Con gái tôi mới 5 tuổi. Sở dĩ phải nhấn mạnh độ tuổi của bé ngay vì dạo này chẳng hiểu sao con hỏi tôi liên tục những câu rất “ác liệt”, toàn về chuyện… giới tính. Bé cũng rất hay nhìn ngắm và tự sờ mó vùng sinh dục của mình và của em trai (3 tuổi) trong nhà. Mới đây, con còn nói những câu khiến tôi rất bất ngờ như: “Lớn lên con… cưới bạn Bin” (bạn Bin là một bé trai trong lớp mẫu giáo của bé), “Sao em đi tè… khác con?”. Tôi cũng từng có nghe nói là trẻ ở độ tuổi này hay thắc mắc về cơ thể, giới tính nhưng thật sự khi nghe chính con mình hỏi hay thấy con sờ mó cơ thể, tôi không khỏi lo âu. Nên làm thế nào thưa bác sĩ?
Trâm Anh
(Quận Thủ Đức)
Rất nhiều ông bố – bà mẹ cũng từng… lo như bạn! Nhưng xin khẳng định với bạn rằng chuyện trẻ từ 3-5 tuổi tò mò, hỏi nhiều về giới tính, thắc mắc chuyện sao con không “giống” với bạn (khác giới), sao mẹ sinh ra được em… là chuyện hết sức bình thường.
Thực ra, chỉ có tâm lý người lớn mới hay nghĩ quá “cao siêu” nên đâm ra ngại ngùng, lo lắng khi thấy con ở tuổi này tò mò về cơ thể, hay mân mê những vùng “cấm” trên cơ thể. Thậm chí có bố mẹ phản ứng gay gắt, tỏ ra xấu hổ hay la rầy khi con đề cập đến những chuyện này. Còn với bé, mối quan tâm, thắc mắc của bé về những khác biệt trên cơ thể hết sức đơn giản và bản năng. Bé thắc mắc về “cái ấy” cũng y như từng thắc mắc với bạn về tay, chân, đầu tóc, miệng, mũi, mắt… mà thôi.
Khoảng 2 tuổi trở đi, bé đã có thể bắt đầu quan sát, mân mê các bộ phận trên cơ thể mình, bao gồm cả “vùng kín”. Lớn hơn một chút, bé dần có sự so sánh, nhận ra những khác biệt giữa mình với bố mẹ, với bạn bè, với anh chị em trong nhà và tất nhiên bé sẽ tò mò hỏi bố mẹ về những khác biệt ấy.
Nếu bạn trả lời một cách tự nhiên, bình thường, đơn giản, không né tránh, bé sẽ nhanh chóng “hiểu” và “cho qua”, thắc mắc sang chuyện khác. Nhưng nếu bạn tỏ thái độ phản ứng, gạt đi, không nói, nói kiểu qua quýt hay nói kiểu… vô cùng “khó hiểu” thì tất nhiên bé sẽ tiếp tục thắc mắc nhiều hơn, tò mò nhiều hơn như một phản ứng tâm lý tự nhiên của lứa tuổi này.
Cách “giải quyết” đơn giản là bạn cần quan tâm đến các câu hỏi của con, không la mắng, không lảng đi, song cũng không cần trả lời quá chi tiết (vượt xa tầm hiểu biết của bé). Ví dụ, nếu bé hỏi bạn sao mẹ sinh ra bé được, bạn chỉ cần bảo: “Con lớn dần lên trong bụng mẹ, rồi chui ra theo một đường ống đặc biệt trong bụng”. Không nên nói dối bé hoặc nói để bé hoang mang như: “Con cò tha con đến tặng mẹ”, “Con chui ra từ… rốn/nách của mẹ”. Vì nếu lớn lên, khi biết rằng bạn bịa ra những chuyện này thì bé sẽ không tin, không hỏi bạn nữa mà tự đi tìm hiểu “sự thật” từ những nguồn khác. Đến đây thì mới “nguy” vì bạn không còn kiểm soát được những kiến thức con tự nạp vào.
Để biết cách trả lời con sao cho hóm hỉnh, đơn giản, dễ hiểu khi bé thắc mắc về giới tính, bạn có thể tìm mua những quyển sách riêng về việc giáo dục giới tính cho trẻ, hoặc tìm đến các lớp học chuyên đề về chủ đề này. Thân mến!
BS. Lê Phương Thúy
(Chuyên khoa Tâm lý Trẻ em)