Chào chuyên gia!
Gia đình tôi có điều kiện kinh tế tốt, ông xã làm chức vụ khá cao. Cũng phải thú thật một điều là chồng tôi tính tình có phần trịch thượng và gia trưởng dù tôi đã nhiều lần tìm cách chỉnh anh ấy. Có lẽ vì ảnh hưởng điều này mà con tôi mới 5 tuổi đã có thái độ rất hay coi thường người khác. Người giúp việc lỡ làm gì không vừa ý, bé “mắng” ngay: “Lát nữa bố về con nói bố đuổi việc cô!”. Vừa rồi, khi đưa con lên chơi ở công ty tôi, một chị bạn đùa gì đấy khiến bé khó chịu, bé cũng bảo: “Con nói bố con đuổi việc cô cho coi!”. Tôi ngượng đỏ mặt với mọi người và nhận ra mọi thứ đã đi quá xa. Tôi làm cách nào để uốn nắn lại bé bây giờ?
Trần Thị Mỹ Linh (Quận 1)
Bạn hỏi nhưng cũng là đã tự trả lời. Bạn đã nhận ra điều mấu chốt quan trọng nhất: trẻ con chính là bản sao của bố mẹ, trẻ ảnh hưởng rõ nét tất cả những điểm tốt và chưa tốt từ bố mẹ. Chính vì vậy, khi sinh ra một đứa trẻ thì thực tế bố mẹ cũng phải một lần nữa được “sinh ra”, phải tự điều chỉnh chính mình để con nhìn vào đó mà noi theo.
Chỉnh một đứa trẻ từ thời điểm mới bắt đầu chắc chắn sẽ dễ hơn nhiều chỉnh ở thời điểm bé đã có thể thốt ra câu: “Con nói bố đuổi việc cô!”. Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không làm được. Bạn hãy có một lần trò chuyện thật thẳng thắn và nghiêm túc với anh xã, phân tích để anh ấy thấy những tác hại nếu như con giữ tư tưởng này để bước vào đời (bé rất dễ bị cô lập khi đi học vì cách suy nghĩ đó).
Khi đã có sự đồng lòng của anh xã, bạn sẽ thuận lợi hơn rất nhiều để uốn nắn lại bé. Cần chỉnh bé từ những câu nói đến suy nghĩ. Bé cần học cách tự lập hơn, tự làm các việc vừa sức để biết giá trị của lao động. Dạy con tôn trọng mọi người, tránh chiều chuộng con để con thấy mình là “ông trời con”, “cái rốn vũ trụ” là việc rất cần thiết, không chỉ để định hình nhân cách của trẻ mà còn là để con thật sự được yêu thương, có được những tình bạn tốt khi đến tuổi rời xa vòng tay bố mẹ nữa, bạn ạ!