Mẹ&Con - Ngay từ bé, trẻ có xu hướng xác định bản thân qua những gì mình sở hữu, như khẳng định đây là “áo quần của con”, “nhà của con”, v.v..

Chào chuyên gia!

Tôi có hai bé, một trai, một gái. Bé trai 6 tuổi, bé gái 3 tuổi. Hai anh em tính tình rất khác nhau. Anh xởi lởi, rộng rãi bao nhiêu thì em lại keo kiệt bấy nhiêu. Ở nhà, cứ thấy bất cứ đứa trẻ nào đến chơi là bé gom hết đồ chơi lại một góc nhà và ngồi canh. Tuyệt đối không cho bất cứ ai đụng vào. Chưa hết, một lần, dì của bé đến chơi và ngủ lại. Buổi tối, tôi đưa bộ đồ ngủ cho dì mặc để ngủ cho thoải mái. Bé thấy dì mặc đồ của mẹ, gào khóc dữ dội, đòi dì trả lại đồ mới chịu đi ngủ. Càng ngày, bé càng tỏ ra “giữ của” khi có khách tới. Bất kể quen hay lạ, bé đều “lên tiếng” khi có ai chạm vào vật gì trong nhà. Cả hai vợ chồng tôi và anh hai của bé đều không có tính đó. Tôi phải làm sao để dạy con trong khi bé còn quá nhỏ?

Thanh Hải (Quận 1)

Ý kiến chuyên gia

Khá nhiều trẻ có hành vi “giữ của” như con gái của chị, nguyên do thì có thể có nhiều, tuy vậy đó là một vấn đề về hành vi, có thể điều chỉnh và cải thiện được. Trong quá trình lớn lên của một con người, ngay từ khi còn bé, trẻ có xu hướng xác định bản thân qua những gì mình sở hữu, chẳng hạn đứa trẻ có thể khẳng định đây là “ba mẹ của con” hay “áo quần của con”, “nhà của con”, v.v. và cũng trong các tình huống như vậy, người lớn có thể bắt đầu giúp cho trẻ biết về “sự chia sẻ” thông qua việc khuyến khích hoặc bày ra các tình huống để đứa trẻ chấp nhận “chơi chung với người khác”. Trong một số gia đình, vì thường hay ưu tiên cho đứa trẻ nhỏ hơn nên chỉ yêu cầu anh/ chị nhường mọi thứ cho em mà quên mất việc để đứa trẻ trải nghiệm việc chia sẻ cho anh/ chị. Dần dần hành vi “giữ của” có thể được hình thành một cách tự nhiên và dẫn đến những “hệ lụy” về sau.

Mặc dù không phải là một việc dễ dàng (để thay đổi một hành vi), nhưng anh chị có thể thử bắt đầu bằng việc tổ chức, bày ra các hoạt động để con gái chị có cơ hội “chơi cùng” với anh trai và ba mẹ, hoặc có thể thêm một thành viên khác ngoài gia đình. Khi đứa trẻ tìm thấy niềm vui của việc chơi chung thì chúng có thể chấp nhận chuyện chia sẻ đồ chơi và các thứ khác. Điều chú ý là dù hành vi của con gái lúc này có thể gây khó chịu và đôi lúc còn có thể gây “xấu hổ” cho ba mẹ nhưng cũng đừng vì thế mà la mắng hay ép buộc con phải chia sẻ. Anh chị có thể theo hướng gợi ý trên đây để thử nghiệm tất cả các cách có thể miễn sao qua cách đó, con gái chị thấy vui vẻ để cùng chơi chung với người khác. Hoặc cũng có thể thử cách “trao đổi”, chẳng hạn nếu con chia sẻ đồ chơi thì sẽ được phép làm một điều khác mà con muốn (nếu không chia sẻ thì sẽ không được).

Sau cùng, vì tuổi của con gái chị còn khá nhỏ nên cũng có thể chưa đến mức phải quá lo lắng về tính ích kỷ của con, dần dần khi bé lớn hơn, chúng sẽ thay đổi hành vi thích hợp hơn cùng với sự chú ý chia sẻ và khích lệ của anh chị. Chúc anh chị thành công và gia đình hạnh phúc.

 

Tags:

Bài viết liên quan