1. Quy trình thu chi minh bạch!
Đừng tưởng đã là vợ chồng thì… sao cũng được! Có thể không nói ra, nhưng bất kỳ người vợ/người chồng nào cũng cảm thấy “ngột ngạt” nếu không biết khoản tiền mình đã đóng góp… đi đâu về đâu! Hãy bàn bạc để ngay từ đầu, trong gia đình có một cuốn sổ chi tiêu (hoặc một phần mềm chi tiêu, nếu cả hai đều sử dụng tốt máy vi tính). Với sổ chi tiêu này, bạn cùng người bạn đời lên kế hoạch rõ ràng những gì cần mua sắm. Ví dụ: Bạn cần để dành bao nhiêu cho việc mua nhà, bao nhiêu cho việc mua xe…
Bên cạnh đó là các khoản đóng góp cho bố mẹ hai bên gia đình (nếu có). Các khoản còn lại như ăn uống, quà cáp, tiệc tùng, bạn cũng nên ghi rõ vào và bàn bạc với nhau.
2. Tôn trọng và luôn để mỗi người có một “khoản riêng”!
Nhiều bà vợ cực kỳ “căng thẳng” chuyện này, luôn nghĩ rằng đàn ông có “khoản riêng” thì… dễ sinh tật. Thực tế không phải vậy. Bất kỳ ai, bên cạnh khoản đóng góp chung của gia đình đều cần một khoản riêng ở mức phù hợp để chi dụng một số thứ mang tính cá nhân. Việc có khoản riêng công khai sẽ giúp tránh được chuyện bị “ép” quá phải… lén lập “quỹ đen”. Nó cũng khiến cuộc sống của hai vợ chồng thoải mái, không thấy bó buộc quá mức.
Nên thảo luận với nhau để thống nhất mức này và bạn (đặc biệt là các bà vợ) không nên “can thiệp” hay “dò xét” rằng người kia đã… dùng khoản tiền riêng này vào những việc gì. Khi có sự tôn trọng và tin cậy, tự khắc mọi thứ sẽ trở nên rất dễ chịu.
3. Đừng tranh luận chuyện tiền bạc vào những thời điểm căng thẳng trong ngày!
Thời điểm “căng thẳng” là các bữa cơm, khi mới đi làm về. Nên tuyệt đối tránh đề cập đến những “bức xúc” của bạn về chi thu trong những lúc này. Hãy chọn lúc cả hai đều đã bớt mệt (với việc nhà và với công việc ở công ty). Nói chuyện với nhau về tiền bạc nên thẳng thắn nhưng khéo léo và nhẹ nhàng. Nếu bạn có khả năng “hài hước”, hãy làm thoải mái không khí bằng cách nói chuyện hóm hỉnh và vui vẻ.
4. Công bằng trong cách thu chi…
Công bằng không có nghĩa là… mọi thứ chia đôi! Rất hiếm cặp vợ chồng có khoản thu nhập của vợ và chồng đều nhau. Tuy nhiên, đừng bao giờ “cậy” mình là người có thu nhập cao hơn để “toàn quyền quyết định” hoặc tỏ ra “lấn lướt” với người bạn đời. Công bằng thu chi nghĩa là cả hai đều có tinh thần trách nhiệm với những khoản chung của gia đình tùy theo điều kiện mỗi người có được. Ví dụ một người vợ thu nhập ít nhưng vẫn nên có động tác “đóng góp” tùy thuộc vào khả năng. Người chồng cũng hãy tôn trọng khoản đóng góp (dù ít hơn) đó thay vì coi thường, cho là “chẳng đáng bao nhiêu”. Cũng đừng bao giờ quan niệm, chỉ có người chồng (hoặc người có thu nhập… cao ngất) mới có trách nhiệm lo lắng việc chi tiêu trong nhà. Cuộc sống vợ chồng là sự kết hợp giữa nhiều mặt, kể cả tiền bạc.
5. Luôn luôn có khoản dành dụm riêng cho con!
Trẻ con rất dễ đau ốm lặt vặt và rất dễ làm phát sinh những khoản chi “không ngờ” trong cuộc sống gia đình bạn. Để tránh cả hai vợ chồng “hục hặc” nhau vì những thiếu trước hụt sau bất ngờ này, ngay từ khi quyết định chung sống, bạn nên bàn bạc với người bạn đời và có hẳn một tài khoản riêng dành cho con. Khoản dành dụm này sẽ khiến bạn luôn có trách nhiệm với gia đình và sẽ giúp cho việc nuôi dạy con trở nên dễ dàng hơn rất nhiều sau đó…