Mẹ&Con – Trẻ đến 2 tuổi bắt đầu học cách nói chuyện và bắt chước các âm thanh mà bé nghe được. Nếu trẻ sau 2 tuổi chưa nói được từ nào thì có thể xem là trẻ chậm nói. Nguyên nhân có thể xuất phát từ những vấn đề sau đây.
Do bé sinh non
Hầu như các bé sinh thiếu tháng thường gặp nhiều vấn đề về sức khỏe hơn những đứa bé khác. Đặc biệt là trong giai đoạn phát triển sau này, bé khó có thể theo kịp bạn bè trên mọi bình diện. Dấu hiệu trẻ chậm nói cũng là một biểu hiện cơ bản của việc chưa phát triển, tăng trưởng kịp.
Bé song sinh hoặc đa sinh
Các bé được sinh hai hoặc sinh ba, sinh bốn… thường nhẹ cân, khó nuôi, yếu ớt, không thông minh như các bé bình thường khác và phải nhờ vào sự can thiệp của các biện pháp y khoa để cải thiện sức khỏe. Từ đó, bé có thể bị ảnh hưởng đến việc nói.
Bố mẹ chăm chút bé quá kỹ
Việc bố mẹ chăm chút cho cuộc sống của bé quá kỹ cũng tạo nguy cơ chậm nói cho con. Chẳng hạn như, bé muốn ăn sẽ cố gắng học cách nói để thể hiện nhu cầu ăn của mình, nhưng bố mẹ quan tâm con quá mức khiến bé chưa kịp nói ra đã vội vàng lấy đồ ăn cho bé. Thường xuyên phục vụ bé quá kỹ như vậy sẽ tạo tâm lý “lười “ giao tiếp, từ đó làm chậm quá trình phát triển ngôn ngữ.
Bé gặp vấn đề ở tai
Tai rất quan trọng trong việc giúp bé nghe, tiếp thu, bắt chước và sử dụng ngôn ngữ. Vì vậy, trục trặc trong vấn đề nghe sẽ khiến bé chậm nói. Để tránh nguy cơ này, thỉnh thoảng mẹ nên đến bác sĩ kiểm tra và thăm khám tai cho bé.
Bé quá tập trung vào kỹ năng khác
Nếu bé vẫn phát triển bình thường về mọi thứ nhưng lại chậm biết nói, căn nguyên có thể đến từ việc bé tập trung quá nhiều cho một kỹ năng nào đó mà sao nhãng đi khả năng nói. Để tránh trường hợp này mẹ nên cân bằng lại các kỹ năng của bé, thường xuyên nói chuyện, đọc sách hoặc hát cho bé nghe nhiều hơn nữa.