Tăng động giảm chú ý là gì?
Có thể hiểu nôm na, tăng động giảm chú ý là một rối loạn bất thường về tâm thần ở trẻ. Đến lúc này, nguyên nhân của tăng động giảm chú ý vẫn chưa được xác định cụ thể (cũng giống như tự kỷ vậy). Một số giả thiết cho rằng có thể trong thời gian mang thai, mẹ bị nhiễm virus, có sang chấn trong quá trình sinh nở hay khó sinh… Ngoài ra, cũng không loại trừ trường hợp bé bị di truyền. Theo một nghiên cứu của Bệnh viện tâm thần Trung ương 2 thì các bé nam mắc chứng tăng động giảm chú ý nhiều hơn các bé nữ với tỉ lệ nữ/nam là 1/5-6.
Làm sao để phân biệt đứa trẻ hiếu động theo kiểu “trẻ con” với một đứa trẻ mắc chứng tăng động giảm chú ý? Bạn có thể dựa trên một số gợi ý mang tính “đặc thù” của trẻ bị tăng động giảm chú ý sau đây:
– Khó tập trung chú ý trong một khoảng thời gian nào đó: Bé thường bị phân tâm bởi những tác động bên ngoài như tiếng ồn hoặc sự chuyển động.
– Liên tục hoạt động: Những bé mắc chứng này đều có mức độ hoạt động cao hơn so với các bé cùng độ tuổi. Bé lúc nào cũng cựa quậy và rất khó ngồi yên được một chỗ lâu. Bé liên tục di chuyển sự tập trung chú ý của mình từ hoạt động này sang hoạt động khác.
– Hấp tấp: Đa phần các bé hiếu động hay tỏ ra bốc đồng và hăng hái quá mức. Bé cứ luôn muốn tìm việc gì đó để làm mà không cần suy nghĩ xem mình đang làm việc gì, có cần thiết hay không. Bé làm một cách hoàn toàn ngẫu nhiên, không biết sắp đặt hay làm theo kế hoạch.
– Bé vụng về, hậu đậu: Bé bị tăng động giảm chú ý thường gặp khó khăn trong việc phối hợp các động tác, từ những việc thông thường như đánh răng, rửa mặt, mặc áo quần cho đến viết chữ… Điều này khiến bé chậm tiếp thu và không thể thực hiện được những hành động tự chủ một mình như đi xe đạp hay chơi các trò chơi nhảy lò cò, nhảy dây, nhảy cao hoặc kém phát triển các kỹ năng như đá bóng, bắt bóng…
– Trí nhớ kém: Đặc biệt, những bé mắc chứng này gặp khó khăn trong việc lưu giữ thông tin đã được nghe nói. Do đó, sẽ thật “bất khả thi” nếu bắt bé nhớ vanh vách những kiến thức đã học trước đấy một hai tuần.
– Ương ngạnh: Đây là cá tính thường có ở đa số bé mắc hội chứng tăng động giảm chú ý. Bé thường cố chấp và hay phản kháng lại những thay đổi khác với thói quen, công việc hàng ngày. Nếu buộc phải thay đổi, bé dễ có những cơn bốc đồng và thay đổi tính khí.
– Bé hay gây gổ, sinh sự với người khác: Bé hay tìm cách gây hấn nên cũng dễ bị hăm dọa hơn những bé khác.
– Xáo trộn giấc ngủ: Bé có thể khó ngủ hoặc ngủ rất say. Thường xuyên bị ác mộng hoặc mộng du, trong khi những bé khó ngủ thì lại hay giật mình thức giấc.
– Thèm ăn: Do cần rất nhiều năng lượng để hoạt động nên bé mắc chứng tăng động giảm chú ý cũng thường bị rối loạn trong việc ăn uống ngay từ khi còn bé. Bé thèm ăn uống rất nhiều hoặc rất kén ăn, chỉ có thể ăn được một số thức ăn ưa thích.
– Diễn đạt từ ngữ chậm: Lúc đầu, bé phát triển khả năng nói bình thường nhưng về sau thì chậm lại. Có thể bé phát âm rất khó và có tật nói lắp. Bé thường gặp khó khăn trong việc học các môn tập đọc, tập viết.
Một số bất thường dễ thấy mẹ cần quan tâm:
(Nếu thấy con có một hoặc nhiều dấu hiệu dưới đây, mẹ nên đưa bé đến khám bác sĩ chuyên khoa tâm lý, tâm thần trẻ em).
– Trẻ thường xuyên di chuyển và xen vào mọi chuyện.
– Trẻ thường chồm tới chồm lui, leo trèo hoặc chạy nhảy trên bàn ghế, chạy quanh khắp nhà, khó tham gia vào một sinh hoạt nhóm của các trẻ nhỏ phải ngồi yên một chỗ (như ngồi nghe kể chuyện).
– Khi đi học ở trường, trẻ thường xuyên tự ý đứng dậy, uốn éo người hoặc đu đưa người trên mép ghế.
– Trẻ không ngừng sờ mó đồ vật mà không hề tỏ vẻ tò mò, tập trung chú ý, đập tay, đung đưa chân một cách quá đáng.
– Trẻ thường rời khỏi bàn ăn đang trong khi dùng bữa.
– Khi làm những công việc tĩnh lặng, trẻ thường gây nên những tiếng động ồn ào.
– Thường không thể tập trung chú ý nhiều vào các chi tiết hoặc phạm phải những lỗi lầm do bất cẩn trong học tập, làm việc hoặc trong các hoạt động khác.
– Thường có vẻ không lắng nghe người khác nói chuyện trực tiếp.
– Thường không tuân theo những hướng dẫn hoặc không thể hoàn tất bài vở ở trường, công việc nhà, hoặc các trách nhiệm nơi làm việc (không phải do hành vi chống đối hoặc không có khả năng hiểu những hướng dẫn).
– Thường khó khăn khi tổ chức các công việc và các hoạt động.
– Thường né tránh, không thích, hoặc miễn cưỡng tham gia các công việc đòi hỏi sự cố gắng tinh thần liên tục (như làm bài tập ở trường hoặc bài tập về nhà).
– Thường để thất lạc những vật dụng cần để làm việc hoặc vui chơi (đồ chơi, dụng cụ học tập, bút chì, sách vở, và các dụng cụ).
Nên làm thế nào với bé?
Thông thường, các bà mẹ rất sợ và không bao giờ muốn gắn kết con với một chứng bệnh về “rối loạn tâm thần” nên khi thấy những bất thường nói trên ở con, ai cũng cố gắng… phủ nhận, cho rằng đấy chỉ là những “hiếu động” bình thường thôi chứ không chịu đưa bé đi bác sĩ. Trong khi đó, cũng như tự kỷ, nếu phát hiện bé bị tăng động giảm chú ý càng sớm, bác sĩ càng có thể hỗ trợ cho bé tốt hơn.
Bạn cần biết rằng tăng động giảm chú ý là bệnh không phải nằm điều trị tại bệnh viện mà cần tư vấn, phối hợp các biện pháp trị liệu như: tâm lý – giáo dục, trị liệu hành vi, trị liệu nhận thức – hành vi… nên cần được phát hiện sớm. Trong trường hợp bé bị các triệu chứng rối loạn nghiêm trọng có thể dùng liệu pháp hóa trị liệu.
Thực tế, nếu được phát hiện sớm, kiên trì điều trị thì chỉ trong 3-6 tháng, bé sẽ có những cải thiện đáng kể. Bé dưới 3 tuổi thường được điều trị nhanh chóng và hiệu quả hơn. Cha mẹ cũng có thể trực tiếp giúp bé bớt hiếu động bằng những việc như cho bé chơi từng món đồ chơi một thay vì để cả đống đồ chơi xung quanh; nhờ bé làm những việc vặt nhẹ nhàng, dạy bé cất dọn đồ chơi sau khi chơi xong, hay cho bé chơi xếp hình, tô màu, vẽ tranh… để giúp bé điều chỉnh hành vi. Cũng nên đưa trẻ đến những lớp học đặc biệt dành cho trẻ tăng động giảm chú ý. Bằng những “uốn nắn” tích cực của các giáo viên chuyên biệt, bác sĩ, gia đình… trẻ sẽ có được những chuyển biến tích cực.
Cũng nên biết thêm rằng các triệu chứng tăng động giảm chú ý đặc biệt sẽ trở nên xấu hơn trong những tình huống không có tính mới lạ hoặc lôi cuốn. Ví dụ như bắt trẻ phải lắng nghe giáo viên giảng bài, làm các bài tập trong lớp học, nghe hoặc đọc những bài viết quá dài, hoặc làm các công việc đơn điệu, lặp đi lặp lại. Do đó, với trẻ tăng động giảm chú ý, bạn cần nỗ lực tìm yếu tố “mới lạ”, tạo ra môi trường mới mẻ, giúp trẻ tham gia những hoạt động lý thú, trong tình huống tiếp xúc “một-một” (như trong phòng khám của bác sĩ, học một thầy một trò) sẽ mang đến kết quả trị liệu tốt hơn.
Làm gì khi bé mắc chứng tăng động giảm chú ý?
– Khuyến khích hoặc khen ngợi bất cứ khi nào bé có thể tập trung chú ý. Điều này sẽ giúp bé phần nào định hình được hành vi của mình. Tuy nhiên, bạn nên thay đổi những lời khen chứ không nên dùng mãi một để có hiệu quả hơn.
– Bàn bạc với thầy cô của bé để họ hiểu được tại sao bé chỉ nỗ lực học tốt trong một thời gian nhất định, đồng thời biết khích lệ bé đúng lúc. Cùng với sự luyện tập cho bé ở nhà, bạn cũng nên nhờ thầy cô phối hợp để giảm sự phân tán tư tưởng của bé bằng cách cho bé ngồi bàn đầu, gần bàn giáo viên để hạn chế sự hiếu động, đùa nghịch trong lớp.
– Bạn có thể cho bé tập một môn thể thao phù hợp với bé như bơi lội, võ thuật để bé không quá dư thừa năng lượng cho những việc khác.
– Không nên cho bé xem ti vi nhiều hơn 30 phút/ ngày
– Dạy bé ghi những việc phải làm ra giấy và sắp xếp vào thời gian biểu. Nhắc nhở để bé thực hiện đúng theo thời gian biểu đó.
– Hạn chế tối đa việc để bé bị tổn thương tinh thần, tâm lý như thiếu thốn tình cảm của ba hoặc mẹ…
Theo sự tư vấn của Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thành (BV Đại học Y Dược)