Mẹ&Con – Hen suyễn là bệnh mạn tính của đường thở và một điều đáng ngại là tỉ lệ trẻ mắc hen suyễn những năm gần đây đang ngày một tăng cao. Nên làm gì khi chẳng may con bạn lại mắc phải bệnh này? Làm cách nào để nhận biết, chăm sóc con, cũng như hạn chế được yếu tố gây cơn khiến con nguy hiểm? Bạn tìm hiểu nhé!

Làm gì với bệnh hen suyễn ở trẻ ?

Khi bị hen suyễn, các đường thở trong phổi của bé bị viêm và hẹp lại. Tình trạng này lúc nào cũng hiện diện, ngay cả khi bé cảm thấy khỏe mạnh.

Trong trường hợp đặc biệt, khi tiếp xúc với yếu tố gây cơn (như bụi, thời tiết, lông chó mèo, một số loại thực phẩm nhất định…), bé sẽ bị lên cơn hen với các triệu chứng đáng ngại như cảm thấy tức ngực, khó thở, ho, khò khè. Tình trạng càng nguy kịch hơn nếu bé xuất hiện màu xanh tím quanh miệng, nôn mửa…

Khi phát hiện bệnh hen suyễn ở trẻ, bạn nên hết sức thận trọng với tình hình sức khỏe, việc dùng thuốc cũng như môi trường sống của con mình. Nên biết rằng với các trẻ bị hen suyễn, việc bị thêm cảm lạnh, cúm… sẽ rất nguy hiểm nên bạn cần cố gắng hết sức tránh cho bé mắc phải các bệnh này.

bệnh hen suyển ở trẻ

Các việc có thể làm là hãy giữ vệ sinh thân thể của bé thật tốt, môi trường sống trong lành, thoáng đãng, sạch sẽ. Nhắc nhở bé rửa tay thường xuyên, mặc áo khoác khi ra ngoài, đặc biệt là trong thời tiết lạnh. Bạn cũng cần cho bé đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc với người đang bị cảm cúm.

Một khi bé gặp vấn đề khác về hô hấp như cảm cúm, sổ mũi… hoặc đang bị sốt, bị ốm, dù bé chỉ bị nhẹ bạn cũng cần chăm sóc cẩn thận hơn trẻ bình thường. Không nên cho bé đi học trong trường hợp này, vì nếu xảy ra trường hợp bất thường, thầy cô ở trường khó lòng xoay xở kịp. Nên cho bé nghỉ ngơi ở nhà, có người túc trực chăm sóc, theo dõi. Trong trường hợp khẩn cấp, phải đưa trẻ đến bệnh viện hoặc bác sĩ ngay.

Nhắc thêm bạn là trẻ bị hen suyễn dù trong giai đoạn sức khỏe đang ổn định, bình thường, không bị “lên cơn” thì vẫn cần được đưa đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ. Trẻ cũng cần tiêm phòng bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ, để giảm thiểu các nguy cơ.

Những trường hợp trẻ được kê toa thuốc, bạn cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ, cho trẻ dùng thuốc đúng liều, đúng giờ. Sẽ rất nguy hiểm cho trẻ nếu trẻ bị lên cơn hen mà lại… quên mang thuốc bên mình, bạn nhé.

Với trẻ đã đến tuổi đi mẫu giáo, bạn vẫn có thể cho con đi học bình thường, nhưng cần lưu ý với giáo viên, bảo mẫu, y tá trong trường về tình trạng sức khỏe của con. Hạn chế cho bé chơi đùa quá sức, hoạt động chạy giỡn quá nhiều. Một số thực phẩm có thể gây dị ứng cho trẻ cũng cần được ghi chú rõ ràng.

Tuy nhiên, lưu ý rằng bạn không nên vì chuyện hen suyễn mà “úm” con quá kỹ. Nếu như bé bị tách biệt hoàn toàn khỏi bạn bè, cứ phải ngồi yên trong lúc bạn được chơi đùa, bé sẽ dễ cảm thấy lạc lõng, không thể hòa đồng, dễ buồn và tự ti.

Nhắc thêm đôi điều…

Bệnh hen suyễn ở trẻ em có thể bắt đầu ở bất cứ độ tuổi nào, nhưng phần lớn (từ 50-80%) phát bệnh trước 5 tuổi. Vì còn quá nhỏ, triệu chứng bệnh không đầy đủ, rõ ràng, bé chưa biết cách mô tả tình trạng của mình, lại thêm trẻ nhỏ ở tuổi này rất hay mắc phải các bệnh về đường hô hấp nên nhiều trường hợp định bệnh chậm, khó khăn, thậm chí còn nhầm lẫn từ hen suyễn sang bệnh khác.

Lời khuyên của bác sĩ là, khi trẻ dưới 5 tuổi có triệu chứng ho nhiều ban đêm và lúc sáng sớm khi thức giấc, trẻ thở nặng nhọc khi chơi đùa quá sức… bạn đừng thờ ơ bỏ qua mà cần nhận biết và nghĩ đến hen suyễn, đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra cẩn thận, xác định bệnh càng sớm càng tốt.

Một điều hẳn sẽ khiến bạn lo lắng là bệnh hen suyễn ở trẻ không thể chữa dứt hoàn toàn, nên nếu mắc bệnh, bé yêu của bạn sẽ phải “sống chung với lũ”. Lưu ý với bạn, một số trường hợp, bệnh hen suyễn ở trẻ tự khỏi trong một thời gian dài, nhưng không được chủ quan rồi bỏ qua luôn sự theo dõi, vì cơn hen có thể bị tái phát bất cứ lúc nào.

Và trong tình trạng không chuẩn bị thì bé còn dễ gặp nguy hiểm hơn là các bé bị hen suyễn thường xuyên nữa! Tuy nhiên, cũng nói thêm để bạn giảm được nỗi lo: Nếu được chăm sóc tốt, đúng cách, bé bị hen suyễn vẫn sẽ có được một cuộc sống gần như bình thường, không khác gì bạn bè cùng trang lứa cả.

Để chăm sóc tốt cho con, ở trong nhà tuyệt đối không được có người hút thuốc lá. Nếu anh xã bạn nghiện thuốc, hãy trao đổi để anh ấy bỏ thuốc hoặc ra ngoài khi hút thuốc.

Hạn chế trồng các loại cây có hoa trong vườn nhà, bậu cửa sổ phòng của bé vì phấn hoa là một trong những tác nhân dễ làm lên cơn hen. Thú vật như chó mèo, gà vịt, chim chóc… cũng không thể nuôi trong nhà. Đây là một thiệt thòi với trẻ, song bạn có thể bù đắp cho bé bằng những hình thức sinh hoạt, vui chơi khác.

Mẹ lưu ý!

Ngay khi biết bé bị hen suyễn, mẹ cần xác định cho được các yếu tố kích thích. Cần tuyệt đối tránh cho bé các yếu tố kích thích đó, đồng thời ghi chú rõ điều này vào một thẻ y tế cho bé đeo trên người khi đi học nhà trẻ, mẫu giáo hoặc lúc ra ngoài.

Cần dặn dò kỹ người chăm sóc bé, chơi với bé về các yếu tố nguy cơ, đề phòng người lạ không biết lại vô tình cho bé tiếp xúc với yếu tố gây cơn.

Với phòng ngủ của con…

Cần lau chùi bụi bặm mỗi ngày. Chăn mền của trẻ cần được giặt sạch bằng nước nóng, phơi dưới ánh nắng mặt trời và thay thường xuyên mỗi tuần một lần. Nên hạn chế để nhiều đồ đạc trong phòng vì phòng càng nhiều đồ đạc càng ngộp và dễ bám nhiều bụi bẩn.

Bạn cần tránh cả các loại thú nhồi bông như gấu bông, chó bông… vì các món đồ chơi này thường bám rất nhiều bụi, có thể sẽ là yếu tố gây kích thích cơn hen của trẻ.

Bổ sung vitamin C

Ngay từ khi bé vừa ở tuổi ăn dặm, bạn đã nên tăng cường các thực phẩm giàu vitamin C cho bé. Một số nghiên cứu khoa học chứng minh rằng, tình trạng thiếu vitamin C cộng với môi trường sống ô nhiễm có thể khiến gia tăng thêm tình trạng hen suyễn ở các thiên thần bé bỏng.

Tags:

Bài viết liên quan