cạnh con. Hãy để những người khác như chồng, ông bà nội ngoại… giúp đỡ. Khi ấy, thay vì bám rịt lấy mẹ, trẻ sẽ dễ dàng gần gũi với những người này hơn.

Đừng trực tiếp làm tất cả mọi việc, thay vào đó chỉ cần đứng gần trẻ để chúng cảm nhận được rằng mẹ vẫn ở bên cạnh. Điều này là rất tốt nếu hết thời gian thai sản, mẹ phải quay trở lại nơi làm việc.

Trẻ quá bám mẹ, ngay cả khi đi vệ sinh lỗi tại ai? 6

Yêu con không đồng nghĩa với việc lúc nào cũng chiều chuộng con. (Ảnh minh họa)

Một mẹo “nhỏ nhưng có võ” nữa mà mẹ có thể áp dụng, đó là lấy một chiếc khăn mềm để lau ngực hoặc thấm sữa ướt. Lúc mẹ đi vắng, treo khăn sát giường hoặc vành nôi. Khứu giác của trẻ rất nhạy cảm, ngửi thấy mùi của trẻ từ khăn sữa sẽ khiến trẻ đỡ nhớ và đỡ quấy hơn.

Với trẻ lớn hơn, để giải quyết việc trẻ quá bám mẹ thì thái độ bình tĩnh của mẹ cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc rèn trẻ. Khi thấy con khóc ngặt đòi mẹ, đừng vội vàng lao ra ôm lấy con dỗ dành hay bực dọc, quát mắng chúng. Nếu mẹ tỏ ra bình tĩnh, không có gì thì trẻ cũng sẽ nhận ra không có gì.

Còn nữa. Nếu muốn vắng mặt, mẹ hãy đàng hoàng chào tạm biệt trẻ chứ đừng… “biến mất” để trẻ phải hoảng hốt, khóc lóc tá hỏa đi tìm. Hãy chào tạm biệt con một cách ngắn gọn, dứt khoát, mỉm cười và nhanh chóng. Lần một, lần hai trẻ có thể chưa quen nên còn chạy theo mẹ nhưng dần dần, trẻ sẽ thích nghi được việc mẹ sẽ đi làm và sẽ trở về nhà sau đó. Việc bịn rịn, không dứt khoát chỉ khiến trẻ quá bám mẹ, níu mẹ nhiều hơn mà thôi.

Bài viết liên quan