Mẹ và Con - Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ không chỉ là một vấn đề cá nhân, mà còn là một vấn đề toàn xã hội. Vậy cần làm gì nếu phát hiện trẻ có vấn đề về ngôn ngữ?

Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ thường cảm thấy bị cô lập và khó giao tiếp một cách hiệu quả, khiến trẻ không còn tự tin. Tuy nhiên, bố mẹ cũng không nên quá lo lắng bởi nếu kịp thời nhận biết các dấu hiệu và có cách hỗ trợ trẻ thích hợp, trẻ bị rối loạn ngôn ngữ có thể vượt qua những khó khăn và tiếp tục phát triển một cách bình thường.

Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em là gì?

Hầu hết trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới biết đi có thể hiểu rõ những gì bạn đang nói trước khi chúng có thể nói rõ ràng. Khi lớn hơn và kỹ năng giao tiếp phát triển, hầu hết trẻ em học cách diễn đạt cảm xúc, mong muốn của mình thành lời.

Tuy nhiên, có những trường hợp trẻ khó có thể hiểu hoặc khó có thể diễn đạt được thành lời. Đây chính là trường hợp tẻ bị rối loạn ngôn ngữ. Cụ thể, trẻ có thể gặp một trong các vấn đề sau:

  • Rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận: Đây là trường hợp đứa trẻ gặp khó khăn trong việc hiểu những từ mà trẻ nghe được hay đọc được.
  • Rối loạn ngôn ngữ diễn đạt: Trẻ bị rối loạn phát triển ngôn ngữ diễn đạt thường gặp khó khăn khi nói chuyện với người khác, khó có thể bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình thành lời nói.

Có những trường hợp trẻ chỉ gặp một trong 2 dạng rối loạn ngôn ngữ trên. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp trẻ thường có cả hai rối loạn cùng một lúc. Những rối loạn ngôn ngữ như vậy thường được chẩn đoán ở trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 5.

nguyên nhân trẻ bị rối loạn ngôn ngữ

Nguyên nhân trẻ bị rối loạn ngôn ngữ

Nguyên nhân rối loạn ngôn ngữ ở trẻ

Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ em có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thông thường, rối loạn ngôn ngữ ở trẻ thường liên quan đến vấn đề sức khỏe hoặc các khuyết tật như:

  • Rối loạn não, điển hình là tự kỷ;
  • Chấn thương não hoặc khối u não;
  • Các dị tật bẩm sinh như hội chứng Down, hội chứng Fragile X (hội chứng gãy nhiễm sắc thể X, hội chứng nhiễm sắc thể X dễ gãy) hoặc bại não;
  • Các vấn đề khi mang thai hoặc khi sinh, chẳng hạn như dinh dưỡng kém, hội chứng rượu bào thai, sinh sớm (sinh non) hoặc nhẹ cân;
  • Do tiền sử gia đình;

Ngoài những nguyên nhân kể trên, vẫn có nhiều trường hợp, trẻ bị rối loạn ngôn ngữ mà không rõ nguyên nhân. 

Nhiều quan niệm cho rằng, việc cho trẻ học nhiều hơn một ngôn ngữ có thể gây rối loạn ngôn ngữ ở trẻ. Tuy nhiên, khoa học chứng minh, đây là một quan niệm sai lầm. Một đứa trẻ bị rối loạn ngôn ngữ sẽ gặp vấn đề giống nhau ở tất cả các ngôn ngữ, dù có phải là tiếng mẹ đẻ hay không. Nhưng học nhiều ngôn ngữ không phải nguyên nhân làm trẻ bị rối loạn ngôn ngữ. 

Những trẻ nào có nguy cơ bị rối loạn ngôn ngữ?

Những trường hợp trẻ có nguy cơ cao bị rối loạn ngôn ngữ bao gồm:

  • Tiền sử gia đình bị rối loạn ngôn ngữ;
  • Sinh non;
  • Cân nặng khi sinh thấp;
  • Mất thính lực; 
  • Tự kỷ;
  • Thiểu năng tư duy;
  • Rối loạn di truyền như hội chứng Down;
  • Rối loạn rượu bào thai;
  • Đột quỵ;
  • Chấn thương não;
  • Khối u ở não;
  • Bại não;
  • Có chế độ dinh dưỡng kém;

Những trẻ nào có nguy cơ bị rối loạn ngôn ngữ

Các triệu chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ là gì?

Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận

Trẻ mắc chứng rối loạn ngôn ngữ gặp khó khăn trong việc hiểu ngôn ngữ, nắm bắt ý nghĩa của những từ mà trẻ nghe và nhìn thấy. Một đứa trẻ bị rối loạn ngôn ngữ tiếp nhận có thể gặp khó khăn khi:

  • Hiểu những gì mọi người nói
  • Hiểu cử chỉ
  • Hiểu các khái niệm và ý tưởng
  • Hiểu những gì mình đọc
  • Học từ mới
  • Trả lời câu hỏi
  • Làm theo chỉ dẫn
  • Nhận dạng đối tượng

Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ diễn đạt

Một đứa trẻ bị rối loạn ngôn ngữ diễn đạt gặp khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ. Trẻ có thể hiểu những gì người khác nói nhưng sẽ gặp khó khăn khi cố gắng nói chuyện và thường không thể diễn đạt những gì mình đang cảm thấy và suy nghĩ.

Rối loạn có thể ảnh hưởng đến cả ngôn ngữ viết và nói. Và những đứa trẻ sử dụng ngôn ngữ ký hiệu vẫn có thể gặp khó khăn trong việc thể hiện bản thân.

Một đứa trẻ bị rối loạn ngôn ngữ diễn đạt có thể gặp khó khăn khi:

  • Sử dụng từ một cách chính xác
  • Bày tỏ suy nghĩ và ý tưởng
  • Kể chuyện
  • Sử dụng cử chỉ
  • Hỏi những câu hỏi
  • Hát những bài hát hoặc ngâm thơ
  • Đặt tên cho các đối tượng

Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ diễn đạt

Chẩn đoán rối loạn ngôn ngữ ở trẻ

Nếu bạn nghi ngờ trẻ bị rối loạn ngôn ngữ, bạn có thể đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám. Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng của trẻ cũng như xem xét lịch sử sức khỏe của trẻ. Bên cạnh đó, trẻ có thể được khám sức khỏe và kiểm tra thính giác. Bác sĩ cũng sẽ đánh giá con bạn trong khi chơi với những đứa trẻ khác. 

Trong suốt quá trình trẻ chơi, bác sĩ sẽ xem xét cách trẻ nghe, nói, làm theo chỉ dẫn, lặp lại cụm từ hoặc vần điệu, hiểu tên sự vật, có những hoạt động ngôn ngữ khác,… Từ đó bác sĩ có thể đưa ra đánh giá xem trẻ có bị rối loạn ngôn ngữ hay không.

Làm gì khi trẻ bị rối loạn ngôn ngữ?

Điều trị rối loạn ngôn ngữ ở trẻ

Bác sĩ sẽ giúp trẻ học cách thư giãn và tận hưởng với quá trình giao tiếp thông qua các trò chơi phù hợp với lứa tuổi để giúp trẻ có thể làm quen và sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp. Bac sĩ sẽ nói chuyện với con bạn và có thể:

  • Sử dụng đồ chơi, sách, đồ vật hoặc tranh ảnh để giúp phát triển ngôn ngữ;
  • Cho trẻ thực hiện các hoạt động, chẳng hạn như các dự án thủ công;
  • Cho trẻ thực hành hỏi và trả lời câu hỏi;

Sau khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ tư vấn thêm về các phương pháp phù hợp nhất với tình trạng của trẻ.

Làm thế nào có thể giúp trẻ chung sống với chứng rối loạn ngôn ngữ?

Rối loạn ngôn ngữ có thể gây khó chịu cho bố mẹ và giáo viên hay người chăm sóc trẻ, cũng như cho chính trẻ bởi khi trẻ bị rối loạn ngôn ngữ, trẻ có thể khó giao tiếp với mọi người xung quanh. Từ đó, trẻ có thể học không tốt ở trường hoặc cư xử không đúng mực, dễ có hành vi cáu bẩn vì không thể diễn đạt được cảm xúc của mình. 

Khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu rối loạn ngôn ngữ, bố mẹ nên sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần dành nhiều thời gian để giao tiếp với trẻ, hướng dẫn trẻ chơi các trò chơi về ngôn ngữ. Có thể đọc và nói chuyện với trẻ để giúp bé học từ mới, lắng nghe và phản hồi mỗi khi trẻ nói chuyện, khuyến khích trẻ đặt và trả lời các câu hỏi hay  chỉ ra các từ trên biển báo,…

Làm gì khi trẻ bị rối loạn ngôn ngữ

Nên nhớ, sự kiên nhẫn chính là một điều quan trọng khi giao tiếp với trẻ bị rối loạn ngôn ngữ. Đừng nản chí nếu trẻ chưa hiểu điều bạn nói hay chưa thể trò chuyện cùng bạn. Theo thời gian, tình trạng của trẻ sẽ cải thiện khi được điều trị đúng cách.

Không có gì đáng lo ngại hơn khi phát hiện ra trẻ có vấn đề với ngôn ngữ. Trẻ bị rối loạn ngôn ngữ có thể gặp khó khăn trong việc diễn đạt ý tưởng, hiểu ý nghĩa của từ vựng hoặc sử dụng cú pháp từ vựng đúng đắn. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng học tập và giao tiếp xã hội của trẻ cũng như chất lượng cuộc sống. Hãy thật kiên nhẫn với trẻ và áp dụng những phương pháp chăm sóc đúng cách để cùng con cải thiện từng ngày, bạn nhé!

Bài viết liên quan