Mẹ&Con – Mắc nghẹn, hóc xương cá, hóc hạt của các loại trái cây, đến cả hóc dị vật như đồ chơi là điều rất thường gặp ở trẻ em và cũng là một tai nạn vô cùng nguy hiểm. Có những trường hợp, cha mẹ không biết cách xử trí, trẻ phải trả giá bằng chính… cuộc sống của mình

phòng tránh trẻ bị hóc

(Ảnh minh hoạ)

Đừng coi thường chuyện hóc!

Hầu như ai cũng từng có vài lần trong đời từng mắc nghẹn hoặc hóc một dị vật nào đấy khi ăn uống. Chính vì quá phổ biến như thế nên nhiều bậc cha mẹ đâm ra chủ quan, ỷ y khi thấy con bị hóc. Trừ trường hợp con hóc xong không thở được, tím tái toàn thân thì cha mẹ mới xem là nguy cấp thật sự, còn lại, nếu hóc xong con vẫn… tỉnh rụi, khỏe re, chỉ khó chịu, đau ở cổ thôi thì cha mẹ rất hay cho qua, để con ở nhà và cứ bảo trẻ kiếm trái chuối hay miếng cơm nào đó mà nuốt vô, để đến mai sẽ hết!!!

Xử trí sai như thế nên có không ít trường hợp, trẻ chỉ được đưa đến bệnh viện khi đã trải qua 4-5 ngày, khi càng lúc càng đau, bị sốt, không ăn uống được. Đến lúc này thì chỗ hóc có khi đã bị áp xe, nhiễm trùng nặng, phải điều trị rất vất vả mới khỏi.

Hóc thường gặp nhất là hóc xương cá, hóc các mảnh xương gà, xương heo. Kế đến nữa là hóc các loại hạt trái cây như hạt sa-pô-chê, hạt vú sữa, hạt nhãn, mãng cầu… Một số trường hợp khác, trẻ nuốt trọng kẹo, ngậm các loại đồ chơi trơn, tròn, nhỏ rồi bất thần bị đồ chơi rơi tọt luôn vào cổ họng. Việc bị hóc phổ biến đến nỗi không ngày nào mà khoa Tai – Mũi – Họng các bệnh viện nhi không tiếp nhận vài trường hợp “gặp nạn”.

Cá biệt, có trường hợp ban đầu trẻ không bị hóc, chỉ đang ngậm hạt hay dị vật gì đó trong miệng thôi. Thay vì bình tĩnh dụ trẻ nhả ra, cha mẹ lại phát hoảng, la hét làm trẻ hoảng sợ, há miệng khóc hoặc… nuốt chửng luôn. Rõ ràng, chỉ cần xử trí sai, cha mẹ có thể vô tình đẩy con vào chỗ nguy hiểm hoặc khiến việc bị hóc ban đầu chỉ là một tai nạn bình thường bỗng trở thành tai nạn nghiêm trọng vì để quá lâu như thế.

Bạn làm gì khi con bị hóc? Khi đặt ra câu hỏi này với các bậc phụ huynh, các bác sĩ cũng phải giật mình khi phát hiện ra rằng rất nhiều người vẫn cứ xem hóc là tai nạn… nhỏ xíu, tự xử trí ở nhà là được rồi. Chưa hết! Tự xử trí ở nhà nhưng lại không biết cách, nhiều người tìm cách cho tay vào cổ họng con, cố móc, cố tự gắp xương ra.

Đã có rất nhiều trường hợp vì cách làm này của cha mẹ mà trẻ bị sưng phù nắp thanh nhiệt, thanh quản. Trường hợp khác, cha mẹ tin vào cách chữa mẹo, thay vì tìm bác sĩ để nhẹ nhàng gắp xương ra cho con chỉ mất vài phút lại đi tìm người đẻ ngược để vuốt cho trẻ, vuốt ngược đũa… Mãi đến khi trẻ không khỏi, sốt và đau đớn không chịu nổi thì mới chịu tìm đến bác sĩ.

Làm gì khi con hóc?

Cần nhắc một điều quan trọng trước tiên là chỉ có thể tự xử trí tại nhà trong trường hợp dị vật nhỏ, chỉ vướng sơ. Trường hợp dị vật lớn như mắc xương lớn, hoặc mắc dị vật có gai, có mũi nhọn thì cho dù đã nuốt trôi, không thấy vướng nữa vẫn phải đến bác sĩ để kiểm tra.

Tuyệt đối khi mắc xương lớn, không được ép trẻ cố nuốt hết thứ này đến thứ khác như chuối, rau, cơm nắm vì cách làm này chỉ khiến cho dị vật càng lúc càng bị đẩy sâu vào bên trong, gây nguy hiểm hơn mà thôi. Xử trí tai nạn hóc dị vật được thực hiện ở bệnh viện rất nhanh chóng, an toàn, nhẹ nhàng nếu đưa đến kịp thời.

Ví dụ như con bạn bị hóc một cái xương to, đưa đến bác sĩ trong vòng vài tiếng đồng hồ, bác sĩ chỉ cần gắp nhẹ là khỏi ngay. Trong trường hợp để sau 24 tiếng đồng hồ, chỗ hóc sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng, áp xe. Đến lúc này vừa tốn chi phí điều trị, vừa gây đau đớn cho trẻ.

Không chỉ rơi vào thực quản, nhiều trường hợp dị vật còn rơi cả vào đường thở. Đây là trường hợp cấp cứu tối khẩn cấp. Lúc này, nếu xử trí sai, chỉ trong vài phút bé có thể không qua khỏi nữa

Bạn cần biết rằng bên cạnh việc bị viêm nhiễm, áp xe như vừa nói, có những trường hợp nặng hơn, xương hoặc dị vật có gai nhọn bị hóc có thể đâm vào mạch máu lớn, làm chảy máu, rất dễ tử vong! Có trường hợp khác, xương chui vào lồng ngực làm áp xe trung thất, áp xe màng phổi, cũng có thể dẫn đến tử vong sau đó. Đừng cho rằng bác sĩ nói quá lên, rằng chuyện hóc đơn giản thế thì có gì mà đến mức tử vong, đã có trường hợp một hạt trái cây nhỏ xíu lọt vào phổi của trẻ gây tắc lưu thông khí hoàn toàn một bên phổi mà cha mẹ vẫn chủ quan không biết.

Nói tóm lại, cha mẹ nên học những phương pháp sơ cứu tại nhà để thực hiện với trẻ trong trường hợp trẻ bị rơi dị vật vào đường thở, tím tái toàn thân, khó thở tức thì. Trường hợp nhẹ nhất, con chỉ bị hóc một cái xương nhỏ, chỉ thấy hơi vướng ở cổ, bạn có thể thực hiện việc cho trẻ uống một ít nước cam hoặc vitamin C. Vitamin C sẽ có khả năng làm mẩu xương nhỏ trở nên mềm ra, không còn đủ cứng để đâm vào cổ họng, sẽ tự trôi xuống một cách an toàn. Còn trong mọi trường hợp bị hóc dị vật có gai nhọn, xương lớn thì dù trẻ vẫn tỉnh táo đều cần được đưa đến bác sĩ kiểm tra, theo dõi cho an toàn.

Điều đó đã xảy ra!

* Khoa Tai – Mũi – Họng Bệnh viện Nhi đồng 1 từng tiếp nhận bé V.T.T.T, 5 tuổi (nhà ở tỉnh Lâm Đồng) vào viện do không ăn uống được, sốt cao. Bác sĩ chụp phim và phát hiện một mảnh xương heo móc vào thực quản, gây áp xe và làm thủng thực quản nghiêm trọng. Bé phải điều trị tại bệnh viện với thuốc kháng sinh rất mạnh mới khỏi.

* Khoa Tai – Mũi – Họng Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng từng tiếp nhận bé N.M.Q, 3 tuổi (ngụ ở Thủ Đức, TP.HCM) hóc đuôi tôm lọt vào đường khí quản, trong tình trạng nguy kịch, khó thở, toàn thân tím tái. Theo người nhà cho biết, do ăn vội để… đi chơi nên Quang đã nuốt cả con tôm và bị tai nạn! Các bác sĩ đã khẩn cấp đưa bé lên phòng mổ nội soi thanh quản, khí quản để gắp đuôi tôm ra kịp thời. May mắn là gia đình đã đưa bé đến bệnh viện kịp lúc và bác sĩ đã xử trí nhanh. Nếu không, đây là trường hợp có thể dẫn đến tử vong vì ngạt thở.

* Tuy đã được 13 tuổi nhưng khi ăn cá, bé N.Q.T (nhà ở Quận 10) vẫn bị hóc một cái xương cá khá to. Điều đáng nói là gia đình đã chủ quan khi nghĩ rằng cứ cho bé nuốt các loại cơm nắm, uống nhiều nước thì sẽ khỏi. Bốn ngày sau khi bị hóc, bé được đưa đến bệnh viện trong tình trạng sốt cao, người mệt mỏi, không ăn uống được, cổ sưng vù. Các bác sĩ kiểm tra thì phát hiện do để quá lâu, chỗ hóc xương đã bị viêm nhiễm, mưng mủ, áp xe, phải phẫu thuật để dẫn lưu áp xe và nội soi thực quản mới gắp xương ra được.

Tags:

Bài viết liên quan