Mẹ&Con - Theo một thống kê do Bệnh viện Mắt TP.HCM và Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM thực hiện, có đến khoảng trên 30% học sinh khối Tiểu học bị mắc các tật khúc xạ về mắt. Trong đó, cận thị bao giờ cũng chiếm tỷ lệ cao nhất!

Tranh can cho con

(Hình minh hoạ)

Sao con tôi… không thấy bảng?

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hảo (nhà ở Q. Tân Phú) đưa con đến bệnh viện Mắt với lý do: Sao dạo này, sức học của cháu trên lớp kém quá. Cháu thường xuyên phải chép bài bên tập của bạn. Giờ kiểm tra thì chép đề trên bảng cũng sai, dẫn đến kết quả học tập giảm sút thê thảm. Đi họp sơ kết học kỳ, cô giáo chủ nhiệm nhắc phụ huynh nên đưa con đi khám mắt xem sao nên chị đưa con đến.

Kết quả kiểm tra thị lực của bé cho biết, dù chỉ mới 7 tuổi, nhưng hai mắt bé đã có độ cận thị là… 1,5 và 2 độ! Với độ cận đó, nếu không được đeo kính thì ngay cả được ngồi ở các bàn đầu tiên trong lớp, trẻ cũng chưa chắc thấy rõ ràng được các chữ viết nhỏ trên bảng, mắt cũng mệt mỏi vì điều tiết thường xuyên. Rất may là cô giáo chủ nhiệm của trẻ có kinh nghiệm nên đã nhắc nhở phụ huynh đưa trẻ đi khám mắt. Thực tế, có nhiều trường hợp, trẻ cận trên 2 độ mà gia đình vẫn không hề chú ý, chỉ la mắng khi thấy kết quả học tập của con giảm sút. Đến khi bác sĩ phát hiện trẻ cận trong những lần khám mắt tại trường thì độ cận đã khá cao.

Phụ huynh sẽ thắc mắc: Nhưng con tôi mới có 7-8 tuổi, cháu có làm gì đâu mà… cận thị được? Quan niệm người lớn mới cận thị, còn trẻ em (nhất là ở độ tuổi quá nhỏ) không thể nào cận thị là hết sức sai lầm. Cận thị là một dạng tật khúc xạ của mắt trong đó hình ảnh của vật hội tụ ở trước võng mạc làm cho hình ảnh bị mờ. Người cận thị muốn nhìn các vật ở xa rõ cần phải được đeo kính điều chỉnh sao cho hình ảnh của vật được hội tụ đúng trên võng mạc khi đó mọi vật mới trở nên sắc nét và rõ ràng. Ở trẻ em trong độ tuổi từ 7-16, độ cận thị tiến triển nhanh do mức độ làm việc nhìn gần bằng mắt nhiều.

Cận thị nếu không được phát hiện sớm và điều chỉnh kịp thời sẽ làm giảm khả năng học tập, ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của trẻ. Ngoài ra, nếu không được phát hiện, điều trị, cho đeo kính đúng độ mắt thì một số trẻ sẽ chuyển sang cận thị nặng, đến tuổi trưởng thành có thể gặp các vấn đề nghiêm trọng về mắt như xuất huyết võng mạc, giãn lồi, thoái hóa… dẫn đến giảm thị lực trầm trọng gây mù lòa.

Đừng đợi đến khi trẻ cận

Việc ngăn ngừa trẻ cận thị có thể làm được nếu bạn thực hiện nghiêm túc những việc này: 

Đảm bảo không gian trong nhà luôn đủ ánh sáng: Không nên để trẻ sống trong không gian ánh sáng lờ mờ hoặc quá chói, gây lóa mắt. Ánh sáng trong nhà nên vừa đủ dịu và chỉ nên dùng ánh sáng tự nhiên (mở cửa sổ) hoặc ánh sáng từ đèn nê-ông. Không nên mở các loại đèn màu sắc khác nhau, đèn vàng mờ mờ (trừ phòng ngủ của trẻ). Dặn trẻ không được đọc sách trong ánh đèn mờ mờ vì sẽ nguy hại rất nhiều đến mắt.

Đảm bảo trẻ ngủ đủ giấc: Ở độ tuổi từ 7 đến 16 (nhất là giai đoạn từ 7-9 tuổi và 12-14 tuổi), trẻ phát triển rất nhanh. Lúc này, giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng để đảm bảo cho cơ thể có đủ thời gian nghỉ ngơi, phát triển toàn diện. Nếu không có được giấc ngủ sâu đủ 8 tiếng/ngày vào buổi tối, trẻ dễ mệt mỏi, căng thẳng, có những rối loạn trong quá trình phát triển. Và cận thị cũng là một trong những rối loạn đó khi mắt mỏi vẫn phải làm việc quá sức.

Đảm bảo trẻ không xem tivi quá nhiều và quá gần: Nếu như ngày nào trẻ cũng xem tivi nhiều hơn hai tiếng đồng hồ với khoảng cách từ mắt tới tivi nhỏ hơn 3m thì chuyện thị lực bị suy giảm chỉ còn là một sớm một chiều. Bạn cần tập cho con thói quen ngồi xa khi xem tivi. Chỉ nên cho phép trẻ xem chương trình thiếu nhi khoảng nửa tiếng đến 1 tiếng mỗi ngày.

Đảm bảo trẻ có bàn học đúng chuẩn: Bàn học của trẻ cần có độ cao vừa phải, khiến trẻ ngồi thoải mái, không cúi gập người, cũng không ngóng cổ lên. Khoảng cách từ mắt đến sách đọc để trên bàn phải đạt khoảng 30-40cm. Khi con ngồi học, nhắc trẻ phải thẳng lưng, không nằm nghiêng mặt trên bàn, không dí mắt sát vào sách. Ngoài đèn chiếu sáng trong phòng, trên bàn học của trẻ còn cần có một ngọn đèn bàn với cường độ tốt. Đặt đèn phía bên tay trái (nếu bé thuận tay phải và ngược lại).

Đảm bảo sách truyện con đọc có chất lượng in ấn tốt: Khá nhiều phụ huynh thờ ơ chuyện trẻ đọc gì. Trong khi đó, những cuốn truyện tranh vẽ lem nhem, in trên giấy quá xấu có thể gây mỏi mắt cho trẻ. Nên chọn cho con những cuốn sách chất lượng giấy và chất lượng in ấn, vẽ hình minh họa… rõ ràng, sắc nét. Cũng cần lưu ý một chuyện là một số trẻ hay lén cha mẹ đọc sách bằng cách đợi cha mẹ đi ngủ, trùm kín mền rồi chỉ bật đèn ngủ hay mở đèn pin để đọc lén trong mền. Điều này làm trẻ cận rất nhanh.

Đảm bảo trẻ không chơi điện tử liên tục: Nên quy định trẻ chỉ được phép chơi game trên máy tính tối đa 30 phút/ngày. Nếu trẻ muốn ngồi máy tính lâu hơn vì mục đích học tập thì sau 30 phút phải cho mắt nghỉ ngơi 10 phút bằng cách rời máy, nhắm mắt lại hoặc thư giãn mắt bằng cách nhìn ra xa. Và tổng thời gian trẻ sử dụng máy tính cũng không nên quá 1 tiếng/ngày.

Và làm gì khi “chuyện đã rồi”?

Sau tất cả những nỗ lực, mà đến một lúc nào đó, bạn vẫn được thông báo là trẻ cận thị mất rồi, bạn sẽ làm gì? Lời khuyên đầu tiên cho bạn là nên đưa trẻ đến các bệnh viện chuyên về mắt để được kiểm tra, có hướng điều trị phù hợp nhất. Không nên đến những cửa hàng bán mắt kính không có bác sĩ chuyên về mắt vì những chiếc kính sai độ sẽ gây ảnh hưởng không ít đến sức khỏe cũng như thị lực của con bạn.

Ở độ tuổi trẻ còn đang đi học, không nên cho trẻ sử dụng các loại kính tiếp xúc (contact- lenses) dù phương pháp này có vẻ thẩm mỹ hơn, trẻ không bị vướng víu như với kính gọng thông thường. Kính tiếp xúc khi không được dùng đúng cách và không được giữ vệ sinh sẽ tổn hại đến giác mạc có thể gây viêm hoặc loét giác mạc.

Khi trẻ bắt đầu mang kính, bạn cũng nên chú ý cho con đi khám mắt định kỳ lại mỗi 6 tháng để kiểm tra độ mắt, thay đổi kính nếu cận thị tiến triển (độ cận thị nặng thêm). Nên nhắc nhở con tăng cường các bài tập thể dục cho mắt mỗi ngày, nghỉ ngơi thư giãn để giữ độ cận không bị tăng lên.

Trường hợp muốn phẫu thuật, bạn phải đến trực tiếp bệnh viện mắt để có những tư vấn cụ thể của bác sĩ chuyên khoa. Thực tế, với trẻ em cận thị có độ tăng nhanh (trên 1,0 điốp/năm), bác sĩ có thể cần chỉ định can thiệp bằng phương pháp phẫu thuật. Trong trường hợp trẻ chỉ có độ cận tương đối nhẹ, tiến triển mỗi năm không nhiều thì phụ huynh chỉ nên nghĩ đến biện pháp phẫu thuật điều trị cận thị khi trẻ đã được trên 18 tuổi, có độ cận thị ổn định.

Bé nhà tôi mới được 6 tuổi. Nhưng dạo này, khi xem tivi cháu cứ đòi ngồi gần, dán mắt sát vào màn hình. Tôi không cho thì cháu bảo ngồi xa cháu xem không rõ. Tôi lo quá. Có phải con bị cận thị không? Làm thế nào để phát hiện cận thị sớm ở trẻ? 

Để phát hiện sớm cận thị ở trẻ, phụ huynh cần lưu ý những dấu hiệu như: Trẻ hay ngồi gần tivi hoặc nếu đã đi học thì ngồi gần bảng mới thấy; trẻ hay viết chữ sai, nhận diện con số ở các tấm bảng phía xa bị sai (trong khi lúc ngồi gần thì lại nói đúng); hay nheo mắt khi xem ti vi hoặc nhìn một vật ở xa; hay dụi mắt dù không buồn ngủ; hay than mỏi mắt, nhức đầu; hay chảy nước mắt; thường không thích các hoạt động liên quan đến thị giác như vẽ hình, tô màu, tập đọc, chơi ném bóng…

Trong những trường hợp này, phụ huynh nên đưa trẻ đến ngay bệnh viện Mắt để được kiểm tra. Không nên đưa trẻ đến các điểm đo kính ngoài lề đường, vỉa hè, các cửa hàng kính không uy tín vì có thể cho kết quả sai lệch, khiến trẻ càng bị cận nặng hơn.

Ăn gì chống… cận?

Một số thực phẩm dễ tìm này có thể giúp bé yêu của bạn cải thiện thị lực, rất có ích cho cửa sổ tâm hồn của bé.

  • Quả bơ: Trong quả bơ có chứa rất nhiều vitamin cần thiết cho mắt như: vitamin A, vitamin C, vitamin B6, và vitamin E. Ngoài ra, quả bơ còn có chứa nhiều lutein – một carotenoid có khả năng cải thiện tình trạng thiếu máu cục bộ tại võng mạc (giảm lưu lượng máu đến võng mạc), giúp chống các bệnh về thủy tinh thể và thoái hóa mắt.
  • Cà rốt: Cà rốt chứa nhiều vitamin A, rất tốt cho mắt. Tuy nhiên, bạn không cần thiết lạm dụng để ép con ăn cà rốt nấu súp mỗi ngày sẽ khiến bé ngán tận cổ. Nên linh động thay đổi thành nhiều món chế biến từ cà rốt khác nhau. Bạn cũng có thể làm nước ép cà rốt với thêm một ít quả lê, bé sẽ không ngán mùi này nữa.
  • Trứng gà: Trong trứng gà có chứa vitamin A, lutein, lecithin, vitamin B12, vitamin D… đều là những chất tốt cho cửa sổ tâm hồn của con bạn. Nên cho trẻ ăn trứng gà 2-3 lần/tuần. Mỗi lần 1 quả.
  • Cải xanh, cải xoăn: Trong các loại rau cải này đều có chứa nhiều vitamin C, lutein… cần cho mắt. Ngoài cải, bạn cũng có thể dùng đến cà chua, cũng chứa các chất tương tự có ích cho mắt.
  • Cá hồi: Cá hồi chứa nhiều acid béo omega-3, một chất rất quan trọng cho việc tăng cường thị lực. Ngoài ra trong cá hồi còn có các chất acid Folic, vitamin D, vitamin B6, vitamin B12, và vitamin A đều rất hữu dụng cho con bạn.
  • Hạt hướng dương: Hạt hướng dương chứa nhiều selenium, một chất dinh dưỡng có khả năng chống lại bệnh đục thủy tinh thể và tăng khả năng thị lực.

Cận thị có di truyền không?

Câu trả lời là: Có! Tuy nhiên, nếu bố mẹ bị cận thị dưới 3 điốp thì khả năng di truyền sang con cái là rất nhỏ. Chỉ khi bố mẹ bị cận thị từ 6 điốp trở lên, khả năng di truyền sang con cái mới khá cao.

Tags:

Bài viết liên quan