Mẹ&Con – Việc trẻ phản ứng gay gắt, dữ dội khi bị bạn giành đồ chơi hay người khác trêu chọc có phải là một sự bất thường về tâm lý?

Chào bác sĩ!

Bé nhà tôi mới 3 tuổi, mọi thứ đều ổn, duy chỉ có tính cách bé làm tôi phải băn khoăn. Không hiểu sao bé rất “dữ” (đúng nghĩa của từ “dữ”) dù cả ba bé và tôi đều khá đằm tính, hiền lành, ăn nói nhỏ nhẹ và chẳng hề quát tháo, cãi cọ nhau trước mặt bé bao giờ.

Những lần đầu khi thấy bé phản ứng quyết liệt, đánh bạn khi bạn giành đồ chơi, tôi đã khá lo, song cứ nghĩ đó là những biểu hiện nhất thời. Nhưng càng về sau, khi con lớn dần, tôi càng nhận ra con mình đúng là “không ai ăn hiếp được”. Tôi không mừng vì điều đó, ngược lại rất lo. Tôi uốn nắn và nhắc nhở con, giải thích với con, làm đủ cách. Bé tỏ ra hối lỗi, nhưng cứ hễ có chuyện gì là cái tính “dữ” ấy bộc lộ ngay. Con sẵn sàng đánh, cắn bạn một cách quyết liệt khi bạn làm điều gì con không thích. Ngay cả người lớn, khi đùa giỡn với bé bằng cách giật lấy của bé món đồ chơi đang chơi (chỉ định trêu một chút), bé lập tức hét toáng lên, xông vào đánh, cắn và la hét đến mức tôi phải ngạc nhiên. Làm sao để sửa cho con? Cho tôi hỏi đây có phải là một bất thường về tâm lý của trẻ ở độ tuổi này hay không?

Lê Ngọc Hoàng Giao (Quận 4)

Bác sĩ trả lời

 

Ðộ tuổi của bé là độ tuổi bắt đầu khẳng định mình, thể hiện rõ sự “bướng bỉnh” và muốn chứng tỏ cái “tôi”. Khi bị bạn bè, người lớn trêu chọc, bé có thể không ngoan ngoãn chịu đựng hay phản ứng nhẹ nhàng bằng cách khóc, “méc” mẹ như trước nữa mà đã có những phản ứng “gay gắt” hơn.

Bạn không nên quá lo lắng với chuyện bé “dữ”, vì ngay cả chuyện “nổi cáu” cũng là một điều phải học và là một bước cần phải có trong quá trình phát triển, hình thành nhân cách ở trẻ. Tuy nhiên, bé chỉ nên “dữ” ở một mức độ nhất định. Với những phản ứng của bé như mô tả của bạn hiện giờ, tôi cũng khá ngạc nhiên, vì nó mạnh mẽ và dữ dội hơn nhiều so với một bé 3 tuổi. Bạn nên thử đưa bé đến khám tại các khoa tâm lý ở bệnh viện nhi, để các bác sĩ có thể “tiếp cận” kỹ hơn, xem bé có chịu những kích động thần kinh gì quá mức không.

Nếu bạn đã khẳng định cả ba bé và bạn đều nhỏ nhẹ và đằm tính, không bao giờ cãi vã trước mặt bé, bạn cần để ý xem người giúp việc (nếu có), hàng xóm hay những ai thường tiếp xúc với bé có tính cách “dữ” và hay phản ứng gay gắt không? Ðể ý đừng cho bé xem ti vi nhiều, tránh những phim ảnh mang tính kích động. Môi trường sống của bé cũng cần né những âm thanh thuộc kiểu “đinh tai nhức óc”, nhạc sôi động, nhạc “giật” mở suốt ngày (từ nhà bạn hoặc nhà hàng xóm) vì những điều này đều góp phần kích thích trẻ.

Bạn cũng hãy thử cho con ra ngoài trời, hít thở không khí trong lành, ngắm các cảnh thiên nhiên giúp làm dịu thần kinh bé lại. Hạn chế tối đa những tác nhân gây kích thích bé như đừng đùa với bé bằng cách giật đồ chơi, thức ăn, v.v.. Nhỏ nhẹ chuyện trò với con, kể cho con nghe nhiều câu chuyện cổ tích, cho con ngắm những hình ảnh xinh xắn, vui nhộn với các con vật hiền lành, bạn sẽ giúp bé được phần nào. Chúc bạn thành công trong việc giúp bé yêu bớt… dữ.

Bác sĩ Lê Phương Thúy

Tags:

Bài viết liên quan