Mẹ&Con – Trẻ em bị chảy máu cam là vấn đề rất hay gặp. Tuy không có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng trẻ có thể cảm thấy hoảng sợ, hoang mang. Trong trường hợp trẻ bị chảy máu kéo dài có thể dẫn đến mất máu…
Chảy máu cam là hiện tượng máu đỏ đột ngột chảy ra từ hốc mũi. Nhìn chung nó không có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Nguyên nhân gây ra có thể là do trẻ hay ngoáy mũi, hắt xì, dị ứng thời tiết, thay đổi sinh lý, hay do các bệnh lý gây ra như: bệnh về máu, tăng huyết áp…
Vậy khi trẻ em bị chảy máu cam, bố mẹ nên xử lý như thế nào?
Khi trẻ em bị chảy máu cam, việc đầu tiên bố mẹ cần làm là trấn an tinh thần cho trẻ, sau đó, hãy bình tĩnh thực hiện những công đoạn sau đây
Bước 1: Xác định bên mũi chảy máu
Thông thường máu chảy ra từ một bên lỗ mũi, nhưng trẻ thường có phản ứng dụi nên máu loang ra rất khó phân biệt máu chảy từ bên nào. Lúc này, bố mẹ cần lau mũi sạch cho trẻ, sau đó để trẻ cúi đầu xuống cho máu chảy ra và nhận ra bên nào chảy máu để xử lý cho đúng.
Bước 2: Cầm máu cho trẻ
Bố mẹ lấy ngón tay trỏ đè lên cánh mũi cho chạm vào vách ngăn. Hơi ngửa đầu bé lên một chút. Giữ nguyên khoảng 5 đến 10 phút thì máu sẽ ngừng chảy. Lưu ý là bố mẹ chỉ nên ngửa đầu trẻ ra sau một chút thôi, nếu ngửa quá nhiều sẽ dẫn đến hiện tượng máu chảy ngược vào hốc mũi hoặc bao tử.
Bước 3: Chăm sóc trẻ sau khi chảy máu cam
Cho trẻ nằm nghỉ. Nếu cẩn thận bố mẹ có thể dùng bông gòn bịt lại lỗ mũi bị chảy. Nếu máu chưa ngưng và chảy xuống cổ họng thì đặt trẻ nằm nghiêng. Hướng dẫn trẻ đẩy máu ra ngoài bằng lưỡi. Nhớ là không được để trẻ nuốt máu này vào bụng vì rất có thể trẻ sẽ bị nôn mửa, đau bụng và khó chịu.
Lặp lại việc đẩy máu này đều đặn 3 phút/lần. Bố mẹ nên chủ động ước lượng lượng máu mà trẻ bị mất.
Sau khi máu đã ngừng chảy, bố mẹ lấy khăn giấy hoặc một miếng bông nhẹ nhàng lau quanh lỗ mũi trẻ. Không nhét khăn hay bông vào sâu trong lỗ mũi. Ngoài ra, không cậy cục máu đông bên trong hoặc xung quanh lỗ mũi.
Tóm lại, chảy máu cam thường là triệu chứng vô hại, nhưng trong một số trường hợp bố mẹ nên chú ý vì trẻ còn nhỏ, rất dễ bị hoang mang, lo lắng. Hy vọng rằng thông qua những chia sẻ này, bố mẹ đã có thêm cho mình những kinh nghiệm hay để chăm sóc tốt cho trẻ khi bị chảy máu cam nhé.