Mẹ&Con – Từ 18 tháng trở lên, bé bước vào giai đoạn “tự khẳng định mình”, trở nên “bướng bỉnh”, không chịu nghe theo bố mẹ.

Chào bác sĩ!

Con tôi được 18 tháng và tự dưng đến giai đoạn này, bé có vẻ thích “khẳng định mình”. Đôi lúc, bé làm tôi bất ngờ vì bé không thích tôi “làm giùm” nữa mà rất hay đòi tự mình làm một việc gì đó, như chải đầu chẳng hạn. Dù bé không biết chải nhưng bé thích giành lấy lược để “quẹt quẹt” lên đầu mình và khóc ré lên bực bội khi tôi muốn “làm giùm”. Xin hỏi bác sĩ, có nên khuyến khích việc bé thích “độc lập” như thế không? Nhiều khi tôi thấy con trở nên bướng quá cũng bực mình, ví dụ đến giờ đi ra ngoài rồi mà bé nhất định đòi đôi giày này chứ không chịu mang đôi giày kia. Tôi nên chiều theo bé (chấp nhận những “đòi hỏi độc lập” này) hay nên uốn nắn cho bé ngoan, biết vâng lời bố mẹ?

Lê Thị Mỹ Hạnh (Quận 2)

Bác sĩ trả lời

Bạn đã nhận thức đúng về sự thay đổi của bé. Khoảng 18 tháng tuổi trở lên là lúc con của bạn bắt đầu hiểu bé là một “cá thể độc lập”. Bé rất thích tự khẳng định mình trong lúc này và bạn hoàn toàn không nên “căng thẳng” vì điều đó. Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy con rất thích tự nói tên mình (ví dụ bé xưng tên thay vì xưng “con”); bé thích xem những bức ảnh trong album và biết đâu là ảnh của mình, rất thích ngắm ảnh mình; bé muốn tự làm một số việc dù làm rất vụng về, ví dụ như thích được tự chải đầu, thậm chí tự rửa tay thay vì chờ mẹ rửa cho, tự lau mặt, tự sắp xếp ghế ngồi, v.v..

Đôi lúc, bố mẹ sẽ “cáu”, “bực mình” với bé khi thấy con khẳng định “cái tôi” theo cách quá quyết liệt. Bé giành làm một số thứ mà bạn biết là bé chưa đủ sức làm. Cứ thế, mẹ giành theo ý mẹ, bé giành theo ý bé. Rồi bé có thể khóc thét lên đầy bướng bỉnh, rồi mẹ không kiềm chế được có thể quát nạt, la rầy, v.v.. Lời khuyên dành cho bạn lúc này là hãy bình tĩnh, chấp nhận quá trình “tự khẳng định” của con và khuyến khích, cho phép con tự làm một số việc trong tầm kiểm soát của mình.

Nên hướng dẫn và cho bé thử sắp xếp đồ chơi theo ý mình, nên để bé tự thực hiện việc rửa tay, chải tóc theo cách con thích (sau đó, đến khi bé “thỏa mãn” rồi, bạn có thể “làm lại” cho bé nếu bé làm chưa ổn). Bạn còn có thể “nhờ” bé làm giúp việc này việc kia và khen ngợi bé trước những “thành quả” bé làm. Đừng lo “chiều quá con hư”! Ở tuổi này, bé cần khẳng định cá tính của mình, cần cảm thấy bé là một cá thể độc lập và phát triển cảm xúc. Những việc uốn nắn, nếu muốn, đều nên hướng dẫn theo cách thật nhẹ nhàng, khéo léo.

Tags:

Bài viết liên quan