Kì lạ nhất là tuy khóc dễ sợ như thế, nhưng khi đi khám bệnh, nhiều bé vẫn bình thường.
Vì sao trẻ cứ khóc mãi?
Mới sinh con, tất cả mọi sinh hoạt đều bị đảo lộn, mẹ lẽ ra cần được nghỉ ngơi sau những tháng ngày mang thai, vượt cạn; thế nhưng mọi thứ “xoay một trăm tám mươi độ” khi con bắt đầu có hiện tượng khóc về đêm. Bạn không tìm được nguyên nhân. Đói, lạnh hay bị côn trùng cắn đều không phải, nhiệt độ của trẻ vẫn bình thường. Điều không bình thường duy nhất là trẻ khóc nhiều, dai dẳng đến lả người, kiệt sức về đêm, thường hay lặp đi lặp lại vào một giờ cố định.
Nhiều gia đình quá lo lắng đưa trẻ đi khám, xét nghiệm, siêu âm, v.v. nhưng đều cho kết quả bình thường. Đến đây, gia đình bắt đầu áp dụng các loại “mẹo” như để con dao nhỏ dưới tấm nệm phía đầu giường, lễ bái, đốt vía, xin bùa cầu an về treo trong phòng cho bé. Có trường hợp, sau những bài chữa “mẹo” đó, trẻ bớt khóc, ngủ yên hơn mà gia đình cũng chẳng biết lý giải tại sao. Tuy nhiên, dù ba mẹ làm gì đi nữa, nhiều bé vẫn khóc, khiến gia đình bị căng thẳng kéo dài.
Thật ra, cho đến lúc này, y khoa vẫn chưa có một giải thích thật rõ ràng cho tình trạng trẻ khóc dạ đề. Song, nhiều bác sĩ cho rằng, khóc dạ đề không phải là bệnh lý mà chỉ là cơn khóc do co thắt ruột. Biểu hiện là trẻ vẫn khỏe mạnh nhưng lại đột ngột khóc dữ dội vào chiều tối hoặc ban đêm. Trẻ khóc to, đỏ mặt, ưỡn người, mỗi cơn kéo dài hơn 3 giờ và xuất hiện liên tục trong tuần. Chứng khóc dạ đề hay gặp hơn ở trẻ sơ sinh bị còi xương, suy dinh dưỡng. Và hiện tượng này sẽ hết khi trẻ lớn dần, thường là sau 3 tháng tuổi.
Cha mẹ cần kiên nhẫn
Cho đến nay, vẫn không có phương pháp nhất định nào để chữa chứng khóc dạ đề của trẻ. Nhất là trong những trường hợp bác sĩ đã kiểm tra, xét nghiệm đầy đủ và cho kết quả trẻ bình thường. Khi đó, cách duy nhất có thể làm là bằng sự kiên nhẫn, khéo léo của mình, chính các bậc cha mẹ phải giữ bình tĩnh và giúp trẻ vượt qua cơn khóc.
Không ít ông bố trẻ vì chịu không nổi với tiếng khóc dai dẳng của trẻ sơ sinh những tháng đầu, ngằn ngặt suốt đêm nên nổi cáu, la hét, quát nạt. Điều này chỉ càng làm trẻ khóc dữ dội hơn và khiến người mẹ càng mệt mỏi, khủng hoảng hơn.
Những điều bạn có thể làm cho con là kiểm tra lại tã xem có khô ráo, xem áo con có các sợi lông gây ngứa ngáy không, xem nhiệt độ trong phòng cũng như áo con mặc có làm trẻ quá nóng, quá ngột ngạt hay quá lạnh. Các mẹ cũng cần chú ý không nên cho trẻ bú quá no trước lúc ngủ, cũng như đừng để trẻ đói. Sau khi bé bú xong, nên bế thẳng người bé (hoặc bế cho đầu cao hơn một chút) trong khoảng 10 đến 15 phút.
Ngoài ra, bạn cần chú ý giữ cố định thời khóa biểu ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt của bé hàng ngày. Không nên để bé bị xáo trộn. Buổi tối, nên cho bé mặc riêng một loại áo ngủ nhất định. Điều này giúp bé “cảm nhận” về giờ đi ngủ một cách dễ dàng hơn.
Phòng ngủ của bé cần có ánh sáng dịu và tránh tiếng ồn. Nhiều gia đình, đến giờ bé ngủ mà ngay phòng ngoài vẫn mở tivi ầm ầm, trẻ không khóc mới lạ. Khi bé khóc quá nhiều, bạn có thể xin ý kiến của bác sĩ để có vài biện pháp hỗ trợ nhất định. Cũng nên xoa dịu cơn khóc của bé bằng cách vỗ về nhè nhẹ, bế con dạo quanh phòng hoặc hát ru. Tuyệt đối cần lưu ý là cho dù bạn mệt và căng thẳng cách mấy cũng không được quát nạt hoặc bỏ con nằm một mình theo kiểu “kệ cho khóc” để ra ngoài. Ở độ tuổi này, bé hoàn toàn không “học” được gì ở những cách “dạy dỗ” của bạn như thế mà chỉ thấy hoảng sợ thêm và khóc dữ dội thêm.
Trường hợp trẻ khóc quá thường xuyên, các thành viên trong gia đình cần “hợp tác” với nhau để có được những biện pháp giải quyết hữu hiệu. Không nên dồn tất cả lên người mẹ vì chỉ cần khoảng 1 tuần lễ khủng hoảng với tình trạng khóc đêm của con thì tinh thần người mẹ cũng suy sụp thấy rõ. Đây là lúc cần có những phân công trong gia đình nhất định, bằng cách nào đó đảm bảo giấc ngủ cho người mẹ (ngủ bù vào ban ngày chẳng hạn).
Hãy cố gắng lên, vì tin “mừng” cho bạn là sau 3 – 5 tháng tuổi, hiếm đứa trẻ nào còn khóc dai dẳng ban đêm mà không có lý do.