Mẹ&Con - Trong bất kỳ trường hợp nào, ở bất kỳ độ tuổi nào, nếu phát hiện trên cơ thể xuất hiện u, cục hoặc hạch đều cần thiết phải được bác sĩ kiểm tra.

Chào bác sĩ!

Bé nhà tôi 5 tuổi, đang học mẫu giáo. Sức khỏe của bé bình thường và không thấy có triệu chứng gì như sốt, quấy khóc, bỏ ăn, sụt cân, v.v.. Nói chung là con rất bình thường. Điều khiến tôi lo sợ là cách đây vài ngày, khi tắm cho bé, tôi phát hiện ra ở cổ (vùng phía dưới lỗ tai bên phải) có nổi một hạch nhỏ. Tôi sờ vào hỏi con đau không thì bé không hề thấy đau. Tôi lo quá! Xin hỏi, con nít có khi nào nổi hạch kiểu như vậy không? Tôi phải làm gì với con? Nói thật với bác sĩ, cứ dính tới u, cục, hạch gì đó là tôi sợ lắm. Tôi có thể kiểm tra cho bé ở đâu?

Lê Thị Đằng Giao (Quận Tân Phú)

 Bác sĩ trả lời

Trong bất kỳ trường hợp nào, ở bất kỳ độ tuổi nào, nếu phát hiện trên cơ thể xuất hiện u, cục hoặc hạch đều cần thiết phải được bác sĩ kiểm tra. Do đó, tốt hơn hết chị nên sắp xếp thời gian đưa con đi khám càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không muốn chị quá lo lắng như vậy, vì thực tế trong cơ thể người, hạch nằm ở nhiều nơi, như vùng cổ, nách, bẹn, v.v.. Bình thường thì hạch không sờ thấy được, đến khi phải hoạt động để chống lại bệnh tật thì hạch sẽ sưng to, sản xuất kháng thể chống lại các tác nhân gây bệnh.

Trẻ nhỏ ở độ tuổi từ 4 – 10 rất dễ bệnh nên cũng dễ nổi hạch. Có khi một cái hạch ở cổ như thế chỉ là do nguyên nhân răng miệng bé đang bị tổn thương, viêm amiđan, v.v.. Để xác định được hạch đó là gì, bác sĩ sẽ thăm khám kỹ bằng cách sờ nắn qua tay, tìm những ổ viêm ở vùng lân cận, cấy dịch, mủ, v.v.. Trường hợp đặc biệt có nghi ngờ là ung thư, bác sĩ sẽ thực hiện các biện pháp kiểm soát tỉ mỉ và chi tiết hơn. Chị yên tâm và sớm đưa bé đi khám nhé!

Tags:

Bài viết liên quan