Mẹ&Con – Tính cách của trẻ em phần lớn được hình thành dựa trên quá trình quan sát, tiếp thu và bắt chước người lớn, đặc biệt là cha mẹ. Và tính cách hung hăng cũng không là ngoại lệ.

Chào bác sĩ!

Hiện tại tôi đang rất lo lắng. Anh xã tôi chăm chỉ làm lụng, thương vợ con nhưng phải cái rất nóng tính, hay quát tháo ầm ĩ khi có chuyện không như ý, thậm chí đập đồ đạc. Xong chuyện thì anh lại xin lỗi, làm hòa. Nhưng tôi nhận ra con trai mình đang có xu hướng ảnh hưởng những tính cách này. Hồi nhỏ, bé rất tình cảm, ngoan ngoãn, dễ bảo. Nhưng giờ mới được 4 tuổi thôi mà bé đã bắt đầu có xu hướng hò hét, ném đồ chơi, kêu gào inh ỏi mỗi khi không được chiều theo. Hôm qua, khi một bạn hàng xóm đến chơi, không biết hai đứa trẻ tranh cãi gì mà con tôi đánh bạn, cắn bạn, làm bạn phải khóc thét lên. Nếu không uốn nắn kịp thời cho con, tôi sợ sau này bé trở thành người hung hăng quá.

L.T.H.N (Long An)

Bác sĩ trả lời

 

Trẻ em như tờ giấy trắng, mọi tính cách của bé đều được hình thành dựa trên quá trình quan sát, tiếp thu và bắt chước người lớn – đặc biệt là từ cha mẹ. Điều lo lắng của bạn rất đúng, vì khi thấy bố mẹ hay cãi nhau, bố hay nổi nóng quát tháo như thế, trẻ sẽ dễ rơi vào một trong hai trạng thái: hoặc trở nên rụt rè, sợ hãi, khép kín, ít muốn tiếp xúc với người khác; hoặc trở nên hung hăng, xem chuyện quát tháo là bình thường, có xu hướng giải quyết mọi việc bằng… vũ lực.

Để thay đổi con, không thể bắt đầu từ ngọn mà cần bắt đầu từ phần gốc. Đó chính là vợ chồng bạn cần ngồi xuống, nói rõ với nhau, đánh giá những nguy cơ ảnh hưởng tới con. Có thể nhờ những người thân khác tác động thêm với chồng, để anh hiểu rằng chính cách hành xử của anh có thể khiến con ảnh hưởng tâm lý, tính cách theo.

Kế đến, trong những trường hợp con quát tháo, phản ứng hung hăng, bạn không nên la hét lại con, phạt nặng, đánh đòn vì như đã nói, bé là “nạn nhân”, đã học điều đó từ người lớn chứ không hề biết điều đó là sai trái. Thay vì thế, bạn nên tỏ ra tình cảm hơn với con, nhẹ nhàng chuyện trò, kể cho con nghe những câu chuyện cổ tích có tính giáo dục, để giúp con hiểu rõ dần rằng quát tháo sẽ không mang đến tác dụng, sẽ chỉ khiến mọi người ít yêu thương con hơn. Trường hợp bé vẫn quá hung hăng, nên đưa con đến bác sĩ tâm lý để có thể có những liệu pháp phù hợp “điều chỉnh” tâm lý trẻ.

Bác sĩ Lê Phương Thúy

Tags:

Bài viết liên quan