Đái tháo đường thai kỳ chiếm tỷ lệ không cao. Chỉ có khoảng 3-10% bà mẹ mang thai bị đái tháo đường thai kỳ. Song khi bệnh ở mức độ nặng, nó có thể gây ra nhiều biến chứng khác nhau và ảnh hưởng tới cả mẹ và con.
Nguy cơ cho bầu và bé
Cũng như các dạng bệnh tiểu đường khác, tiểu đường thai kỳ cũng rất nguy hiểm đối với người mẹ và thai nhi. Khi mắc tiểu đường trong giai đoạn mang thai, người mẹ có thể sẽ tăng nguy cơ nhiễm độc thai nghén và nguy cơ tái phát tiểu đường cho lần mang thai tiếp theo.
Ngoài ra, người mẹ còn gặp phải một số các chứng bệnh nguy hiểm như: Cao huyết áp, giảm thị lực và bệnh lý võng mạc, bệnh lý mạch vành, nhiễm nấm sinh dục, nhiễm trùng tiết niệu…
Nếu bệnh không được phát hiện kịp thời và chữa trị bệnh tiểu đường dứt điểm thì có thể sẽ gây ra sảy thai, lưu thai, thai nhi bị dị tật, hay khó sinh do em bé có trong lượng lớn, có thể bị đẻ non, em bé không sống được…
Bản thân em bé cũng bị ảnh hưởng không kém. Em bé có thể dễ bị ngạt, bị vàng da, suy hô hấp, rối loạn chuyển hóa sơ sinh…
Bệnh tiểu đường thai kỳ không chỉ ảnh hưởng đến người mẹ và em bé trong thời điểm mang bầu mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe về sau. Cả mẹ và bé đều có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường sau này. Những đứa trẻ sinh ra bình thường nhưng cũng có rất nhiều nguy có bị thừa cân, béo phì.
Điều trị thế nào?
Nếu như bà mẹ bị đái tháo đường trước mang thai thì nhất thiết phải điều trị và kiểm soát đường huyết tốt. Điều trị bằng thuốc hay bằng liệu pháp dinh dưỡng là do bác sĩ chỉ định và do thể bệnh của bệnh nhân. Chỉ biết rằng bạn hãy kết thúc quá trình điều trị bằng thuốc trước 1 tháng so với thời điểm quyết định mang thai. Vì một số thuốc điều trị được coi là không an toàn với thai nhi.
Nếu như bầu bị đái tháo đường nhưng không phát hiện đến khi mang thai mới chẩn đoán ra thì việc điều trị hay không là tuỳ thuộc vào mức độ bệnh. Nếu như bà mẹ bị đe doạ bởi các nguy cơ cấp tính của đái tháo đường thì nhất định phải can thiệp. Vì khi đó tai biến tới tính mạng còn nguy hại hơn với tai biến do thuốc gây ra. Song nếu như nồng độ đường máu không cao (dưới 15mmol/l) thì có thể chưa cần can thiệp. Liệu pháp dinh dưỡng có thể cải thiện tình hình.
Nếu như bà mẹ mang thai rồi mới bị đái tháo đường thì thông thường mức độ đường máu không cao. Các biến chứng của bệnh đái tháo đường khó xảy ra. Cho nên việc điều trị có thể không cần tính đến. Song các biến chứng từ đái tháo đường trên thai kỳ thì dễ xảy ra. Đánh giá đúng và đầy đủ sức khoẻ thai kỳ sẽ quyết định lựa chọn giải pháp điều trị hay là không.
Phòng ngừa đái tháo đường thai kì.
– Chế độ ăn: Bầu cần chú ý đến chế độ ăn uống tẩm bổ, không nên tẩm bổ quá nhiều dẫn đến thừa chất. Không nên để tăng cân quá nhiều trong thời kỳ mang bầu. Một chế độ ăn hợp lý phải đảm bảo đủ các thành phần đạm, tinh bột, chất sắt, chất xơ, các vitamin…Ngoài ra nên thường xuyên theo dõi chỉ số đường huyết để kiểm soát và duy trì ổn định.
– Khám thường xuyên: Bệnh tiểu đường thai kỳ thường được phát hiện và chẩn đoán vào tuần thứ 24 – 28 của thai kỳ. Do đó việc khám thai thường xuyên là rất cần thiết để theo dõi tình trạng sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi. Mẹ bầu nên đi khám vào khoảng thời gian từ tuần 24 đến tuần thứ 28 của thai kỳ để sớm phát hiện mầm bệnh.
– Xem tiền sử bệnh: Nếu bầu đã có tiền sử bị bệnh tiểu đường hoặc gia đình có người bị tiểu đường thì nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và tư vấn trước tuần thứ 24 của thai kỳ và khám lại vào tuần thứ 30 – 32. Để kết quả chính xác nhất, trước khi đi kiểm tra xét nghiệm, bầu nên ăn uống như bình thường và kết thúc bữa tối hôm trước lúc 20h để sáng hôm sau nhịn ăn sáng làm xét nghiệm.
– Thường xuyên vận động: Các bà bầu cũng đừng quên thường xuyên vận động trong quá trình mang thai để vừa tốt cho mẹ lại vừa tốt cho thai nhi. Vận động và luyện tập các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga sẽ giúp ổn định lượng đường trong máu.