Mẹ&Con – Một trong những bệnh lý chị em dễ mắc phải trong giai đoạn mang thai chính là tiểu đường thai kỳ. Vậy nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường thai kỳ là gì? Mẹ bầu mắc bệnh này có nguy hiểm không? Chăm sóc mẹ tiểu đường thai kỳ như thế nào?… Tất tần tật những thắc mắc của mẹ sẽ được giải đáp trong bài viết này.
Nguyên nhân gây tiểu đường thai kỳ
Tiểu đường là khi chức năng sản xuất ra insulin của tuyến tụy bị rối loạn. Insulin là hóc môn giúp cơ thể chuyển hóa đường glucose trong máu thành năng lượng, đồng thời kiểm soát lượng đường glucose trong máu.
Mẹ mắc tiểu đường thai kỳ là do quá trình mang thai, nhau tạo ra nội tiết tố đặc biệt để giúp thai nhi phát triển. Tuy nhiên, những nội tiết tố này lại ảnh hưởng đến tính năng hữu ích của insulin – “kháng insulin”. Insulin trong cơ thể mẹ bầu bị thiếu, khiến lượng đường trong máu tăng cao và đây chính là nguyên nhân gây ra tiểu đường thai kỳ.
Ai dễ mắc tiểu đường thai kỳ?
- Mẹ mang thai sau 25 tuổi.
- Tiền sử gia đình (cùng huyết thống) có người mắc bệnh tiểu đường; Hoặc bản thân mẹ từng mắc tiểu đường trong thai kỳ trước.
- Em bé trước đây của mẹ có số cân nặng lớn khi mới lọt lòng (trên 4 kg).
- Bị thừa cân, béo phì cả trước và khi mang thai với chỉ số khối cơ thể (BMI) là 30 hoặc cao hơn.
- Mẹ bầu ăn uống tẩm bổ nhiều cùng lối sống ít vận động.
Dấu hiệu tiểu đường thai kỳ
Hay khát nước: Dù uống đủ lượng nước được khuyến cáo mỗi ngày nhưng mẹ vẫn thường xuyên khát nước đến khô họng thì đây chính là dấu hiệu đầu của tiểu đường thai kỳ.
Đi tiểu nhiều lần: Lượng đường trong máu cao, không được chuyển hóa hết khiến thận phải làm việc, thải chúng vào nước tiểu. Đây là lý do làm mẹ buồn tiểu và đi tiểu liên tục dù chưa bước sang tam cá nguyệt cuối.
Vùng kín nhiễm nấm: Lượng đường trong máu tăng cao cũng khiến các loại vi khuẩn và nấm men ở vùng kín gia tăng. Từ đó, nguy cơ nhiễm nấm âm đạo ở mẹ bầu tiểu đường cũng cao hơn bình thường. Nếu có các triệu chứng ngứa ngáy, buốt rát khi đi tiểu, dịch tiết âm đạo có mùi hôi… mẹ cần nhanh chóng đi khám và chia sẻ thông tin này với bác sĩ.
Luôn cảm thấy mệt mỏi: Mang thai mệt mỏi là chuyện bình thường. Thế nhưng, khi mẹ luôn trong trạng thái mệt lả dù ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi khoa học và không có dấu hiệu bị ốm thì rất có thể đây là một triệu chứng của tiểu đường thai kỳ.
Mờ mắt trong thời gian ngắn: Lượng đường glucose trong máu tăng đột ngột khiến cơ thể mẹ chưa kịp thích nghi dẫn đến hiện tượng mờ mắt. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng hết khi cơ thể mẹ bắt đầu thích nghi dần với sự gia tăng của lượng đường trong máu.
Trên đây là vài triệu chứng điển hình của tiểu đường thai kỳ, nhưng ít khi mẹ bầu để tâm và thường nhầm lẫn với các dấu hiệu thai kỳ khác. Do đó, khi mẹ thuộc nhóm nguy cơ cao đối với tiểu đường hoặc đang có những dấu hiệu kể trên, mẹ bầu cần đi xét nghiệm tiểu đường thai kỳ để có kết quả chính xác.
Trong quy trình xét nghiệm tiểu đường thai kỳ, bác sĩ sẽ tiến hành 2 xét nghiệm với các bước như sau:
1. Xét nghiệm thử glucose
- Tuần thai thứ 22 – 24 là thời điểm mẹ bầu có thể tiến hành xét nghiệm tiểu đường thai kỳ. Lúc này, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm thử glucose để sàng lọc nguy cơ tiểu đường thai kỳ và quyết định có cần kiểm tra tiếp hay không.
- Khi xét nghiệm, mẹ được chỉ định uống hết 50 gram glucose trong 5 phút. Một tiếng sau, bác sĩ tiến hành lấy máu ở đầu ngón tay của mẹ để xét nghiệm sự chuyển hóa đường trong cơ thể.
- Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, bác sĩ vẫn chưa xác định mẹ có đang mắc tiểu đường thai kỳ không. Bởi lẽ, chỉ khoảng 30% bà mẹ có kết quả xét nghiệm thử glucose dương tính thực sự mắc tiểu đường thai kỳ. Vì vậy, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm dung nạp glucose để có kết quả chính xác hơn.
2. Xét nghiệm dung nạp glucose
- Xét nghiệm dung nạp glucose được thực hiện vào buổi sáng. Các mẹ cần để bụng trống trước khi xét nghiệm để có kết quả chính xác.
- Các bác sĩ sẽ lấy mẫu máu thứ nhất để kiểm tra đường huyết lúc đói.
- Mẹ uống một lượng dung dịch glucose theo chỉ định. Một tiếng sau, mẹ sẽ được lấy mẫu máu để xét nghiệm.
- Sau 3 lần lấy máu, mỗi lần cách nhau 1 tiếng, bác sĩ có thể kết luận mẹ mắc tiểu đường thai kỳ nếu có 2 kết quả dương tính trở lên.
Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ không gây hại cho mẹ và bé. Vì vậy, khi mẹ thuộc nhóm nguy cơ cao hoặc đang có những dấu hiệu bệnh thì cần đi xét nghiệm tiểu đường thai kỳ. Đi xét nghiệm đúng thời điểm giúp mẹ phát hiện bệnh sớm và kiểm soát tốt lượng đường trong máu để sinh em bé khỏe mạnh hơn.
Điều trị tiểu đường thai kỳ
Thường xuyên theo dõi lượng đường trong máu
Mẹ mắc tiểu đường thai kỳ cần kiểm tra lượng đường trong máu 4 – 5 lần/ ngày bằng máy đo đường huyết cá nhân. Đặc biệt, mẹ luôn nhớ kiểm tra trong các thời điểm quan trọng trong ngày như khi vừa thức dậy vào buổi sáng (chưa ăn sáng) và một hoặc hai giờ sau mỗi bữa ăn chính; hay những thời điểm khác theo khuyến cáo của bác sĩ.
Sau mỗi lần đo, mẹ ghi lại kết quả và mang theo nhật ký thử đường máu khi đi khám bệnh. Kết quả này rất quan trọng trong việc đưa ra các quyết định về điều chỉnh liều thuốc, chế độ ăn uống và vận động cho mẹ.
Chế độ ăn uống khoa học
Ăn sáng đầy đủ và lành mạnh: Lượng đường trong máu thường giảm mạnh vào buổi sáng. Chính vì vậy, một bữa ăn sáng lành mạnh sẽ giúp điều chỉnh nồng độ đường trong máu lên mức ổn định. Các mẹ có thể chọn ngũ cốc nguyên cám và bánh mì, ăn kèm một loại thực phẩm giàu protein như một quả trứng luộc hoặc sữa chua ít chất béo. Các món cháo thanh đạm cũng là một lựa chọn tốt để mẹ kiểm soát lượng đường vào buổi sáng tốt hơn.
Chọn thức ăn giàu chất xơ, ít chất béo bão hòa: Chất xơ giúp kiểm soát lượng đường trong máu, tránh tình trạng chỉ số đường huyết tăng cao đột ngột. Đồng thời, mẹ cũng cần cắt giảm thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa trong khẩu phần ăn hàng ngày. Các thực phẩm giàu chất xơ tốt cho mẹ tiểu đường thai kỳ bao gồm gạo lứt, yến mạch, lúa mì nguyên vỏ, các loại đậu nguyên vỏ, các loại rau xanh và các loại củ có màu cam, vàng, đỏ. Mẹ cần hạn chế thực phẩm nhiều chất béo bão hòa, giàu năng lượng như lạp xưởng, bánh kem, thịt xông khói, đồ hộp…
Đa dạng thực phẩm: Mẹ mắc tiểu đường thai kỳ có thể áp dụng nguyên tắc dinh dưỡng cơ bản “1 phần 4”. Theo đó, mẹ có thể chia mỗi bữa ăn thành 4 phần: 1 phần tinh bột, 1 phần đạm và 2 phần rau củ. Các thực phẩm giàu tinh bột có chỉ số đường huyết thấp, chuyển hóa chậm và giàu chất xơ, mẹ có thể chọn gạo lứt, yến mạch và các loại đậu cả vỏ. Chất đạm có thể lấy từ tôm, cá, đậu… Khi chế biến thực phẩm ưu tiên nướng, hấp, luộc thay vì chiên, xào nhiều dầu mỡ.
Chia nhiều bữa nhỏ trong ngày: Mẹ tiểu đường chia 5 – 6 bữa ăn thay vì 3 bữa chính. Bằng cách này, mẹ sẽ giúp lượng đường huyết trong máu luôn ổn định, hạn chế hiện tượng hạ đường máu đột ngột hoặc tăng cao bất ngờ.
Mẹ bầu cần ghi chép riêng về số lượng, thành phần thực phẩm trong mỗi bữa ăn, giờ ăn của cả bữa chính và phụ. Bằng cách này, khi mức đường huyết không ổn định, mẹ có thể dễ dàng điều chỉnh lại chế độ ăn uống sao cho phù hợp với mình.
Duy trì vận động
Duy trì vận động trong thời gian mang thai giúp mẹ cải thiện quá trình chuyển hóa glucose và làm giảm sự đề kháng insulin. Nhờ đó, mẹ có thể hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của tiểu đường thai kỳ đối với sức khỏe cả hai mẹ con.
Các nghiên cứu đã khẳng định, 30 phút luyện tập cơ thể mỗi ngày, ít nhất 5 ngày mỗi tuần với mức độ vừa phải rất có lợi cho mẹ mắc chứng tiểu đường thai kỳ. Nhưng, nếu trước khi mang thai mẹ ít vận động thì có thể bắt đầu với những bài tập nhẹ nhàng. Có nhiều bài tập nhẹ để mẹ chọn lựa như bơi lội, thể dục nhịp điệu nhẹ, đi bộ, yoga dành cho bà bầu… và đừng quên tham khảo thêm ý kiến bác sĩ trước khi tập.
Khi đã quen với việc tập luyện, bạn có thể tăng cường độ bài tập lên mức trung bình, cẩn thận tránh tập quá sức. Hoạt động với cường độ trung bình nhằm duy trì mức đường trong máu ổn định. Cường độ hoạt động “trung bình” có nghĩa là mức hoạt động đủ làm tăng nhẹ hơi thở và nhịp tim ghi nhận được.
Mẹ cũng cần lưu ý là đường huyết có thể xuống nhanh trong quá trình tập. Vì vậy, mẹ có thể “thủ” sẵn vài viên đường thuốc hoặc kẹo cứng để đưa đường huyết lên mức ổn định nếu cần thiết. Ăn một ít trái cây ngọt trước khi tập cũng giữ cho đường huyết của mẹ không bị tụt quá thấp.
Điều trị bằng insulin
Người mẹ cần tiêm insulin nếu đường máu tăng quá mức cho phép dù đã thay đổi chế độ dinh dưỡng, luyện tập. Tiêm insulin là giải pháp hỗ trợ cho mẹ bầu ổn định đường huyết mà không gây nguy hiểm cho thai nhi. Bởi, chất nội tiết này không đi qua nhau nên không thể truyền từ cơ thể người mẹ sang bào thai. Nhưng không vì thế, người mẹ chủ quan bỏ qua chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh.
Insulin được đưa vào cơ thể bằng cách tiêm dưới da. Mẹ cần tiêm vài mũi mỗi ngày. Bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ liều tiêm, thời gian tiêm và cách tự tiêm insulin tại nhà. Nếu cảm thấy lo lắng về việc phải tự tiêm cho mình, mẹ có thể trao đổi với bác sĩ. Bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc điều trị tiểu đường thai kỳ khác cho mẹ.