Mẹ&Con – Bé yêu của bạn bước vào một kỳ nghỉ dài ngày. Ấy cũng là lúc bạn… phát sốt vì lo. Lo con lúc tắm biển, lúc ở hồ bơi. Lo con lúc về nhà ông bà hái trái cây, dễ té ngã hay bị côn trùng cắn đốt. Một trăm mối lo trong bạn. Nào, thế thì kiểm tra lại xem bạn cần làm những gì để tránh cho con những “cái bẫy” chực chờ!

Đi biển

Tranh bay mua he

(Ảnh minh họa)

* “Bẫy” nước:

Nhắc đến chữ “nước” là mẹ thấy sợ rồi! Tuy chỉ viết ngắn gọn là đi biển, nhưng những dặn dò này cần được áp dụng ở mọi nơi có nước, như sông ngòi, ao rạch, hồ bơi… đấy nhé.

>> Cách tránh “bẫy”:

– Nguyên tắc căn bản là không được rời mắt khỏi bé nếu cho bé xuống nước, dù chỗ nước ấy có cạn đến đâu đi chăng nữa.

– Bạn cần cho bé học bơi càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nhớ rằng kể cả khi con bạn bơi giỏi như một con rái cá thì vẫn phải áp dụng nguyên tắc căn bản, tức là vẫn không được phép rời mắt khỏi bé đâu.

– Luôn cho con mặc áo phao khi ra biển, hồ, sông ngòi (những nơi bạn không kiểm soát được độ sâu của nước). Một số bé ỷ y mình bơi giỏi thích… thể hiện mình bằng cách không chịu mặc áo phao. Bạn nhất định phải giải thích cho con hiểu và làm gương cho con bằng cách chính bạn cũng mặc áo phao.

– Chỉ nên cho bé bơi ở những nơi có cứu hộ và được phép bơi. Tuyệt đối không tự ý đưa bé xuống những ao hồ không có cứu hộ, nhất là những nơi từng được cảnh báo là có người chết đuối. Một xoáy nước, một ít rong tảo vướng vào chân có thể là nguyên nhân đưa đến tai nạn bất cứ lúc nào, bạn nhớ đấy!

* “Bẫy” đá ngầm, vỏ sò:

Đùa giỡn với những chiếc vỏ sò, vô ý bơi vào khu vực đá ngầm, hoặc đi trên bờ nhưng lại giẫm phải một miếng mảnh chai sắc nhọn. Chuyện gì sẽ xảy ra? Chắc chắn con sẽ bị một vết cắt ở chân, chảy máu, thậm chí có thể bị nhiễm trùng, sưng tấy sau đó. Dù chỉ dặn điều này trong phạm vi đi biển, nhưng kỳ thực mẹ cần áp dụng nó trong tất cả mọi trường hợp bé đòi… bỏ dép và đi chân trần!

>> Cách tránh “bẫy”:

– Một đôi dép hoặc đôi giày thoải mái là thứ bạn nên mua cho bé, giúp bé vẫn có thể tung tăng chạy nhảy mà không lo giẫm phải vật sắc nhọn nào.

– Nếu con bơi dưới biển, cần đảm bảo đó không phải là khu vực có đá ngầm. Nên chọn nơi nước đủ trong để bạn quan sát đáy trước khi cho con xuống.

– Dặn dò con không tự ý mó tay vào các gai hoặc vật sắc nhọn.

– Nếu gặp tai nạn đứt tay đứt chân vì những mảnh đá sắc, vỏ sò ốc, mảnh chai, gai nhọn… cần nhanh chóng rửa sạch vết thương bằng xà phòng sát khuẩn, để vết thương dưới vòi nước chảy mạnh vài phút, sau đó băng lại. Trường hợp vết thương có vẻ nghiêm trọng, chảy máu nhiều, cần lập tức đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất.

– Không bao giờ được phép chủ quan vì những vết đứt tay chân, trầy xước dù nhỏ nhất. Nếu thấy vết thương nào có dấu hiệu nhiễm trùng, sưng tấy, cần đưa bé đến bác sĩ ngay.

* “Bẫy”… vật thể bay:

Không phải vật thể bay là các… phi thuyền đâu. Ý bác sĩ muốn nhắc đến những thứ trẻ rất thích dùng để… ném, chọi vào nhau. Ở biển, đó có thể là cát, là các vỏ ốc nhỏ. Ở ngoài đồng, đó có thể là các loại hạt, trái cây. Các bé trai vô cùng thích trò đánh trận giả và thích việc… ném các “vật thể bay” vào nhau như thế này. Nhưng cẩn thận, mắt bé có thể bị ảnh hưởng, thậm chí trở nên mù vĩnh viễn nếu bị bạn ném một vật vào thẳng mặt trong lúc đùa chơi!

>> Cách tránh “bẫy”:

– Luôn nhắc nhở con rằng việc ném, chọi cát, sỏi, đá, trái cây, hạt, đồ chơi hay bất cứ thứ gì khác vào nhau là rất nguy hiểm. Khi cho bé chơi trong một nhóm, bạn cần trao đổi với các phụ huynh khác để nhắc cả nhóm và để mắt trông chừng các bé, lập tức ngăn cản nếu thấy các bé chơi trò này.

– Cấm tuyệt đối bé chơi các loại súng nhựa bắn đạn, các loại ná bắn chim.

– Nếu có vật lạ bay vào mắt bé (một hạt cát chẳng hạn), không để bé dụi tay liên tục mà giúp bé ngửa đầu, mở nhẹ mắt, sau đó nhỏ nước sạch hoặc nước mắt nhân tạo để giúp cát trôi ra.

– Có thể thử thổi mạnh vào mắt cho bé.

– Trong mọi trường hợp bé bị dị vật rơi vào mắt, cảm thấy đau đớn, lập tức phải đưa bé đến trạm y tế gần nhất để được giúp đỡ.

* “Bẫy” sứa biển:

Sứa nói riêng và mọi sinh vật lung linh, rực rỡ khác nói chung (như nấm độc, các loại hoa độc) đều có khả năng gây dị ứng nặng nề cho trẻ. Hình dung, bé thấy một con sứa lửa lúc bơi và không biết, vẫn “lượn lờ” ở gần. Hình dung, bé thấy một cái nấm độc đỏ rực rỡ mọc ngay trong vườn nhà nội, hớn hở thò tay… hái ngay mang về cho mẹ. Bạn biết chuyện gì xảy ra rồi đấy!

>> Cách tránh “bẫy”:

– Phải quan sát và tìm hiểu bãi tắm trước khi cho bé xuống nước. Nếu bãi tắm của bạn có nhiều sứa (nhất là sứa lửa) hoặc đang mùa sứa, cách tốt nhất là theo sát bé hoặc chỉ cho bé tắm trong… hồ bơi.

– Dặn con không được sờ vào những sinh vật lạ, dù chúng có đẹp đến mấy. Ở những nơi bạn đoán rằng có thể có nguy cơ, đừng rời mắt khỏi con và ở gần con, yêu cầu con hỏi bố mẹ nếu thấy có sinh vật nào kỳ lạ.

– Khi trẻ chẳng may bị sứ “đốt”, bị dị ứng với nấm độc hoặc các loại tương tự, đừng tự cứu chữa mà cần nhanh chóng đến trạm cứu hộ, trung tâm y tế càng nhanh càng tốt. Nhớ mang theo mẫu vật nếu có thể hoặc ít nhất là mô tả chính xác cho bác sĩ biết trẻ bị dị ứng bởi cái gì. Việc này sẽ giúp việc cứu chữa cho bé thực hiện tốt và nhanh chóng hơn.

Tranh bay mua he

(Ảnh minh họa)

* “Bẫy” cây:

Bạn thấy đấy, sau những tháng bị bố mẹ “nhốt” trong các bức tường, giờ được về quê, bé thích quá còn gì. Tha hồ mà leo trèo, mà trèo cây hái quả nhé! Và từ đây, nguy cơ cũng lập tức bắt đầu! Chỉ cần một nhánh cây gãy rắc một cái, thế là bé yêu có thể bị chấn thương vì té ngã ngay. Ngoài ra, đừng quên rằng đã nhắc đến cây thì sẽ phải nhắc luôn đến… rắn hoặc các sinh vật khác sống trên cây, có độc, có khả năng gây nguy hiểm cho con bạn.

>> Cách tránh “bẫy”:

– Không nên cho bé trèo cây. Nếu muốn hái quả, có thể dùng lồng hái.

– Luôn để mắt đến bé khi bé ở ngoài vườn. Không để bé chơi một mình ngoài tầm kiểm soát của bạn.

– Không nên cho bé chơi ở những khu vực cây cối quá um tùm.

– Trường hợp gặp tai nạn té ngã hay bị rắn cắn, cần nhanh chóng sơ cứu đúng cách (kiểm tra xem bé có bị gãy xương không, cố định bằng nẹp, buộc garo cho trẻ…) sau đó chuyển bé đến bệnh viện ngay.

* “Bẫy” côn trùng:

Nhện, muỗi, ong, ve… Đủ các thứ côn trùng chực chờ, ẩn nấp nơi đồng quê, sẵn sàng lao ra cắn, đốt bé nếu bạn không biết cách giúp bé phòng tránh. Nguy thật đấy! Nhưng chẳng lẽ lại… nhốt bé ở trong nhà?

>> Cách tránh “bẫy”:

– Nhắc bé các khu vực trong vườn có tổ ong. Tuyệt đối không được tự ý chọc phá tổ ong, rất nguy hiểm.

– Bôi kem chống côn trùng cắn đốt cho bé, nhất là khi mới về chơi “xứ lạ”.

– Cho bé mặc quần áo dài tay, đi vớ bảo vệ nếu như bạn chưa yên tâm ở nơi bé chơi đùa.

– Cho bé ngủ mùng kể cả buổi trưa và buổi tối để tránh bị muỗi đốt. Bạn đừng quên bé có thể bị sốt xuất huyết, sốt rét chỉ vì muối đốt đấy.

– Luôn nhắc bé giữ sạch quần áo, giày dép trước khi mang hoặc mặc vào. Một chú nhện có thể nấp trong áo khoác của bé và “cắn” ngay một miếng nếu chẳng may bé mặc vào đấy.

– Kiểm tra và giũ sạch chăn màn, gối nệm trước khi cho bé ngủ.

– Nếu bị côn trùng cắn, đốt, hãy sát trùng vết thương cho bé, bôi thuốc và theo dõi vết thương. Trường hợp bé có dấu hiệu sốt, vết thương sưng đỏ lên thì phải đến bác sĩ càng sớm càng tốt.

Tags:

Bài viết liên quan