Mẹ và Con - Tiểu đường thai kỳ là một trong những nỗi lo của mẹ bầu. Tuy nhiên, cụ thể thì tình trạng này gây ra những biến chứng gì cho mẹ và bé yêu. Cùng khám phá qua bài viết sau đây, mẹ nhé!

Tiểu đường thai kỳ là tình trạng rối loạn đường huyết trong thời gian mang thai. Sau khoảng thời gian này, bệnh sẽ dần mất đi. Tuy nhiên, tiểu đường thai kỳ cũng có thể chuyển thành tiểu đường tuýp II và trở nên mạn tính. Nếu bạn mắc tiểu đường ở lần mang thai thứ nhất thì ở lần thứ hai tình trạng sẽ tiếp tục tái diễn.

Nguyên nhân gây nên tiểu đường thai kỳ cũng tương tự như tiểu đường thông thường. Đó là tuyến tụy kém sản xuất insulin, hóc môn duy nhất có khả năng làm giảm nồng độ đường trong máu nhờ chuyển hóa chúng thành năng lượng, làm cho lượng đường trong máu tăng cao khó kiểm soát.

Mẹ bầu được xác định bị tiểu đường thai kỳ khi nào?

– Mức đường huyết khi đang đói là >95 mg glucose/100ml máu.

– Mức đường huyết khi ăn từ 1 giờ là >180 mg glucose/100ml máu.

– Mức đường huyết sau khi ăn từ 2 – 4 giờ là >140 mg glucose/100ml máu.

Những nguy hiểm của tiểu đường thai kỳ gây ra cho mẹ

Tăng huyết áp trong thai kỳ

Theo thống kê của Khoa Y, Đại học Harvard, 65% bệnh nhân bị tiểu đường sẽ kèm theo biến chứng cao huyết áp. Nguyên nhân được giải thích là do khi lượng đường trong máu tăng, độ nhớt của máu cũng tăng. Kèm theo đó là hiện tượng thành mạch máu bị co lại và hình thành nên các khối xơ vữa chắn ngang đường đi của máu.

Chính tình trạng máu lưu thông kém ổn định làm cho mạch máu quá tải, thành mạch và tim phải gánh chịu áp lực lớn làm tăng áp lực. Đây chính là tình trạng cao huyết áp có liên quan đến thai kỳ. Bên cạnh đó, tình trạng đái tháo đường thai kỳ còn đi kèm với nguy cơ rối loạn lipid, khiến cho huyết áp theo đó tăng lên.

Xem thêm: Phòng ngừa huyết áp cao với tỏi

Khi bị cao huyết áp trong thai kỳ, mẹ bầu phải đối mặt với hàng loạt rắc rối về sức khỏe như nguy cơ sinh non, sảy thai và tiền sản giật có thể đe dọa đến tính mạng của bé.

Tiểu đường thai kỳ
Tiểu đường thai kỳ

Tiền sản giật

Đây là một rối loạn thai nghén đặc trưng gây nên bởi tình trạng huyết áp cao và lượng đạm lớn trong nước tiểu. Tiền sản giật chỉ xuất hiện ở thai kỳ của con người và bắt đầu từ giữa tam cá nguyệt thứ hai với tần suất 5-8% của thai kỳ. Trong đó, nguyên nhân phổ biến nhất là do huyết áp cao, một trong những yếu tố nguy cơ có mối quan hệ mật thiết với chứng tiểu đường thai kỳ.

Theo các chuyên gia về sức khỏe sinh sản, tiền sản giật là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của thai kỳ. Bởi lẽ, chúng có thể gây nên những sự cố như tổn thương phổi, rối loạn thị giác, biến chứng của hội chứng HELL bao gồm: tán huyết, tăng men gan, giảm tiểu cầu, rối loạn đông máu, phù phổi cấp, suy thận cấp, nhau bong non, xuất huyết não…

Tiền sản giật không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến co giật, gọi là sản giật, làm tăng rủi ro cho mẹ và bé. Thậm chí là còn có thể dẫn đến tử vong.

Băng huyết sau sinh

Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), băng huyết sau sinh là hiện tượng chảy máu âm đạo sau khi sổ thai vượt quá 500 ml. Tình trạng này chiếm khoảng 10%. Trong đó có 1% là trường hợp nguy kịch và 25% trường hợp tử vong do băng huyết nặng gây ra. Đây là nguyên nhân đặc trưng dẫn đến tử vong cho mẹ và được các chuyên gia nỗ lực tìm kiếm giải pháp kéo giảm.

Vì sao tiểu đường thai kỳ lại có thể là nguyên nhân của băng huyết sau sinh? Như bạn đã biết, sau khi sinh, tử cung của thai phụ cần phải thực hiện chức năng co hồi để cầm máu. Tuy nhiên, do biến chứng của tiểu đường thai kỳ, tử cung bị đờ, không tạo được khối cầu an toàn dẫn đến tình trạng chảy máu cấp tính, lên đến trên 300ml.

Nếu không được theo dõi sát sao và có cách xử lý hợp lý, tình trạng mất máu quá nhiều và quá nhanh sẽ là nguyên gây tử vong hàng đầu cho mẹ.

Tăng nguy cơ sinh mổ

Nếu mẹ bị tiểu đường, nhiều khả năng là không thể sinh bằng cách tự nhiên qua ngả âm đạo vì thai nhi quá lớn. Lý giải cho vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, khi lượng đường trong máu mẹ cao, chúng sẽ đi qua nhau thai và kích thích tuyến tụy của thai nhi tăng tiết insulin.

Sự xuất hiện của hóc môn này gây nên tác dụng phụ là thai nhi tăng cân một cách nhanh chóng. Với trọng lượng từ 4kg trở lên, thai nhi sẽ làm cho quá trình sinh nở trở nên khó khăn hơn và vì thế mẹ bắt buộc phải sinh mổ.

Có thể bạn quan tâm: Sản phụ sau sinh mổ kiêng ăn gì

Phương pháp sinh có sự can thiệp của y học này sẽ khiến cho mẹ đối mặt với nhiều rắc rối về sức khỏe về sau, mẹ có vết thương lớn, khó chăm sóc và lâu bình phục…

tiểu đường thai kỳ làm tăng nguy cơ sinh mổ

Đa ối

Tình trạng đa ối cũng là một trong những biến chứng thường gặp của đái tháo đường thai kỳ và gây nhiều biến chứng trên cả mẹ và thai nhi.

Biểu hiện của tình trạng đa ối làm cho mẹ cảm thấy khó chịu, đau nhiều trước khi sinh và quá trình chuyển dạ cũng trở nên phức tạp hơn do mẹ đau quá nhiều. Nguy hiểm hơn, tình trạng đa ối do đái tháo đường còn làm cho tử cung co hồi yếu, dễ bị đờ.

Xem thêm: Đa ối có nên uống sữa tươi không đường

Đó chính là lý do khiến cho mẹ phải đối diện với nguy cơ băng huyết, một trong biến chứng thai sản có khả năng gây tử vong rất nhanh.

Sinh non, sẩy thai, thai chết lưu

Khi mẹ bị tiểu đường thai kỳ, lượng đường trong máu cao là yếu tố kích thích chuyển dạ sớm. Đồng thời, khi mẹ bầu mắc bệnh này, thai kỳ có thể phải kết thúc sớm hơn do các bác sĩ tác động để bé được chào đời sớm. Chính vì thế, mẹ bầu có nguy cơ bị sẩy thai, sinh non, thai lưu nếu chẳng may bị đái tháo đường thai kỳ.

Những nguy hiểm của tiểu đường thai kỳ với bé

Gia tăng nguy cơ dị dạng

Tỷ lệ dị tật bẩm sinh tự nhiên ở thai nhi vào khoảng 1-2%. Tuy nhiên, với mẹ bầu bị đái tháo đường, tỷ lệ này có thể tăng lên đến 5%. Đặc biệt, nếu mẹ bầu không kiểm soát đái tháo đường trong 3 tháng đầu thai kỳ thì tỷ lệ dị tật bẩm sinh càng tăng cao hơn, từ 5,1-9,8%.

Các dị tật bẩm sinh thai nhi đối mặt khi mẹ bị tiểu đường có thể xuất hiện ở hệ tiết niệu, hệ thần kinh cả hệ tim mạch như thông liên nhĩ, thông liên thất, đảo chỗ các mạch máu lớn…

Thai chết lưu

Như bạn đã biết, mẹ truyền chất dinh dưỡng cho thai nhi bằng máu, thông qua nhau thai. Vì thế, khi lượng đường trong máu mẹ tăng cao, thai nhi cũng tiếp nhận khối lượng đường vượt quá hàm lượng cho phép. Lúc này, đường tồn tại trong mạch máu sẽ chuyển đổi thành những gốc oxy hóa.

Chúng đóng tại thành mạch sẽ làm tổn thương và phá hủy các thành mạch. Bên cạnh đó, thai nhi cũng có thể bị chết lưu đột ngột khi đường huyết tăng quá cao.

Hạ đường huyết

Khi chào đời, do lượng hóc môn insulin trong máu quá cao nên bé có mẹ bị tiểu đường rất dễ gặp phải hội chứng hạ đường huyết. Trong trường hợp nặng, bé bị hạ đường huyết nặng sẽ bị co giật. Nếu không xử lý kịp thời, bằng cách truyền glucose tĩnh mạch hoặc được  bú ngay lập tức, tính mạng của bé sẽ gặp nguy hiểm.

tiểu đường thai kỳ nguy hiểm thế nào với thai nhi

Suy hô hấp

Bé có mẹ bị tiểu đường thường rất dễ bị sinh non hoặc được chỉ định sinh sớm để đảm bảo an toàn. Lúc này, phổi của bé chưa thật sự trưởng thành, đồng thời lượng insulin quá cao cũng tác động đến sự trưởng thành của phối khiến cho trẻ khó khăn khi hô hấp độc lập trong môi  trường bên ngoài. Chính vì thế, bé rất dễ bị suy hô hấp, yếu ớt và cần phải được chăm sóc đặc biệt.

Phải chào đời bằng phương pháp mổ đẻ

Thông thường, trẻ của mẹ bệnh tiểu đường sẽ có cân nặng lớn do em bé dự trữ đường dư thừa dưới dạng mỡ. Đây là nguyên nhân khiến cho các bác sĩ phụ sản phải chỉ định phương pháp sinh mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.

Có thể mẹ quan tâm: Sinh mổ bao lâu thì tử cung lành

Bên cạnh nguy cơ mắc các bệnh hô hấp tương tự như bé chào đường bằng phương pháp mổ đẻ, trẻ có mẹ bị tiểu đường rất dễ gặp chấn thương như gãy xương, trật khớp do có kích thước quá lớn.

Sức khỏe kém khi trưởng thành

Khi có mẹ bị bệnh tiểu đường thai kỳ, bé sinh ra sẽ gặp rất nhiều thiệt thòi về sức khỏe. Trong đó, điều đáng quan tâm nhất là nguy cơ trẻ bị mắc tiểu đường mạn tính khi trưởng thành. Vì lẽ đó mà trẻ có thể phải đối mặt với hàng loạt rắc rối về sức khỏe làm cho việc học tập, làm việc bị giới hạn… Từ đó, chất lượng cuộc sống cũng giảm đi.

Tiểu đường thai kỳ xuất hiện ở khoảng 5% phụ nữ mang thai và có thể chuyển thành tiểu đường tuýp II sau 5-10 năm với tỷ lệ là 10-50%. Do đó, Tạp chí Mẹ và Con nhắc nhở mẹ nên đề phòng tiểu đường và có ý thức chăm sóc sức khỏe cao hơn trong thai kỳ nhé! 

Bài viết liên quan