Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong 6 tháng đầu đời, nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn. Tuy nhiên, với mong muốn con có đủ chất để phát triển, nhiều cha mẹ đã “nỗ lực” cho con ăn dặm sớm từ lúc trẻ 3-4 tháng tuổi hoặc sớm hơn. Điều này là hoàn toàn sai lầm và có thể sẽ mang lại những hậu quả không đáng có mà cha mẹ không ngờ đến.
1. Trẻ dễ chán sữa dẫn đến mẹ nhanh mất sữa
Khi trẻ nạp vào cơ thể một lượng thức ăn ngoài sữa mẹ, trẻ thường có xu hướng bú mẹ ít đi. Tâm lý chung khi thấy con bú ít đi, mẹ lại càng cố cho con ăn thêm. Tuy nhiên, trong giai đoạn 6 tháng đầu đời của trẻ, những dưỡng chất cần thiết nhất của trẻ đều có trong sữa mẹ mà không có một thức ăn dặm nào có thể cung cấp đầy đủ các dưỡng chất đó. Vậy nên, dù trẻ có tăng cường lượng thức ăn dặm mà ít bú mẹ thì vẫn rất dễ dẫn đến tình trạng trẻ bị suy dinh dưỡng.
Khi trẻ ít bú, không những làm trẻ bị hụt lượng chất dinh dưỡng và kháng thể, dẫn đến giảm sức đề kháng mà còn khiến mẹ giảm tiết sữa, nhanh bị mất sữa.
2. Rối loạn tiêu hóa hoặc tiêu chảy
Trong 6 tháng đầu, hệ tiêu hóa non nớt của trẻ chưa đủ men để xử lý tinh bột và những thức ăn dặm khác ngoài sữa. Trong quá trình ăn dặm, thức ăn bổ sung thường là tinh bột và các thứ khác. Tuy nhiên, để tiêu hóa tinh bột phải có men amylasa. Men này có rất ít ở tuyến nước bọt và tuyến tụy của trẻ 3 tháng tuổi, hoạt tính lại rất yếu, chỉ bằng 10% so với người lớn. Vì vậy, trong thời gian này, nếu cho ăn dặm, trẻ có nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa hoặc tiêu chảy do nhiễm trùng, nhiễm độc tiêu chảy, hay đau bụng, đi ngoài phân sống…
Trẻ ăn dặm sớm dễ gặp các chứng bệnh về rối loạn tiêu hóa (Ảnh minh họa).
3. Trẻ dễ bị dị ứng thực phẩm
Trẻ còn quá nhỏ, nên hệ tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện. Việc làm quen sớm với các thực phẩm mới lạ sẽ làm tăng nguy cơ dị ứng thức ăn, nhất là ở những bé có cơ địa nhạy cảm.
4. Trẻ bị thiếu máu do thiếu sắt
Việc cho trẻ ăn dặm sớm sẽ ảnh hưởng đến sự hấp thụ các chất dinh dưỡng khác. Cụ thể, việc ăn thức ăn bổ sung như bột ngũ cốc, rau, quả… có thể ảnh hưởng tới sự hấp thu sắt trong sữa mẹ dẫn đến trẻ bị thiếu máu do thiếu sắt.
5. Tăng nguy cơ béo phì ở trẻ
Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, những trẻ ăn dặm sớm từ khoảng 4 tháng tuổi có nguy cơ mắc béo phì cao hơn những trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Khi mới thay đổi chế độ ăn, trẻ chưa quen nên không muốn ăn, nôn oẹ, rối loạn tiêu hóa… nhưng dần dần cơ thể sẽ thích ứng để thích nghi với chế độ ăn bổ sung. Việc tích cực ăn dặm khi còn quá nhỏ sẽ hình thành thói quen ăn nhiều ở trẻ dẫn đến tăng cân quá mức.
Trẻ ăn dặm sớm làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì (Ảnh minh họa).
6. Xơ vữa động mạch khi trưởng thành.
Mỗi lứa tuổi có nhu cầu ăn uống khác nhau. Việc ăn quá nhiều những thứ bổ dưỡng cùng với chế độ ăn quá nhiều năng lượng, nhiều axit béo no trong 6 tháng đầu đời rất dễ làm phát triển bệnh xơ vữa động mạch ở tuổi trưởng thành.
7. Thận phải làm việc quá sức
Trong 6 tháng đầu đời, cơ thể trẻ sẽ không đủ sức tiêu hóa hết những thực phẩm đã nạp vào cơ thể khiến cho thận phải làm việc quá sức. Điển hình như khi trẻ ăn những thực phẩm giàu protein, lipid mà các dịch tiêu hóa, các enzyme tiêu hóa không đủ sức phân cắt hết protein, lipid sẽ gây cặn lắng ở thận. Hay việc mẹ nêm gia vị vào bột ăn dặm của trẻ dưới 1 tuổi cũng khiến thận của trẻ quá tải dẫn tới suy giảm chức năng thận.
8. Tổn thương dạ dày
Khi trẻ khoảng 4 tháng tuổi, dạ dày còn non nớt, lớp niêm mạc bề mặt và lớp dịch nhầy bảo vệ còn mỏng, nên khi thức ăn vào dạ dày phải co bóp làm việc nhiều, dễ bị tổn thương.
9. Tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường
Trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ công bố rằng, các loại ngũ cốc trẻ ăn trước 4 tháng tuổi sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường ở trẻ khi trưởng thành.
10. Có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp
Trong sữa mẹ, hàm lượng natri thấp, khoảng 15 mg%, đủ đáp ứng nhu cầu cho trẻ. Khi ăn bổ sung, lượng natri đưa vào cơ thể tăng lên rất nhiều lần gây ra bệnh tăng huyết áp.
11. Trẻ có thể bị nghẹt thở
Khi trẻ chưa biết phối hợp giữa các cơ hàm, lưỡi, hầu, họng để nuốt thức ăn. Cộng với việc trẻ ngồi chưa vững, khi ăn thường nằm sẽ làm tăng nguy cơ sặc hóc thức ăn, rất nguy hiểm.
12. Đêm trẻ ngủ không ngon
Khi trẻ ăn dặm quá sớm, việc nạp các thực phẩm khác ngoài sữa mẹ khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa như khó tiêu, đầy bụng… ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ, làm trẻ ngủ không ngon, không thẳng giấc.
Trẻ ăn dặm sớm sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ đếm của trẻ (Ảnh minh họa).
Lưu ý về thời điểm cho trẻ ăn dặm
Thời điểm vàng để bắt đầu cho trẻ ăn dặm là 6 tháng tuổi. Việc cho trẻ ăn dặm sớm có nhiều tác hại khôn lường, tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo không nên cho trẻ ăn dặm quá muộn. Nếu trẻ ăn dặm quá muộn, khi đó sữa mẹ không còn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng khiến trẻ không chỉ thiếu chất mà còn dễ gặp khó khăn trong việc tập ăn những món mới.
Tuy nhiên, với một số bé sinh non, lời khuyên là nên bắt đầu ăn dặm muộn hơn.