Mẹ&Con – Bạn sẽ ấn tượng và thích thú bởi tất cả những điều tuyệt diệu, mà con cái mình có thể thốt ra và thực hiện.
Trẻ ở lứa tuổi 3 – 4 đem đến những cột mốc về sự phát triển rất lí thú. Chúng có thể trở thành một đứa trẻ đáng yêu nhất, vui nhộn nhất và khôn ngoan nhất mà bạn từng biết.
“Ngôn ngữ, động cơ và những kĩ năng xã hội của trẻ em phát triển một cách vượt trội vào lứa tuổi này” – tiến sĩ Mike Assel (Trợ lí giáo sư khoa nhi tại Viện nghiên cứu trẻ em của trường The University of Texas Health Science Center, Houston, Mỹ) cho biết.
Vậy, tại sao 3 – 4 tuổi lại là lứa tuổi đáng yêu nhất của trẻ em? Con bạn có thể trở thành một đứa trẻ giàu cảm xúc, biết tự lập và quan tâm đến người khác. Cụ thể:
Chúng nói những điều thực sự đáng yêu
Trẻ em trải qua thời kì bùng nổ kĩ năng ngôn ngữ trong độ tuổi từ 3 – 5. Trong khi một đứa bé 2 tuổi thường sử dụng câu ngắn, không có chủ ngữ thì những trẻ mẫu giáo bắt đầu nói được những câu hoàn chỉnh và diễn đạt cảm xúc của mình tốt hơn hẳn. Chúng trả lời câu hỏi chính xác hơn, dùng những từ mới và nói những điều thực sự vui nhộn.
Và không chỉ lặp lại những câu nói nghe được, chúng còn bắt đầu diễn giải sâu cách hiểu của mình về thế giới. Audrey Wang đến từ Pasadena, California (Mỹ) – mẹ của bé Ciel 3 tuổi nói: “Tôi bảo Ciel ăn hết món mì sợi đi, con bé nhìn vào bữa tối của nó (thực ra là cái hộp mì) và đáp: “Đây đâu phải mì sợi? Mà là mì ống”. Nó bỗng nhiên nói chính xác về mọi thứ”.
Chúng trải qua một cuộc bùng nổ kĩ năng mới
Các kĩ năng vận động và nghệ thuật phát triển rất nhanh ở lứa tuổi này. “Trẻ em có thể dễ dàng đơm lại nút áo, sử dụng muỗng… dù chúng vẫn cần phải giúp” – tiến sĩ Laura Stout Sosinsky, giáo sư trợ lí ngành tâm lí học của Fordham University ở New York City nói.
Trong khi trẻ nhỏ phụ thuộc nhiều vào cha mẹ thì trẻ ở tuổi mẫu giáo, chúng trở nên tự chủ hơn trong nhiều tình huống. Một đứa trẻ 3 hoặc 4 tuổi có thể nhặt đồ chơi lên, bỏ quần áo vào rổ hay thậm chí biết rửa chén dĩa. “Những trẻ ở tuổi mẫu giáo có thể không hoàn hảo trong những việc này, nhưng chúng có thể rất hữu ích và giúp bạn xoay sở với cuộc sống tốt hơn” – Tiến sĩ Laura Stout Sosinsky chia sẻ.
Chúng có thể hiểu được cảm xúc của người khác
“Bạn sẽ thấy trẻ ở lứa tuổi này, trẻ bắt đầu gọi tên những cảm xúc của chúng và thông hiểu cảm xúc của người khác. Điều này khiến chúng dễ đồng cảm hơn” – theo tiến sĩ Sosinsky.
Cô con gái Ruby 3 tuổi của Leslie Aronson cảm thấy rất buồn khi mẹ phải nhập viện, còn mình ở nhà ông bà. Nhìn thấy con buồn, Aronson không cầm được nước mắt. Khi Ruby thấy mẹ lo lắng, cô bé tuyên bố: “Mẹ ơi, con vui mà. Con ở với ông, với bà”. “Con bé biết tôi đang lo lắng và cố dỗ dành tôi. Đó là thời khắc rất cảm động đối với tôi” – Người mẹ nói.
Không quá bám sát vào cha mẹ
Nếu bạn cảm thấy khó khăn khi nói lời chia tay, thì đây là tin vui: “Dễ dàng chia tay là một lợi thế của lứa tuổi này. Những trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo khá thoải mái khi phải chia cách cha mẹ chúng”, tiến sĩ Assel nói. “Điều này dường như có liên quan đến một thực tế rằng trẻ ở tuổi này bắt đầu cảm nhận những ý niệm trừu tượng như thời gian chẳng hạn”. Khi trẻ biết bạn sẽ trở về sớm thôi và nói lời tạm biệt một cách dễ dàng hơn, bạn sẽ cảm thấy ít băn khoăn khi phải rời xa chúng.
Chúng rất thích thú học hỏi
Trẻ 3 và 4 tuổi là những đứa trẻ luôn đặt câu hỏi và ngập mình trong những thông tin. “Tại sao? tại sao? Và tại sao” là cụm từ thường xuyên được thốt ra ở lứa tuổi này. Đó là cách trẻ xây dựng một nền tảng kiến thức và để hiểu thêm về thế giới.
Thậm chí, trẻ còn đưa ra những sự thật và những chi tiết khiến bạn kinh ngạc. “Trong dịp ghé bác sĩ gần đây, bác sĩ hỏi Sam, con trai 3 tuổi của tôi rằng sinh nhật của nó là khi nào? Tôi định ngắt ngang và trả lời thay, thì thằng bé la lên “Ngày 11 tháng 3!”. Tôi tự hỏi “Nó biết từ lúc nào?” – Glatzer, sống ở Mableton, Georgia, nói.
Những trẻ ở tuổi này còn bắt đầu học hỏi về tên gọi của những hình dạng, màu sắc và kí tự. Chúng có thể nhận ra tên của mình trên những tấm thiệp sinh nhật hoặc đọc được chữ “STOP” trên những biển báo dừng lại.
Trẻ con thật tuyệt vời và đáng yêu, phải không nào?