Hành trình nuôi dạy con chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt là khi bé đến độ tuổi đến trường. Đây là môi trường hoàn toàn mới nên bé sẽ có nhiều bỡ ngỡ, đặc biệt là việc kết bạn sẽ không hề đơn giản. Làm thế nào để trẻ có thật nhiều cơ hội hòa nhập với bạn bè? Đây là lời khuyên dành cho các bậc làm cha mẹ.
Dạy trẻ kỹ năng giao tiếp xã hội từ nhỏ
Giao tiếp là một trong những kỹ năng xã hội quan trọng, góp phần vào sự thành công của các bé. Chính vì vậy, việc dạy trẻ khả năng giao tiếp là điều cần thiết. Đây là kỹ năng đòi hỏi sự nhẫn nại từ bố mẹ. Quan trọng nhất là bạn nên dạy trẻ kỹ năng thật sớm “ngay cả khi trẻ chưa biết nói”.Vì trên thực tế, giao tiếp không chỉ dừng lại ở việc trò chuyện mà nó còn được thể hiện qua hành động, ánh mắt… Chính vì vậy, ngay cả khi trẻ chưa biết nói bạn cũng nên tập thói quen chào hỏi người khác bằng hành động gật đầu, vẫy tay, hay nụ cười… đây sẽ là tiền đề rất tốt để trẻ hòa nhập với bạn bè sau này.
Khi tập được thói quen này, trẻ sẽ có phản xạ là khoanh tay chào hỏi với người lớn và tươi cười bắt chuyện với bạn bè. Bên cạnh đó bạn nên thường xuyên làm mẫu cho trẻ để trẻ nói theo. Một cách đơn giản để bạn tăng khả năng giao tiếp của trẻ là hãy cho trẻ gặp nhiều người, đưa trẻ đến các buổi tiệc…
Nhờ sự giúp đỡ từ giáo viên
Do từ bé, trẻ đã được nuôi dạy bởi vòng tay của bố mẹ, ông bà… nên việc đến một môi trường mới trẻ sẽ có phần lạc lõng và cần sự quan tâm từ người lớn. Theo nhiều chuyên gia, để trẻ dễ dàng hòa nhập với bạn bè, không còn khóc và thoải mái khi đến lớp thì thầy cô phải gần gũi an ủi bé. Chính vì vậy, nếu trẻ không thoải mái khi đến lớp thì bố mẹ hãy liên hệ với giáo viên. Bạn nên giải thích với thầy cô rằng, trẻ chưa thật sự sẵn sàng và hy vọng giáo viên sẽ quan tâm đến trẻ nhiều hơn. Mẹ và Con tin rằng, nếu là một giáo viên giàu tình yêu thương sẽ sẵn sàng chú ý đến trẻ nhiều hơn.
Đi học cùng con
Nhiều bố mẹ sợ rằng trẻ sẽ khó làm quen với môi trường mới nên sẽ không đi cùng trẻ đến trường. Tuy nhiên, đây là cách để trẻ không cảm thấy bị bỏ rơi. Bạn hãy đồng hành cùng trẻ ở những giai đoạn đầu “làm quen” với môi trường mới. Chính sự có mặt của bạn trong buổi lễ khai giảng, hoạt động vui chơi… sẽ giúp trẻ cảm thấy an toàn và dễ thích ứng hơn với trường lớp.
Lắng nghe trẻ
Mỗi khi trẻ đi học về bạn hãy luôn hỏi con về ngày hôm nay thế nào, nếu trẻ chia sẻ về niềm vui bạn hãy khuyến khích trẻ cố gắng phát huy. Nếu trẻ chia sẻ về những chuyện “rắc rối” ở trường, bạn hãy trẻ đã nhờ sự giúp đỡ của giáo viên chưa? Nếu mọi chuyện đã được giải quyết bạn hãy động viên trẻ và an ủi rằng luôn có thầy cô bên cạnh để bảo vệ con. Tuy nhiên nếu vấn đề chưa được giải quyết bạn hãy cam kết với trẻ là mọi chuyện sẽ tốt hơn, sau đó tìm hướng giải quyết tích cực nhất.
Làm dịu nỗi sợ của trẻ
Phần lớn trẻ sẽ mang tâm lý lo sợ khi đến lớp vì đây là một môi trường mới mẻ. Chính vì điều này trẻ sẽ không thể thoải mái khi hòa nhập với bạn bè. Trẻ thường suy nghĩ bố mẹ sẽ bỏ rơi hoặc biến mất khi trẻ đang ở trường.
Để giải tỏa tâm lý lo sợ này của trẻ, bố mẹ nên giải thích với trẻ rằng mình sẽ là gì trong lúc trẻ ở trường như: “Bố sẽ đi làm, còn mẹ sẽ chuẩn bị món con thích để đợi con đi học về”… Bên cạnh đó, các bạn hãy hứa mình sẽ tặng bé một món quà bất ngờ nếu trẻ vào lớp ngoan. Đặc biệt là không được đón trẻ trễ hơn như đã hứa nhé! Vì khi trẻ thấy bạn bè khác lần lượt được bố mẹ đón sẽ sinh ra tâm lý tủi thân và “sợ” việc đi học.
Tạo thói quen ngủ sớm, dậy sớm khi đi học
Các bạn biết đấy, giấc ngủ chính là cách cơ thể “sạc” lại năng lượng sau những hoạt động của ngày dài mệt mỏi. Chính vì vậy, hãy xây dựng thói quen ngủ khoa học cho trẻ càng sớm càng tốt. Các bậc cho trẻ ngủ đúng giờ để đảm bảo trẻ dậy đúng giờ vào mỗi sáng. Điều này sẽ giúp trẻ không buồn ngủ, uể oải trong lớp… từ đó trẻ sẽ vui vẻ chơi đùa dễ dàng hòa nhập với bạn bè hơn.
Không nên đặt nhiều kỳ vọng vào trẻ
Mỗi đứa trẻ sẽ có tính cách khác nhau, đối với những đứa trẻ nhút nhát cần rất nhiều thời gian để kết bạn và làm quen với môi trường mới hơn. Và mỗi đứa trẻ sẽ có khoảng thời gian kết bạn khác nhau. Chính vì vậy, bạn không nên áp đặt trẻ vào bất kỳ thành tích nào. Điều này càng khiến trẻ cảm giác áp lực, hơn nữa trẻ sẽ không có nhiều thời gian để tìm hiểu và lựa chọn bạn phù hợp với trẻ. Bố mẹ nên dành cho trẻ thật nhiều thời gian để tìm hiểu và bố mẹ chỉ nên là người động viên khuyến khích con tìm bạn.
Hỗ trợ con xây dựng tình bạn
Hòa nhập với bạn bè không chỉ dừng lại ở môi trường lớp học mà bạn hãy khuyến khích trẻ mời bạn bè thăm nhà, tổ chức các buổi tiệc nhỏ, tiệc sinh nhật cùng những người bạn. Bên cạnh đó, bạn nên hỗ trợ trẻ xây dựng mối quan hệ tốt với anh chị em họ, bạn bè cùng trang lứa xung quanh nơi ở… những mối quan hệ này sẽ tạo nên sự đa dạng. Giúp trẻ dễ dàng tương tác với xã hội và có nhiều bạn hơn.
Xây dựng mối quan hệ tốt với phụ huynh của bạn trẻ
Bố mẹ tác động rất lớn đến trẻ, chính vì vậy tìm hiểu về gia đình của bạn trẻ là việc làm cần thiết. Nếu bạn xây dựng được mối quan hệ tốt với phụ huynh của bạn trẻ thì sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho trẻ kết thân với bạn mới. Bên cạnh đó, bạn sẽ phần nào hiểu được tính cách của người bạn mà trẻ đang chơi cùng.
Để tạo mối quan hệ với phụ huynh của trẻ cũng rất đơn giản, bạn có thể tận dụng những ngày quan trọng của trẻ như sinh nhật hay nhân dịp cuối tuần và mời gia đình bạn nhỏ kia đến chơi. Không chỉ hỗ trợ trẻ hòa nhập với bạn bè mà bạn còn có thêm một mối quan hệ tốt ngoài xã hội.
Kể cho trẻ nghe về lợi ích khi có một người bạn thân
Đối với trẻ nhỏ khái niệm bạn thân sẽ còn khá mới mẻ, vì trẻ chỉ đơn giản là muốn chơi cùng bạn đó vì hợp nhau. Tuy nhiên nếu bố mẹ thường xuyên kể cho bé nghe về lợi ích khi có một người bạn thân như: được chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, đi ăn cùng… trẻ sẽ hình thành suy nghĩ tích cực hơn về tình bạn. Từ đó trẻ sẽ dễ dàng mở lòng hòa nhập với bạn bè.
Tình bạn là một phần rất đặc biệt trong hành trình phát triển nhân cách cũng như sức khỏe tinh thần của trẻ. Chính vì vậy bố mẹ hãy tập cho trẻ hòa nhập với bạn bè trong lớp để trẻ có khoảng thời gian vui vẻ trong năm học sắp tới.