Mẹ&Con - Sức khỏe của trẻ rất quan trọng, vì vậy các mẹ cần chú ý đến sức khỏe của trẻ. Đặc biệt, khi trẻ có triệu chứng đau đầu các mẹ đặc biệt theo dõi cho trẻ. Cách chăm sóc trẻ bị sốt Bé hay kêu đau đầu Giao mùa, cẩn thận viêm a-mi-đan

Thưa bác sĩ,

Con trai tôi mới học lớp 2. Thời gian gần đây, cháu cứ bảo với tôi là: “Mẹ ơi, con đau đầu quá!”. Ban đầu tôi tưởng cháu làm biếng không chịu học bài. Nhưng sau đó, tôi thấy cháu có các biểu hiện đau thật. Kèm theo đau đầu, cháu còn bị viêm mũi, chảy mũi màu vàng hoặc xanh rất đặc, mỗi lần hỉ ra rất khó khăn. Buổi sáng, cháu cũng có dấu hiệu hay bị buồn nôn. Tôi đã đưa cháu đi khám ở phòng mạch tư, được cho uống một số loại thuốc đau đầu, sổ mũi nhưng thấy tình hình của cháu vẫn không đỡ nhiều. Xin hỏi bác sĩ, con tôi có bị làm sao không? Bà nội nói tại cháu học nhiều quá nên bị stress, thần kinh. Có thật là như vậy không? Tôi đã giảm tối đa việc học thêm cho cháu nhưng vẫn không thấy đỡ…

Nguyễn Thị Bích Thủy (Quận Tân Bình)

Sao trẻ bị đau đầu thường xuyên

 Chị Bích Thủy mến,

Trẻ đau đầu thường xuyên có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Để kiểm tra chính xác, chị nên đưa cháu đến các bệnh viện Nhi (ví dụ Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2) để được chẩn đoán, cho làm các xét nghiệm… Từ đó bác sĩ mới có thể đưa ra kết luận chính xác được.

Tuy nhiên, với các triệu chứng như chị nêu trong thư, theo tôi thì cháu đang bị viêm xoang (chị nhớ nhắc kỹ với bác sĩ các triệu chứng như đã kể với bác sĩ khi đi khám). Nhiều phụ huynh cho rằng chỉ có… người lớn mới bị viêm xoang, chứ trẻ nhỏ sao lại viêm xoang được! Chính vì suy nghĩ chủ quan này nên không ít trẻ đã không được đưa đi điều trị mà cứ bị cha mẹ “dập” bằng thuốc điều trị cảm cúm, sổ mũi tự mua tại các nhà thuốc.

Nên biết rằng tỷ lệ bệnh viêm xoang trong các trẻ đến khám tại Khoa Tai – Mũi – Họng, bệnh viện Nhi Đồng 1 hàng năm lên đến khoảng 20%. Khi bị viêm xoang, trẻ thường có các triệu chứng như chảy mũi màu vàng hoặc màu xanh đặc, hơi thở hôi, hay buồn nôn, đau đầu, mệt mỏi. Ngoài ra, trẻ còn có thể bị sốt nhẹ, phù quanh mắt… Trước hết, chị nên dọn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, nhất là phòng ngủ của cháu. Nếu có các loại thùng các-tông, thùng tivi, tủ lạnh cũ trong nhà thì nên bán hết chứ đừng giữ lại vì đây là những “ổ bụi” với trẻ. Nên dọn dẹp cả các vị trí dễ bám nhiều bụi nhưng khó thấy như dưới gầm giường, trên đầu tủ… Hạn chế dùng máy lạnh trong nhà hay để quạt thổi trực tiếp vào mặt trẻ. Nên mở rộng cửa sổ, sử dụng khí trời. Khi chở trẻ ngoài đường hoặc đến nơi công cộng, cần cho trẻ đeo khẩu trang y tế. Đặc biệt, nếu nhà có người hút thuốc lá, phải yêu cầu bỏ thuốc lá hoặc không được hút trong nhà, nhất là khi có trẻ, vì khói thuốc lá là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến trẻ bị viêm xoang.

Song song đó, nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa Tai – Mũi – Họng càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ hỏi các triệu chứng, khám kỹ lưỡng. Trong vài trường hợp đặc biệt, bác sĩ có thể cho chụp X-Quang, CT… Chị không nên quá lo lắng vì đây chỉ là những việc phải làm để giúp chẩn đoán chính xác hơn tình trạng viêm xoang của cháu. Việc điều trị viêm xoang có thể mất thời gian khá lâu (cả tháng trời), song gia đình nên kiên nhẫn trị dứt điểm vì nếu không sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cháu sau này.

Theo sự cố vấn của Bác sĩ Phạm Khuê Anh (BV Nhi Đồng 1)

Tags:

Bài viết liên quan