Mẹ&Con – Lập gia đình được hơn 3 năm, chị Mai P. (Quận 6) mới đậu thai đứa con đầu. Khỏi nói chị và gia đình mừng rỡ đến mức nào. Bao nhiêu thức ăn ngon lành, bổ dưỡng, chị đều cố gắng “nạp” vào với hi vọng bé sẽ thông minh, khỏe mạnh. Bạn đã biết cách ăn trước lúc mang thai?

Chị cảm thấy khá tự hào vì mình tăng cân nhanh, vì cứ nghĩ rằng như vậy thì hẳn là thai nhi trong bụng cũng… phát triển vượt trội. Mãi đến tháng thứ sáu, sau một lần đau bụng quằn quại phải chuyển gấp vào bệnh viện, chị chết điếng khi nghe bác sĩ báo tin: Chị bị tiểu đường thai nghén, dẫn đến thai chết lưu!

Không phải ăn thật nhiều là tốt

Thời gian gần đây, ở các thành phố lớn (nhất là TP.HCM), tỷ lệ thai phụ mắc bệnh tiểu đường trong quá trình mang thai (gọi tắt là tiểu đường thai nghén) đang ngày một gia tăng. Đối tượng nguy cơ cao là những phụ nữ vốn đã béo phì, thừa cân, hoặc gia đình có người mắc bệnh tiểu đường, trong lúc mang thai thì bệnh phát.

Một đối tượng khác dễ rơi vào tình trạng này là những thai phụ ăn quá nhiều, thừa chất, tăng cân nhanh trong giai đoạn mang thai. Khi đó, nguy cơ đường huyết cũng tăng rất cao theo.

Tiểu đường thai nghén rất nguy hiểm, vì có thể dẫn đến việc thai chết lưu hoặc con sinh ra mang dị tật bẩm sinh nặng nề. Tần suất trẻ dị tật bẩm sinh được sinh ra từ những thai phụ có đường huyết cao trong giai đoạn tạo cơ quan của phôi thai (5-8 tuần sau kì kinh cuối) cao gấp 8 lần bình thường; dị tật tim mạch cao gấp 18 lần và dị tật hệ thần kinh cao gấp 16 lần.

Ngoài ra, thai phụ cần biết rằng tiểu đường thai nghén còn đe dọa đến chính tính mạng của thai phụ vì bệnh sẽ kèm theo cao huyết áp, bệnh tim mạch, suy giảm sức đề kháng, từ đó dẫn đến tình trạng bội nhiễm hay vết thương khó lành.

Bạn cần lưu ý một điểm quan trọng là tiểu đường thai nghén rất khó phát hiện nếu không làm xét nghiệm máu hoặc không làm nghiệm pháp dung nạp glucose vì bệnh thường không có các triệu chứng hay các dấu hiệu biểu hiện ra bên ngoài. Bởi vậy, tất cả phụ nữ mang thai đều cần phải khám sàng lọc tiểu đường thai nghén.

Phòng ngừa có khó?

Câu trả lời cho bạn là: Không khó! Chỉ cần được trang bị tốt những kiến thức cho chính mình trong giai đoạn tiền mang thai và mang thai là bạn đã có thể giảm thiểu một phần đáng kể nguy cơ này.

Trước hết, ngay khi bắt đầu có ý định mang thai, người phụ nữ cần tăng cường việc tập luyện thể dục thể thao, đi bộ đều đặn, ổn định cân nặng của mình trong chỉ số cân nặng quy định (so với chiều cao – theo cách tính BMI); tránh để mình bị thừa cân, béo phì trong giai đoạn tiền mang thai. Nếu gia đình có người từng bị tiểu đường, bạn nên báo sớm với bác sĩ từ trước lúc có ý định mang thai, để được khám và đo đường huyết, cũng như có những tư vấn phù hợp.

Trong suốt quá trình thai nghén, bạn cần điều chỉnh chế độ ăn hợp lí, giàu dinh dưỡng nhưng trong chừng mực cho phép. Không nên ăn tùy tiện quá nhiều đồ bổ, chất béo, chất ngọt, nước ngọt có ga… dẫn đến tăng cân quá mức. Vì khi đó, nguy cơ bị tiểu đường thai nghén là rất lớn.

Nếu đã cẩn thận phòng ngừa như thế mà vẫn phát hiện tiểu đường khi mang thai, bạn cần khám bác sĩ chuyên khoa để được điều trị, kiểm soát đường huyết. Nhìn chung, có 3 biện pháp can thiệp với thai phụ mắc phải tiểu đường thai nghén: điều chỉnh chế độ ăn uống, tăng cường tập luyện và sử dụng thuốc. Tuy nhiên, do “đặc thù” đang mang thai, nên bất kì thực hiện việc nào trong 3 biện pháp trên cũng đều cần được bác sĩ tư vấn rõ và cân nhắc dựa trên tình trạng sức khỏe thực tế của thai phụ và thai nhi. Kiểm soát được đường huyết tốt, thai nhi sẽ phát triển như những đứa trẻ khác. „

tiểu đường thai kỳ

(Ảnh minh họa)

Kiến thức cho bạn

» Tiểu đường thai nghén, hay còn những cách gọi khác như tiểu đường thai kì, đái tháo đường thai kì… là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kì mức độ nào, được phát hiện trong thời kì mang thai.

Tiểu đường thai nghén là một thể của bệnh đái tháo đường, nhưng chỉ xuất hiện và chỉ tồn tại trong thời gian người phụ nữ mang thai. Chính vì vậy, tiểu đường thai nghén giống mà lại… khác bất cứ một thể bệnh đái tháo đường nào khác.

Tiểu đường thai nghén thường khởi phát trong khi có thai và tự khỏi sau khi sinh. Nếu trong vòng 6 tuần sau khi sinh, người mẹ bị tiểu đường thai nghén chưa khỏi bệnh thì lúc này không được chẩn đoán là tiểu đường thai nghén nữa mà chuyển sang một thể khác của bệnh đái tháo đường, như đái tháo đường týp 1, týp 2, đái tháo đường do dinh dưỡng hoặc đái tháo đường triệu chứng.

» Thai phụ nên kiểm soát đường huyết toàn phần lúc đói dưới 95 mg/dL và đường huyết toàn phần 1 giờ sau bữa ăn dưới 140 mg/dL và 2 giờ sau ăn dưới 120 mg/dL. Tuy nhiên, không nên quá lo lắng mà để đường huyết lúc đói thấp hơn 60 mg/dL. Nếu có điều kiện, bạn nên có một máy tự theo dõi đường huyết tại nhà và liên hệ với bác sĩ khi có những thay đổi bất thường ở đường huyết.

Bổ sung dinh dưỡng hợp lý

Đa số phụ nữ mang thai đều mong muốn con mình sinh ra thật bụ bẫm, vì vậy không ít người đã cố “nhồi” thật nhiều thức ăn, đặc biệt là vào những tháng cuối thai kì.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế của Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo: Nếu tăng quá 2kg trong một tháng hoặc trên 1kg mỗi tuần lại là dấu hiệu của bệnh lí. Mức tăng cân của bà mẹ mang thai trong thời gian 9 tháng lí tưởng nhất là từ 10-12kg. Trong đó, 3 tháng đầu tăng 1kg, 3 tháng giữa tăng từ 4-5kg và 3 tháng cuối tăng từ 5-6kg.

Nhu cầu năng lượng trong khẩu phần của phụ nữ mang thai nhiều hơn khi không có thai là 350Kcal (bình thường là 2.200Kcal, khi có thai là 2.550Kcal). Nếu chỉ cần tăng thêm hai bát cơm mỗi ngày là đã đưa vào cơ thể 300Kcal, gần đủ lượng Kcal cần thiết cho bà bầu.

Tất cả các việc bổ sung vitamin hoặc bồi bổ quá mức bình thường đều cần tham khảo ý kiến bác sĩ, để tránh gây ảnh hưởng cho thai nhi. Ngoài ra, cần lưu ý là nếu mang thai khi tuổi đã ngoài 35, nguy cơ bị tiểu đường thai nghén của bạn sẽ tăng lên rất nhiều so với các bà mẹ khác.

 Tập luyện thể dục giúp thai phụ phòng ngừa bệnh tiểu đường thai nghén

Tags:

Bài viết liên quan