Mẹ&Con - Trẻ dễ bị khủng hoảng tâm lý, stress hơn người lớn do bé chưa biết cách tự giải tỏa cảm xúc bản thân.

Chào bác sĩ!

Mới đây, bé nhà tôi vừa được chọn vào đội tuyển Toán của trường. Cô giáo khen bé thông minh, có năng khiếu, nên phát huy và bàn với gia đình tăng cường một số giờ bồi dưỡng, học thêm cho bé.

Tôi nghe rất mừng nên cũng có khuyến khích con học. Nhưng chỉ sau chưa đầy một tháng, bé có dấu hiệu căng thẳng, cáu kỉnh, ít vui tươi chơi đùa như trước mà lầm lì và rất dễ nổi quạu, hung hăng. Thậm chí, có hôm em gái mới đùa nghịch với bé một chút mà bé đã thẳng tay… tát em khiến em khóc thét lên. Điều này chưa từng xảy ra ở gia đình tôi vì bé vốn rất thương em và rất vui vẻ, dễ gần.

Bố của bé và tôi thay nhau tiếp cận, hỏi han con thì bé than rằng bé thấy “xì-trét” và “mệt mỏi” quá (tôi dùng nguyên văn từ của bé). Tôi rất bất ngờ, ngạc nhiên. Tôi hỏi con stress vì chuyện gì thì bé bảo học mệt, stress. Thế nhưng khi tôi hỏi con có muốn xin ra khỏi đội tuyển không thì bé lại không muốn. Tôi để ý thấy con tự giác thức khuya hơn để học bài. Nhiều khi tôi xót, bảo con đi ngủ đi thì bé vùng vằng bực tức. Bé ăn cũng ít hẳn, sụt cân, nhiều bữa trông rất bơ phờ cứ như “ông cụ non”. Tôi thật không biết làm sao. Kính mong bác sĩ tư vấn giúp. Liệu trẻ con có… stress không và bị stress thì có ảnh hưởng gì đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bé không, thưa bác sĩ?

Trần Hoài Giang (Quận 2)

 Bác sĩ trả lời

Nhiều phụ huynh cứ tưởng stress là chuyện của người lớn, cho rằng trẻ không biết stress nên lơ là mọi dấu hiệu căng thẳng ở con. Trong khi đó, kỳ thực trẻ lại dễ bị khủng hoảng tâm lý, dễ stress hơn người lớn nhiều, do bé chưa biết cách tự giải tỏa cảm xúc bản thân, chưa có kỹ năng để khống chế và điều khiển những cảm giác tiêu cực như chán nản, thất vọng, buồn phiền, v.v..

Chính vì sự lơ là này của bố mẹ mà nhiều trẻ chỉ được đưa đến bác sĩ khi đã rơi vào trạng thái stress nặng kéo dài, trầm cảm, có triệu chứng tâm thần. Trẻ con không giống như người lớn, stress vì những nguyên nhân “lớn”. Trẻ có thể stress vì những lý do mà nhiều bậc bố mẹ không tin nổi, ví dụ như bị bạn giận, bị thấp điểm trong lớp, sụt hạng, cảm thấy thất vọng về bản thân, bị mẹ “bỏ rơi” (vì có thêm em bé), v.v.. Đặc biệt, trẻ rất dễ bị tạo nên áp lực, căng thẳng trước những lời khen (điều mà nhiều bậc phụ huynh không hề ngờ tới). Khi trẻ cảm nhận được mình là niềm “kỳ vọng” của bố mẹ, trẻ dễ đòi hỏi mình nhiều hơn. Không đạt được những “mục tiêu” này, trẻ cảm thấy đau khổ, căng thẳng, mệt mỏi, v.v. dù rằng bố mẹ vẫn phân bua rằng mình chẳng hề đòi hỏi gì con cả.

Những dấu hiệu của con bạn hiện giờ cho thấy, nhiều khả năng bé đang tự đòi hỏi cao ở chính mình (bé không muốn ra khỏi đội tuyển, bé tự giác thức khuya hơn để học, bé cáu kỉnh và chán nản khi không đạt được kết quả như mong muốn, v.v.). Bạn nên trao đổi với cô giáo của bé, xem bé có trở ngại gì chăng, vì khi vào môi trường tập trung nhiều bạn giỏi, có thể từ chỗ “giỏi nhất” đến chỗ thấy mình “chẳng bằng ai”, bé dễ sốc.

Nên ổn định lại giờ giấc học hành của con, hướng thêm con đến việc giải trí, chơi đùa. Cho con biết rằng việc học, quan trọng nhất là con biết được thêm kiến thức chứ không cần đoạt giải cao nhất hay “giỏi nhất”. Nhẹ nhàng giải tỏa cho con mọi áp lực, bé sẽ thấy đỡ stress hơn. Trong trường hợp bạn cố gắng nhưng vẫn không thấy có dấu hiệu khả quan, nên đưa con đến các bác sĩ tâm lý để bác sĩ có thể giải tỏa cho bé. Chúc bạn thành công.

Tags:

Bài viết liên quan