Mẹ&Con - Tìm “tiếng nói chung” trong gia đình nhiều thế hệ là điều không dễ dàng (đặc biệt là các nàng dâu “chân ướt chân ráo” về nhà chồng), bởi sự khác biệt về cách sống, tuổi tác… Tuy nhiên, nếu biết cách nhường nhịn, không quá đề cao cái “tôi” thì bạn sẽ “có” được nhiều thứ hơn là những mâu thuẫn tưởng chừng khó hóa giải này. Để chị dạy em nghe cách làm dâu Tự sự của những nàng dâu mới “Sợi dây” tình cảm gia đình bạn bền vững đến đâu?

Mỗi nhà mỗi cảnh

Chồng là con trai một nên sau khi cưới, chị Quỳnh Lam (35 tuổi, ngụ Q. Tân Bình) về làm dâu trong gia đình “tứ đại đồng đường”. Gia đình chị Lam vốn neo người, bản thân lại được cưng chiều từ nhỏ nên chị bị sốc và có cảm giác như là osin trong gia đình 8 nhân khẩu. Dù ba mẹ chồng và vợ chồng cậu út có chia sẻ tiền bạc nhưng chị Lam vẫn phải gồng gánh nhiều trách nhiệm của dâu trưởng. Mỗi ngày chị phải đều thức dậy thật sớm lo cơm nước cho cả nhà rồi mới đi làm. Chiều về lại tất tả vào bếp, nấu nấu nướng nướng trong khi cô em chồng chỉ ôm con đi qua lại. Chị cũng không thể nói được gì bởi mẹ chồng “bên trọng bên khinh” ra mặt. Rồi những ngày bầu bì, có con chị càng thấy tủi thân hơn vì bà nội, mẹ chồng “lạm quyền” chăm con. Ai cũng bảo kinh nghiệm của mình hay nhưng hễ con ốm đau, con chậm tăng cân thì đổ lỗi chị không biết chăm con. Bực bội hơn là cứ lấy con của em chồng ra so sánh. Mà từ lúc có con, cô em chồng mua gì về cũng giấu riêng trong phòng, từ bộ quần áo tới lon sữa. Mệt mỏi chất chồng nên nhiều khi chị Lam quạu sang chồng, bảo mình chỉ là cái máy rửa, máy đẻ trong nhà.

Tìm “tiếng nói chung” trong gia đình nhiều thế hệ 7

Nhiều người căng thẳng khi phải sống trong gia đình nhiều thế hệ – Ảnh minh họa

Mỗi người mỗi ý, ngay cả việc hòa hợp với chồng đã khó thì huống chi làm dâu trong gia đình nhiều thế hệ. Thông thường, mâu thuẫn thường thấy nhất là giữa mẹ chồng – nàng dâu hoặc giữa các chị em dâu/chị em chồng với nhau. Mâu thuẫn này thường xuất phát từ sự khác biệt trong cách sống, tuổi tác, sinh hoạt gia đình…. Mà nói đâu xa, ngay cả việc không hợp “gu” trong ăn uống là đã “có chuyện” rồi. Chị Thanh Xuân Hà (29 tuổi, ngụ Q.5) từng than thở: “Nấu cho một người đã khó, giờ chiều ý đến 6 miệng ăn, già có, trẻ có mà người thích ăn mặn, người không ăn ớt thì đúng là khổ trăm bề”. Vậy nên từ ngày về làm dâu, chị Xuân luôn đau đầu chuyện đi chợ, nấu ăn vì không biết phải nấu nướng thế nào cho vừa lòng tất cả trong khi bố chồng thích ăn cay nhưng chị chồng mới sinh không ăn được ớt, mẹ chồng thì phải có canh mới ăn được. Rồi ngay cả tiền chợ, cuộn giấy vệ sinh, chai dầu gió, mấy chị em cũng “nạnh” nhau, phải một tay chị mua về. Nhưng nhìn lại, chị Xuân cũng thấy mình có nhiều cái “được” vì con cái được ông bà chăm sóc chu đáo chứ không phải đi nhà trẻ sớm như bạn bè. Chuyện làm ăn của vợ chồng chị cũng được ba chồng góp ý tận tình. Chị chia sẻ: “Tôi nghĩ là làm dâu trong gia đình 3 – 4 thế hệ thì phải biết chấp nhận thiệt thòi và nhường nhịn. Thật ra mình chỉ cần hiểu tâm lý người già và để ý nề nếp gia đình, sau bữa cơm chịu khó quây quần nói chuyện. Dù đi đâu, làm gì mọi người cũng phải về cùng ăn bữa cơm gia đình, nhất là bữa cơm chiều. Đó là nơi giáo dục con cái, kể chuyện vui buồn và việc quây quần quanh mâm cơm tạo chất keo rất bền vững cho hạnh phúc gia đình…”

Tìm “tiếng nói chung” trong gia đình nhiều thế hệ 8

Làm dâu trong gia đình nhiều thế hệ đòi hỏi sự khéo léo cao – Ảnh minh họa

Mâu thuẫn thế hệ có thể dẫn đến mâu thuẫn vợ chồng

Đó là nhận định của Chuyên viên Tâm lý Trần Thị Hồng Hà (Trung tâm tư vấn Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam). Theo chị Hồng Hà, mâu thuẫn trong gia đình nhiều thế hệ thường do sự “lệch pha” thời đại, sự khác biệt về tuổi tác, tư tưởng, tâm sinh lý dẫn đến mọi người không tìm được sự đồng cảm, chia sẻ.

Thông thường, người già (ông bà, bố mẹ) thường quen cách sống tình cảm, con cháu quây quần bên nhau – vừa nói chuyện vừa là dịp giáo dục con cháu. Ngược lại, người trẻ (vợ chồng, con cái) lại thích một môi trường năng động, không coi trọng quy tắc giờ giấc sinh hoạt, thích tụ tập bạn bè hơn là ngồi nghe người lớn “giảng đạo”. Sự đối lập này lại cùng tồn tại trong một đại gia đình, mà ở đó người già lại nắm quyền nên các cụ thường “soi” rất kỹ, thẳng thắn chỉ ra những cái không hài lòng khiến con cháu cảm thấy bực bội, đặc biệt là các nàng dâu vì họ có cảm giác ông bà, ba mẹ chồng “tham gia” vào mọi chuyện và lúc nào họ cũng phải sống cho vừa lòng người lớn. Đặc biệt là trong cách nuôi dạy con cháu, sự khác nhau giữa các phương pháp nuôi dạy con là nguyên nhân phát sinh nhiều xung đột. Trong đó, nhiều cặp vợ chồng quyết định ra riêng để có không gian riêng, tự quyết định trong việc nuôi dạy con.

Trên thực tế, mâu thuẫn thế hệ có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc vợ chồng. Nếu người vợ biết nhường nhịn, chấp nhận một số thiệt thòi để hòa vào cái chung của đại gia đình thì chắc chắn sẽ nhận được sự tôn trọng, yêu thương của nhà chồng, đặc biệt là người chồng sẽ rất tự hào về bạn đời của mình. Ngược lại, người vợ không “phục” cách ứng xử, sinh hoạt trong gia đình “tam/tứ đại đồng đường” thì sẽ luôn cảm thấy ấm ức, ngột ngạt và sẵn sàng trút giận, đổ lỗi cho chồng hoặc nằng nặc đòi ra riêng. Để giải quyết những mâu thuẫn này, đòi hỏi người trong cuộc phải thật sự khéo léo, biết “nhìn xa trông rộng”, nhìn thấy cái “được” nhiều hơn cái mất. Lúc ấy, chắc chắn những người trẻ sẽ thấy việc sống trong gia đình nhiều thế hệ là niềm hạnh phúc không phải ai cũng có.

Tìm “tiếng nói chung” trong gia đình nhiều thế hệ 9

Nếu người vợ biết nhường nhịn, chấp nhận một số thiệt thòi để hòa vào cái chung của đại gia đình thì chắc chắn sẽ nhận được sự tôn trọng, yêu thương của nhà chồng – Ảnh minh họa

 

Làm sao để giải quyết xung đột trong gia đình nhiều thế hệ?

– Nhất quán trong cách nuôi dạy con: Bạn cần thống nhất với nhà chồng cách dạy con ngay từ đầu. Người già dễ tự ái, nhất là khi các cách giáo dục của mình không được con dâu xem trọng, vì vậy bạn cần nhỏ nhẹ góp ý và sẵn sàng tiếp thu những cái hay từ ông bà. Những điều kiêng kỵ dân gian trong thời gian ở cữ có ý nghĩa riêng nhưng không phải lúc nào cũng đem lại kết quả tốt cho con cháu. Nếu sự chăm sóc của người thân thật sự không hợp lý, sản phụ nên khéo léo nhờ bác sĩ, y tá can thiệp và chia sẻ với ba mẹ, người thân hai bên về cách nuôi con khoa học.

– Không đề cao cái tôi cá nhân: Khi quyết định sống chung với gia đình nhiều thế hệ, bạn không chỉ sống cho bản thân mà phải luôn nghĩ đến cảm giác của những người còn lại, nhất là ông bà, bố mẹ chồng. Những người làm con, làm cháu nên tìm hiểu tâm lý tuổi già để thông cảm, yêu thương, từ đó hóa giải mâu thuẫn, cùng sống vui vẻ và chăm sóc lẫn nhau. Có thể đôi lúc bạn sẽ bị thiệt thòi, nhưng điều đó chắc chắn sẽ bù đắp xứng đáng bằng tình thương của nhà chồng và sự tôn trọng, hãnh diện của bạn đời đối với vợ.

– Dành nhiều thời gian cho nhau: Một nét đặc trưng của loại hình gia đình này là cả nhà sẽ quây quần nhau trong bữa ăn gia đình và sau đó là cùng xem ti vi hoặc hỏi han sức khỏe, công việc của nhau. Vì vậy, bạn có thể “ghi điểm” bằng cách vào bếp trổ tài nấu nướng, thường xuyên trò chuyện với mọi người, xoa cái lưng cho bà nội lúc trái gió trở trời, hỏi thăm cái chân đau của ba chồng… Không nhất thiết ngày nào bạn cũng ở nhà “điểm danh” nhưng hãy cố gắng dành thời gian chất lượng cho gia đình, như vậy người già không có cảm giác bị bỏ rơi và chính bạn cũng không thấy lạc lõng.

Tìm “tiếng nói chung” trong gia đình nhiều thế hệ 10

Sống trong gia đình nhiều thế hệ, hãy khéo léo sắp xếp thời gian để tất cả mọi người quây quần bên nhau – Ảnh minh họa

– Học cách chấp nhận và hòa nhập: Thay vì suốt ngày chê bai, than thở hay tìm cách “cải tạo” nếp sống hà khắt, bảo thủ của gia đình chồng, bạn hãy học cách chấp nhận và hòa nhập vào môi trường này. Bạn có thể học cách mẹ chồng quản lý chi tiêu trong gia đình, biết sống tự lập và quan trọng hơn cả, biết sống có trách nhiệm, quan tâm cũng như chan hòa tình yêu thương giữa mình và mọi người xung quanh.

Vai trò của người chồng

Vợ mới về làm dâu có thể chưa hiểu hết “nết ăn nết ở” của đại gia đình.. Vì vậy, người chồng cần có những “mẹo” nhỏ để hòa giải sự xung đột này:

– Làm “trọng tài” công bằng trong mọi trường hợp.
– Tạo điều kiện để vợ hòa nhập vào các hoạt động vui chơi của cả nhà như cùng đi ăn, hóng mát, thư giãn…
– Hãy nói tốt vợ với mọi người trong nhà và ngược lại.
– Tác động tâm lý người vợ để vợ có cách cư xử phù hợp trong mối quan hệ “tay ba, tay bốn” này.

 

Tags:

Bài viết liên quan