“Vợ chồng em có hai cháu, cháu trai lớn 5 tuổi và cháu gái 3 tuổi. Cháu lớn nhà em mặc dù là con trai nhưng tính cách mềm yếu, nhút nhát hay mít ướt và không thích đến những chỗ đông người. Ngược lai với anh trai, con gái em lại hoạt bát, bạo dạn thậm chí rất quậy phá chẳng khác gì con trai. Việc chăm sóc hai con có tính cách hoàn toàn trái ngược nhau khiến vợ chồng em vô cùng mệt mỏi. Em phải làm thế nào để vừa chăm sóc các con tốt hơn, vừa giữ được tinh thần thoải mái?”
Hà Minh – (Q.1)
Tôi phải làm gì khi các con có tính cách đối lập nhau – Ảnh minh họa
Mỗi giới tính có những đặc điểm riêng về vận động, ngôn ngữ, tính cách… và chúng ta thường mặc định nam là mạnh mẽ, dạn dĩ. Nữ là e lệ, dịu dàng… Những mặc định này không có gì là sai, nhưng không phải lúc nào cũng đúng. Vì ngoài đặc điểm giới tính ảnh hưởng đến hành vi, tính cách thì mỗi giai đoạn, độ tuổi, xu hướng giới tính tiềm ẩn hoặc khí chất cũng ảnh hưởng đến cách bộc lộ của mỗi người. Trẻ con cũng không ngoại lệ. Nếu một bé trai nhút nhát, ít nói, dễ nhạy cảm trước các sự vật hiện tượng thì cũng có thể do khí chất ưu tư của trẻ ấy, cũng có thể do di truyền từ cha mẹ (nếu một trong hai có nét tính cách như vậy) hoặc do môi trường sống khiến bé có những phản ứng nhằm tự bảo vệ mình. Bé gái cũng không ngoại lệ, sự bạo dạn, hoạt bát có thể do bé nằm trong nhóm người có khí chất linh hoạt, hướng ngoại nên cách hành xử sẽ ngược lại với anh mình hoặc có phần vượt quá mức cho phép với giới tính nữ.
Trong tình huống này, trẻ còn khá nhỏ để chúng ta có thể xác định đúng căn nguyên của nét tính cách của trẻ, do đó, mọi sự giáo dục, uốn nắn, điều chỉnh đều cần diễn ra dựa trên sự tôn trọng thể trạng, nội tâm của trẻ và giáo dục cần diễn ra từ từ để trẻ phát triển một cách tự nhiên nhất.
Thứ nhất, bất ký ai trong gia đình và bao gồm cả những người gặp gỡ, chơi đùa cùng các bé không nên trêu chọc, nhấn nhá vào những nét tính cách có vẻ không hợp với giới tính của bé, đồng thời cũng không nên sử dung biện pháp so sánh bé với các bạn khác theo kiểu: “Con xem xem, bạn ấy cũng là con trai như con mà có mít ướt như con đâu?” Hoặc: “Tại sao con mít ướt như con gái vậy?”…. nhằm tránh việc gây tổn thương cho bé bởi mỗi trẻ mỗi tính, nếu có so sánh thì chỉ nên sử dụng một, hai lần mới có hiệu quả.
Thứ hai, mỗi phụ huynh trong gia đình cũng nên là tấm gương về cách hành xử phù hợp với giới tính. Uốn nắn, dạy dỗ trẻ sao thì sự thể hiện của mình trong sinh hoạt, trò chuyện cũng như vậy để trẻ có tấm gương soi vào và học theo, cũng như có minh chứng rõ nét để một đứa trẻ 3 tuổi, 5 tuổi có thể hiểu thế nào là “mạnh dạn”, thế nào là “nhẹ nhàng”.
Thứ ba, để khắc phục những biểu hiện “dồi dào năng lượng” hoặc nhút nhát, thiếu tự tin thì gia đình cũng nên đăng ký cho các bé những khóa học để khắc phục, kiểm soát điều này. Trẻ quá hiếu động thì đăng ký các lớp học nghệ thuật một cách bài bản như: Nhảy, múa… Trẻ nhút nhát thì đăng ký cho bé học những lớp có tinh thần đồng đội và những quy định giao tiếp ngắn gọn để trẻ thích nghi từ từ như: Võ thuật, sinh hoạt tập thể…
Theo sự tư vấn của Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Trang Nhung – Trung tâm Đào tạo kỹ năng sống Ý tưởng Việt