Mẹ và Con - Nước ngọt là một trong những loại nước uống yêu thích của các bé. Nhưng nếu không được kiểm soát tốt sẽ khiến trẻ nghiện uống nước ngọt. Tại sao loại nước này lại gây nghiện? Hãy cùng tìm hiểu nhé!

Vốn là một phần không thể thiếu trong các mâm cỗ ngày tết hay các bữa “khoái khẩu” của con tại các hàng gà rán, nước ngọt đã dần trở thành một trong những mặt hàng giải khát số một của các bạn thiếu nhi.

Tuy nhiên, các chuyên gia đã nhiều lần báo cáo về tình trạng “nghiện” nước giải khát ngọt ngào này ở trẻ con. Thực hư câu chuyện này là thế nào? Hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu tại sao trẻ nghiện uống nước ngọt bạn nhé!

Tác hại khi trẻ uống quá nhiều nước ngọt

Nước ngọt nói chung hay thường thấy hơn là các sản phẩm nước ngọt có ga là một loại đồ uống thông dụng chứa thành phần chính là đường, một số chất tạo ngọt, tạo chua, hương liệu, carbon dioxide bão hòa (thành phần ga) và một chút caffeine… Những thành phần tưởng chừng như vô hại nhưng lại có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu trẻ nghiện uống nước ngọt:

Nước ngọt chứa một lượng đường lớn

Thực chất, loại đường được sử dụng trong nước ngọt là đường Fructose, một loại đường đơn thường thấy trong hoa quả, vốn là loại đường được hấp thu trực tiếp trong cơ thể. Nhưng khác biệt một chút so với loại đường tự nhiên chiết xuất từ siro ngô, Fructose trong nước giải khát có ga là thành phần tổng hợp từ công nghệ thực phẩm. Chúng dễ hấp thu hơn và mau chóng đẩy “vọt” hàm lượng đường trong máu.   

Với hàm lượng đường cao như vậy sẽ mau chóng tạo cảm giác “tràn đầy năng lượng”, khiến cả người lớn cũng thấy “đã” theo. Đây được cho là một trong 2 phương thức khiến trẻ nghiện uống nước ngọt.

Thế có bao nhiêu đường trong cốc nước ngọt bạn và bé con đang dùng? Theo các số liệu từ Đại học Harvard, 1 muỗng cà phê nước ngọt chứa khoảng 4,2 gram đường. Hãy hình dung bạn pha một cốc nước trung bình 300ml với hơn 10 muỗng cà phê đầy ắp đường. Đây quả là một con số không hề nhỏ!

Tác hại khi trẻ uống quá nhiều nước ngọt

Trẻ nghiện uống nước ngọt nếu uống nước ngọt liên tục

Nghiện là việc cứ sử dụng một vật hoặc chất nào đó dẫu biết rằng nó có hại cho cơ thể, song không có cách nào ngừng bản thân không sử dụng đồ vật hay hoạt chất đó.

Trẻ em ở độ tuổi thanh thiếu niên thường dễ bị lôi vào các hành vi gây nghiện, chẳng hạn như nghiện thuốc lá, nghiện game, nghiện sử dụng chất… Trong đó có một nhóm mà phụ huynh ít quan tâm, đó chính là nghiện caffeine (thuộc nhóm nghiện sử dụng chất).

Trong thành phần của nước giải khát ngọt ngào này nói chung, đều chứa một hàm lượng nhỏ caffeine, nhất là các loại soda. Có caffeine, nước ngọt kích thích não bộ tiết ra hợp chất có tên là dopamine. 

Dopamine một loại nội tiết tố của cảm xúc, hay nôm na là “phần thưởng” trong cơ chế “thưởng-phạt” của não. Khi có mặt các nội tiết tố này, trẻ sẽ trở nên thích thú với việc uống nước ngọt. Con trẻ sẽ muốn uống nhiều hơn. Dần dà sẽ gây nên tình trạng trẻ nghiện uống nước ngọt và rất khó để có thể từ bỏ thói quen uống nước ngọt mỗi ngày.

Thừa cân, béo phì, đái tháo đường là tác hại khi trẻ nghiện uống nước ngọt

Nước ngọt hoàn toàn không hỗ trợ tiêu hóa như bạn nghĩ! Thành phần “ga” trong nước ngọt chuyển biến thành axit cacbonic trong dạ dày, đôi chút có thể hỗ trợ chức năng tiết acid của bao tử.

Tuy nhiên uống nước ngọt có ga hàng ngày gây những tác động xấu lên hệ men răng, vệ vi sinh đường ruột, khiến việc ăn uống của trẻ trở nên kém hơn. Thậm chí nếu không kiểm soát, con trẻ có thể mắc chứng suy dinh dưỡng do không chịu ăn uống.

Không dừng lại ở đó, khi các chuyên gia quan sát các trẻ nghiện uống nước ngọt, hàm lượng mỡ trong gan cũng trở nên tăng cao. Kết quả tương tự cũng ghi nhận ở người lớn, thậm chí các bác sĩ còn thấy sự tỷ lệ thuận giữa dùng nhiều nước ngọt có ga và bệnh lý thoái hóa gan không do rượu. 

Ngoài ra, khi nạp một lượng đường “siêu to khổng lồ” trong sản phẩm nước ngọt, khiến các tế bào tụy phải “tăng ca” tiết insulin để điều tiết đường huyết. Nhiều ngày “tăng ca” dễ dẫn đến hiện tượng đề kháng insulin, một trong những nguyên nhân gây tiểu đường sớm, cũng như bệnh tim mạch kèm theo.

Lạm dụng nước giải khát nhiều đường, nhiều ga này còn khiến trẻ rối loạn hấp thu calci, từ đó gây ra các bệnh lý về xương, và rối loạn phát triển não bộ.

trẻ uống nhiều nước ngọt

Nhận biết trẻ nghiện uống nước ngọt thế nào?

Bố mẹ hoàn toàn có thể để ý đến các biểu hiện sớm của rối loạn lệ thuộc (trước khi dẫn đến việc trẻ nghiện uống nước ngọt) dựa trên các triệu chứng sau.

  • Con đòi dùng nước ngọt một cách mãnh liệt mà không có cách nào khiến con ngưng đòi
  • Khi đã dùng nước ngọt nhưng vẫn còn than khát
  • Lúc nào con cũng nghĩ đến việc uống nước ngọt, đến mức chểnh mảng các việc con yêu thích khác

Một nhóm biểu hiện khác cũng thường hay gặp đó là nhóm triệu chứng “cai”. Nghĩa là khi trẻ nghiện uống nước ngọt nhưng không được uống thì sẽ có những biểu hiện như:

  • Đau đầu
  • Bứt rứt khó chịu
  • Xúc cảm buồn rầu chán nản
  • Đi đứng loạng choạng, không vững

Tuy nhiên các biểu hiện này đều cần phải có sự quan tâm, quan sát và trò chuyện từ bố mẹ, để hiểu con và giúp con trẻ vượt qua.

Bố mẹ cần làm gì khi trẻ nghiện uống nước ngọt?

Để “cai” dần các dấu hiệu lệ thuộc nước ngọt của trẻ, bố mẹ cần bỏ túi một số nguyên tắc sau:

  • Xây dựng một chế độ ăn uống cân bằng, khoa học. Bố mẹ có thể thay thế bằng các loại nước có vị ngọt khác như nước ép, hoặc các loại thảo mộc. 
  • Cho trẻ dùng thêm sữa, phomai hay các thực phẩm giàu calci vào bữa ăn nhằm cung cấp đủ calci theo nhu cầu theo tuổi của từng trẻ cũng giúp khắc phục được tình trạng trẻ nghiện uống nước ngọt.
  • Xây dựng một thói quen sinh hoạt gia đình phù hợp để con trẻ học tập theo gương bố mẹ.
  • Giảm dần lượng nước ngọt cho con. Bố mẹ có thể thay thế bằng nước “có vị ngọt” lành mạnh hơn như trên, nhưng không nên ngừng đột ngột các loại nước ngọt con đang dùng (con có thể lén uống khi không bị ai giám sát).
  • Tăng cường các hoạt động thể chất ngoại khóa, để não bộ điều hòa lại các nội tiết tố cảm xúc.
  • Lắng nghe, chia sẻ, và đồng cảm với tâm sự của con.

trẻ em nghiện uống nước ngọt

Xem thêm: 5 loại nước mát giải nhiệt cho con

Đâu là cách uống “an toàn” để tránh trẻ nghiện uống nước ngọt?

Trong thời gian tạm thời “hòa bình” với chất dễ nghiện, các ông bố bà mẹ có thể ghi chú nguyên tắc “4 không” này để việc “cai” của con hiệu quả nhất:

  • Tuyệt đối KHÔNG dùng nước ngọt như phần thưởng. Điều này vô tình khiến lượng dopamin trong cơ thể con kích hoạt cơ chế gây nghiện và dẫn đến tình trạng trẻ nghiện uống nước ngọt, thích uống nước ngọt mỗi ngày.
  • KHÔNG dùng nước ngọt như một chất giúp con giải tỏa tâm trạng. Những lúc con trẻ vui, buồn, thất vọng hay giận dữ, hãy tập cho con thói quen giải bày với những người bạn số một của con, đó là bố mẹ.
  • KHÔNG dùng nước ngọt mỗi ngày. Hãy giới hạn lượng nước ngọt của con ngay từ đầu để tránh trẻ nghiện uống nước ngọt. Chẳng hạn bạn có thể cho con dùng khi đi ăn nhà hàng tiệc cưới, hoặc chỉ khi cuối tuần
  • KHÔNG quên uống nhiều nước. Nên bổ sung nhiều nước cho con, nước là loại thực phẩm không có năng lượng, không có đường, không gây nghiện nhưng lại có vô cùng nhiều lợi ích

Những dịp cuối năm đầu tết, nhiều dịp để gia đình bạn bè cùng gặp gỡ và ăn mừng. Đây cũng là dịp mà những ly bia, ly nước ngọt là điều không thể thiếu. Chính vì thế bố mẹ hãy chăm sóc cho sức khỏe tinh thần và thể chất của bé con, hạn chế tình trạng trẻ nghiện uống nước ngọt để tránh những tác hại nguy hiểm đối với sức khỏe của trẻ nhé!

Bài viết liên quan

những điều cần biết khi dạy con về tình yêu

7 điều cha mẹ nên dạy con về tình yêu để trẻ luôn hạnh phúc

Mẹ và Con - Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc ngồi lại và tâm sự, chia sẻ cùng con những vấn đề về tình yêu, chẳng hạn như tình cảm gà bông của con và người bạn cùng lớp? Một đứa trẻ được dạy về tình yêu từ sớm có thể học được làm sao để yêu thương đúng cách cũng như biết cách sống hạnh phúc với những tình cảm mình đang có.