Mẹ&Con - Anh lại không giống như nhiều người chồng khác mà tôi biết. Anh tuyệt nhiên không có chuyện đưa hết lương cho vợ mà tự giữ lại để quyết định mọi thứ. Hàng tháng, anh “phát” cho tôi 1 triệu để trả tiền điện, tiền nước và “mua sắm lặt vặt tiêu đường mắm muối…”. Tất cả những khoản khác, kể cả tiền chợ hay tiền sữa cho con, tôi phải “báo cáo” với anh mỗi ngày và “xin” anh, được anh đồng ý, “duyệt chi” thì tôi mới có tiền để sắm sửa. Giận chồng bỏ về nhà mẹ đẻ Lấy vợ “trẻ con”, chồng nên làm gì? Khi vợ chồng cùng nhau “học nói”

Tạp chí Mẹ & Con thân mến!

Vợ chồng tôi cưới nhau được 5 năm, có một cháu nhỏ gần 2 tuổi. Anh làm trưởng phòng một công ty, thu nhập hàng tháng lên đến gần cả ngàn “đô”. Nhiều người nhìn vào bảo tôi sướng, chồng làm có tiền, không phải lo âu gì chuyện giá cả tăng vùn vụt. Nhưng sự thật không phải vậy. Tôi làm nhân viên văn phòng một công ty nhỏ, thu nhập hàng tháng xấp xỉ một triệu rưỡi. Với thu nhập như thế, tôi chỉ vừa vặn đủ tiền đổ xăng, tiền ăn sáng, thỉnh thoảng chi tiêu lặt vặt khi đi uống nước với bạn bè.

Còn lại, mọi thứ tôi phải phụ thuộc vào anh. Anh lại không giống như nhiều người chồng khác mà tôi biết. Anh tuyệt nhiên không có chuyện đưa hết lương cho vợ mà tự giữ lại để quyết định mọi thứ. Hàng tháng, anh “phát” cho tôi 1 triệu để trả tiền điện, tiền nước và “mua sắm lặt vặt tiêu đường mắm muối…”. Tất cả những khoản khác, kể cả tiền chợ hay tiền sữa cho con, tôi phải “báo cáo” với anh mỗi ngày và “xin” anh, được anh đồng ý, “duyệt chi” thì tôi mới có tiền để sắm sửa.

Anh không đến nỗi quá “keo” hay “khắt khe” trong việc chi tiền. Tôi hỏi tiền 10 khoản thì thường là 9 khoản anh đều đồng ý. Tuy nhiên, cái gì cũng hỏi, cái gì cũng “xin” khiến tôi không thoải mái. Tôi cảm thấy mình không được tôn trọng như một người vợ, lại luôn trong trạng thái thắc thỏm vì không có khoản tiền nào dư, dành dụm riêng để phòng ngừa chuyện bất trắc. Tôi ân hận trước khi kết hôn, không nói rõ với anh chuyện tài chính gia đình, vì lúc đó tôi cứ nghĩ như mọi gia đình khác, người vợ dĩ nhiên phải tay hòm chìa khóa. Vậy mà…

Anh có bao nhiêu tiền riêng tôi không biết. Tài khoản của anh ở ngân hàng một mình anh đứng tên. Tôi nói chuyện nhiều lần, nhưng lần nào đề cập đến anh cũng đều nói: “Anh có để em và con thiếu thốn cái gì chưa?”. Đúng là tôi không đến nỗi “thiếu thốn”, khi cần gì hỏi anh cũng đều được anh đáp ứng ngay. Nhưng rõ ràng là tôi không có quyền gì trong gia đình và đến một bộ chén bát đẹp đẹp muốn mua tôi cũng đều phải chờ có sự đồng ý của anh.

Quan trọng hơn, những người bên gia đình chồng tôi đều biết việc này. Chẳng ai tôn trọng tôi cả. Cần mượn tiền thì gọi điện riêng cho anh, ngồi chờ anh về. Cần mua sắm gì mẹ anh cũng chỉ nói riêng với anh chứ không hề nhắc đến tôi. Tôi có cảm giác mình giống như một “người ngoài”. Tôi buồn lắm…

Phương L. 

Ý kiến chuyên gia

Chị P.L thân mến!

Đúng như chị nói, lẽ ra, chị đã phải bàn bạc với chồng chuyện “tài chính” trong gia đình ngay khi cả hai có quyết định chung sống với nhau. Chuyện đã “lỡ” rồi. Hiện giờ, quan trọng nhất là chị cần thẳng thắn bàn bạc lại với chồng, nói cho anh biết mọi cảm nhận, suy nghĩ thật của chị để cả hai cùng nhìn nhận lại vấn đề.

Không có công thức chung cho việc ai là tay hòm chìa khóa hay ai là người quyết định chi tiêu trong gia đình. Có trường hợp là người vợ, cũng có trường hợp là người chồng. Cách phù hợp với gia đình này chưa chắc lại phù hợp với gia đình kia. Tuy nhiên, có một “nguyên tắc” căn bản phải tuân theo: Để hạnh phúc thật sự, cách được đưa ra phải khiến cả hai vợ chồng thoải mái và thống nhất, không có chuyện một người chịu ấm ức ngấm ngầm.

Hãy nói chuyện nghiêm túc lại với anh và đề nghị anh lắng nghe chị. Với tính cách của anh ấy và với cái “nếp” đã được tạo dựng suốt 5 năm nay, có lẽ sẽ rất khó (nếu không nói là không thể) để thuyết phục anh ấy cho chị nắm “tay hòm chìa khóa” trọn vẹn như chị mong muốn. Tuy nhiên, trong một chừng mực nào đó, nếu khéo léo và chứng minh được mình hoàn toàn đủ sự cần kiệm, chị sẽ thuyết phục được anh để chị quản lý và chủ động một phần trong chi tiêu gia đình. Ví dụ chị sẽ được tự mình cân nhắc về tiền chợ, các khoản sinh hoạt chung.

Chúc chị thành công! 

Tags:

Bài viết liên quan