Mẹ và Con - Chẳng bố mẹ nào có thể cảm thấy vui vẻ khi con không còn nghe lời mình như khi còn bé. Trong trường hợp này, phải giải quyết thế nào?

Khi lớn lên và có nhận thức riêng, đối với bố mẹ, trẻ thường có thái độ “yêu và ghét”, “thân thuộc mà xa lạ”. Và trẻ không còn muốn nghe lời bố mẹ nữa. Đặc biệt, khi con lên cấp 3 và đại học, những gì bố mẹ nói đều bị con khước từ. Vì sao lại như thế bạn nhỉ? Cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây bạn nhé!

con nghe lời bố mẹ

Vì sao trẻ không còn làm theo lời khuyên của bố mẹ?

Bị tác động bởi những người xung quanh

Từ lúc còn nhỏ cho đến khi dậy thì, trưởng thành là một quá trình cải thiện sự nhận thức và tự chủ về mọi thứ. Đến tuổi trưởng thành, những mối quan hệ của trẻ không còn xoay quanh bố mẹ mà còn có thầy cô, bạn bè của trẻ. Mỗi người sẽ cho trẻ những kiến thức, ý kiến khác nhau. Thậm chí, cùng một câu chuyện, cùng một tình huống nhưng trẻ có thể nhận được những lời khuyên khiến trẻ không biết mình nên làm gì.

Cũng chính vì thế, ý kiến từ những người xung quanh và ý kiến của bố mẹ vô tình tạo thành xung đột cơ bản khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi. Dần dần, trẻ có xu hướng muốn độc lập, tách ra khỏi bố mẹ, không cần bố mẹ can thiệp vào những câu chuyện hằng ngày của mình. Và cũng chính vì lý do này, những đứa trẻ không còn muốn nghe lời bố mẹ nữa.

Cách lựa chọn thông tin để chia sẻ

Những người con thường không muốn bố mẹ của mình phải lo lắng, bận tâm về mình. Vì vậy, chúng thường chọn cách “báo cáo” những thông tin tốt, tích cực như mình luôn ăn đủ bữa, thành tích học tập đạt loại giỏi nhưng luôn cố gắng che giấu bố mẹ về xu hướng tính dục, sở thích có vẻ không tốt cho sức khỏe như uống rượu, hút thuốc lá….

Bên cạnh lý do không muốn bố mẹ lo lắng, những đứa trẻ còn sợ bố mẹ thất vọng, can thiệp hoặc trách phạt mình. Chính vì thế, vô thức những đứa con hình thành thói quen chia sẻ những gì mà bố mẹ muốn biết, những vấn đề đằng sau thì giấu đi. Việc chia sẻ một nửa sự thật này đã vô tình khiến bố mẹ không thể hiểu chính xác được tình trạng con cái của mình đang như thế nào. Vì thế, bố mẹ đưa ra lời khuyên khác với những gì con cần khiến con không nghe lời bố mẹ.

nghe lời bố mẹ

Khoảng cách thế hệ quá lớn

Mỗi thời đại sẽ có những quan điểm và cách định hướng nhận thức khác nhau. Có thể những gì bố mẹ mong muốn ở con cái của mình hợp với thời đại của họ nhưng khi tới “thế giới” của những đứa con lại không còn đúng, đôi khi là lỗi thời. Vì thế, những đứa con thường lựa chọn không nghe theo nhưng cũng im lặng không giải thích, đẩy xung đột lên cao.

Bên cạnh đó, từ quan điểm của bố mẹ, chúng ta đã quen với hình ảnh của những đứa con còn nhỏ bé trong quá khứ. Vì thế, bố mẹ luôn “mặc định” trong tư duy của mình rằng con còn rất nhỏ, chưa nhận thức được đâu là đúng đâu là sai, con cần phải nghe lời bố mẹ thay vì tự làm theo ý mình. Nhiều bố mẹ đã buộc con phải nghe lời một cách cực đoan khiến con cái trở nên mệt mỏi, chán ghét, phản ứng ngược và chọn cách không nghe lời.

Phải làm sao khi con cái không còn nghe lời như trước?

Có lẽ, không một người bố, người mẹ nào cảm thấy vui vẻ khi những đứa con mình sinh ra giờ đây không còn lắng nghe, tiếp thu ý kiến, lời khuyên của mình. Tuy nhiên, trước tiên hãy cứ bình tĩnh bạn nhé!

Thay đổi quan điểm một chút, có thể thấy việc này chứng tỏ con bắt đầu có suy nghĩ riêng, có chính kiến riêng và bắt đầu tự lập trong suy nghĩ. Thật tốt biết bao nếu giờ đây con không còn quá phụ thuộc vào cuộc sống của bố mẹ nữa phải không nào? Vì thế, khi con có dấu hiệu phản kháng với những gì bạn nói, đừng ngay lập tức tức giận, tỏ ra bực tức và dùng mọi cách để ép buộc con. 

nuôi dạy con

Nếu chẳng may con đang có những phản ứng với điều mà bạn nói, hãy ngồi lại để tâm sự cùng con. Hãy lắng nghe những ý kiến, chia sẻ của con để biết được vì sao con lại có cách giải quyết như thế, vì sao con lại không muốn nghe lời bố mẹ. Và đừng quên tỉ tê với con về lý do tại sao bạn lại muốn con làm theo ý của mình bạn. Hãy trở thành một người bạn của con, hiểu con và để con hiểu được nỗi lòng của mình.

Sau một màn tâm sự, tỉ tê, đã đến lúc bạn cùng con đưa ra hướng giải quyết tốt nhất cho vấn đề. Hãy tìm cách để dung hòa giữa kỳ vọng của bạn và của con để cả hai phía đều có thể thoải mái với quyết định này. Và trong lúc thảo luận, tuyệt đối nói không với việc ép buộc trẻ phải làm theo ý của mình bạn nhé!

Không phải lúc nào trẻ nghe lời bố mẹ cũng là tốt còn trẻ không nghe lời sẽ là trẻ hư. Sẽ có những lý do khiến con không làm đúng theo ý của bố mẹ như Mẹ và Con đã đề cập. Vì vậy, hãy bình tĩnh và cảm thông, lắng nghe và chia sẻ với con, bạn nhé!

Bài viết liên quan

những điều cần biết khi dạy con về tình yêu

7 điều cha mẹ nên dạy con về tình yêu để trẻ luôn hạnh phúc

Mẹ và Con - Đã bao giờ bạn nghĩ đến việc ngồi lại và tâm sự, chia sẻ cùng con những vấn đề về tình yêu, chẳng hạn như tình cảm gà bông của con và người bạn cùng lớp? Một đứa trẻ được dạy về tình yêu từ sớm có thể học được làm sao để yêu thương đúng cách cũng như biết cách sống hạnh phúc với những tình cảm mình đang có.