Mẹ&Con – Theo bạn, trước khi bắt đầu quá trình làm mẹ, chị em phụ nữ cần phải chuẩn bị những gì về mặt sức khỏe? Trên thực tế thì có rất nhiều yếu tố cần chuẩn bị, nhưng câu trả lời đầu tiên là tiêm phòng trước khi mang thai, bạn nhé. Vì sao lại như thế?

Vì sao cần phải tiêm phòng trước khi mang thai?

Trong quá trình mang thai, người mẹ phải gánh chịu nhiều sự thay đổi của cơ thể do tác động của các loại hóc môn. Những xáo trộn này là một thử thách cho hệ miễn dịch. Chính vì vậy, chúng hoạt động kém hơn bình thường và làm cho mẹ bầu dễ nhiễm bệnh. Với một số bệnh thông thường, mẹ bầu chỉ cảm thấy khó chịu và mệt mỏi. Tuy nhiên, với một số bệnh đặc biệt, chúng sẽ gây ra nhiều nguy hiểm cho sức khỏe của mẹ.

Không những thế, trong giai đoạn này, sức khỏe của mẹ và bé có một mối liên hệ đặc biệt với nhau. Nếu mẹ bị nhiễm bệnh thì nhiều khả năng bé cũng bị lây truyền do các mầm bệnh thường rất nhỏ, có thể truyền sang nhau thai đi vào cơ thể bé gây nhiều biến chứng nguy hiểm.

Để ngăn ngừa tình trạng này, các bác sĩ khuyên bạn nên chọn phương án tiêm phòng trước khi mang thai để thiết lập hàng rào bảo vệ chắc chắn cho sức khỏe của cả mẹ và con.

Tiêm phòng trước khi mang thai

Có nên tiêm phòng tất cả các bệnh?

Như bạn đã biết, vắc xin là một loại chế phẩm sinh học có khả năng giúp nâng cao sức đề kháng tự nhiên của cơ thể bằng khả năng nhận diện các tác nhân ấy xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ phát hiện ra và tấn công để tiêu diệt mầm bệnh.

Hiện tại, có 3 loại vắc xin được sử dụng phổ biến là vắc xin giảm độc lực, vắc xin bất hoạt và vắc xin tái tổ hợp. Tuy nhiên, trong các loại vắc xin này có những vắc xin hoàn toàn vô hại đối với thai nhi, nhưng cũng có loại gây ra một số tác hại nhất định và có cả loại không được phép dùng cho phụ nữ mang thai.

Do đó, không phải tất cả các loại vắc xin đều an toàn cho sức khỏe của thai nhi. Chính vì thế, trước khi quyết định tiêm phòng trước khi mang thai, bạn hãy tìm hiểu thật kỹ lưỡng qua những kênh thông tin chính thức và thông báo với nhân viên y tế về tình trạng sức khỏe để có được chỉ định đúng nhất.

3 nhóm vắc xin cơ bản

Nhóm vắc xin hoàn toàn vô hại đối với thai nhi như: vắc xin phòng uốn ván, viêm gan B, vắc xin phòng bại liệt bào chế từ những virut đã bất hoạt, vắc xin phòng cúm.

Nhóm những vắc xin có thể tiêm chủng trong một số hoàn cảnh bắt buộc như: vắc xin phòng bệnh tả, bệnh dại, bệnh sốt vàng.

Nhóm các vắc xin không được dùng cho các bà mẹ mang thai như: vắc xin phòng bại liệt dạng uống bào chế bằng vi rút giảm độc lực, vắc xin ho gà, bạch hầu, thương hàn, sởi, quai bị và lao (BCG).

Các loại vắc xin cần tiêm phòng trước khi mang thai

1. Rubella

Xuất hiện từ Latinh, rubella có nghĩa là “nốt đỏ nhỏ” hay còn gọi là “sởi Đức”, “sởi 3 ngày” do vi rút RNA thuộc nhóm Togavirus gây ra. Đây là một bệnh phát ban lành tính nhưng lại có khả năng gây nguy hiểm cho thai nhi. Bởi lẽ, 90% trường hợp mẹ bị nhiễm trùng Rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể bị sảy thai, thai nhi bị ảnh hưởng đến não, tim, tai và mắt hoặc gây nên dị tật bẩm sinh khi trẻ chào đời như chậm tăng trưởng, gan và lách to, thiếu máu, viêm xương, viêm não và màng não, tim bẩm sinh, mù, điếc, phát triển tâm thần bất thường…

Vắc xin này được bào chế từ vi rút sống làm giảm độc lực nên bạn cần tiêm phòng trước khi mang thai ít nhất là 3 tháng để bảo vệ mẹ và bé.

2. Sởi

Đây là một bệnh cấp tính do vi rút ARN thuộc chi Morbilivirus gây ra, có tên tiếng Anh là Measles hay Rubeola. Bệnh xả ra theo mùa, thường là đầu xuân và có khả năng lây lan thành dịch với tốc độ rất nhanh chóng.

Khi mắc bệnh sởi, mẹ bầu có thể bị bội nhiễm do hệ miễn dịch suy giảm, dẫn đến biến chứng viêm phổi, viêm đường tiết niệu… Tùy theo giai đoạn mẹ nhiễm sởi mà bệnh có ảnh hưởng đến thai nhi như sau:

  • 3 tháng đầu: Thai nhi có nguy cơ dị tật, bị sảy hoặc nhẹ cân khi sinh ra.
  • 3 tháng giữa: Tuy khả năng thai bị dị dạng ít hơn, nhưng vẫn có thể gây thai lưu, sảy thai.
  • 3 tháng cuối: Nguy cơ dị dạng không cao, nhưng cũng có thể gây đẻ non hoặc thai chết lưu.

Vì vắc xin sởi được bào chế từ vi khuẩn sống được làm giảm độc lực nên mẹ bầu cần tiêm phòng trước khi mang thai ít nhất là 3 tháng mới có khả năng tạo kháng thể ngăn ngừa bệnh.

Tiêm phòng trước khi mang thai

3. Quai bị

Bệnh quai bị còn có tên gọi khác là bệnh viêm tuyến mang tai dịch tễ hay viêm tuyến mang tai do vi rút quai bị, thường phát triển vào mùa đông, xuân và do một loại vi rút có tên là paramyxovirus gây nên. Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính và lây lan trực tiếp qua đường hô hấp.

Ở phụ nữ, bệnh quai bị có thể làm viêm nhiễm buồng trứng, phá hủy tế bào trứng, làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản với tỷ lệ là 7%. Trong giai đoạn mang thai, vi rút paramyxovirus có thể gây dị tật bẩm sinh, sinh non và thai chết lưu, đặc biệt là khi mẹ bầu bị nhiễm quai bị trong tam cá nguyệt thứ nhất và thứ ba của thai kỳ.

Với bệnh quai bị, thời điểm tốt nhất để tiêm phòng trước khi mang thai là 3 tháng.

Viêm gan siêu vi B

Theo kết quả thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong năm 2016, ước tính trên thế giới có khoảng 686.000 người chết vì biến chứng của bệnh này.

Viêm gan siêu vi B có thể lây truyền thông qua máu và dịch cơ thể. Chính vì thế, ở tam cá nguyệt thứ nhất, tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con là 1%. Nếu mẹ nhiễm bệnh ở tam cá nguyệt thứ 2, con sẽ có nguy cơ nhiễm bệnh là 10%. Tỷ lệ này sẽ tăng lên 60 – 70% nếu mẹ bị mắc bệnh ở tam cá nguyệt thứ 3. Khi chào đời, bé có nguy cơ nhiễm bệnh lên tới 90% nếu không có biện pháp bảo vệ và 50% số trẻ này sẽ bị viêm gan mạn tính và có nguy cơ bị xơ gan khi trưởng thành.

Khác với các loại vắc xin khác, nếu không hoàn thành 3 mũi tiêm trước khi mang thai, bạn có thể tiếp tục tiêm ngừa trong thời gian mang thai.

Cúm mùa

Đây là một trong những bệnh rất phổ biến ở Việt Nam và do nhiều loại vi rút gây ra. Biểu hiện của cúm rất đa dạng như: mệt mỏi, sốt cao, rét run, đau đầu, ho, nghẹt mũi, đau cơ bắp… Các triệu chứng này thường kéo dài từ 3-5 ngày, giảm dần và khỏi hẳn trong khoảng 5 – 10 ngày.

Với phụ nữ mang thai, cúm có thể gây nên những dị tật bẩm sinh cho thai nhi, sảy thai, sinh non… nhất là khi bạn mắc bệnh cúm giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất.

Để ngừa cúm, bạn nên tiêm phòng trước khi mang thai. Tuy nhiên, nếu không thể sắp xếp được, bạn hoàn toàn có thể tiêm phòng trong thai kỳ vì vắc xin ngừa cúm được chế tạo từ những vi rút đã chết nên rất an toàn cho mẹ bầu.

Uốn ván

Bệnh do trực khuẩn Clostridium gây ra và có tỷ lệ tử vong rất cao độc tố ngấm vào máu và tấn công các bản vận động thần kinh cơ, làm bệnh nhân co cứng cơ, co giật. Đặc biệt, bệnh rất nguy hiểm với mẹ bầu và trẻ sơ sinh. Bởi lẽ, trong thai kỳ, uốn ván có thể gây nên tình trạng thai chết lưu và có đến 95% trẻ sơ sinh tử vong khi mắc uốn ván.

Để tránh được bệnh uốn ván, các bác sĩ khuyên bạn nên thực hiện tiêm phòng uốn ván trong giai đoạn dậy thì hoặc tiêm phòng trước khi mang thai. Nếu không kịp, bạn có thể tiêm uốn ván từ tuần thứ 22 của thai kỳ và nhắc lại sau đó 1 tháng.

Những điều cần lưu ý khi tiêm phòng trước khi mang thai

Không được trì hoãn việc tiêm phòng

Khi đã có ý định mang thai, bạn và người bạn đời cần nhanh chóng bắt đầu việc tiêm phòng. Không nên chờ đến khi mang thai rồi mới tiêm hay trì hoãn việc tiêm phòng.

Chú ý thời gian quy định cho từng mũi tiêm

Mỗi mũi tiêm cần có khoảng thời gian nhất định mới được phép mang thai. Hầu hết là vào khoảng 3-6 tháng. Vì thế, khi tiêm phòng, bạn cần hỏi rõ về mũi tiêm và mốc thời gian chờ để có sự chuẩn bị phù hợp, tuyệt đối tránh thụ thai trong thời gian này.

Nếu thụ thai trong thời gian bị giới hạn

Lúc này, bạn cần liên lạc với các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và cho lời khuyên phù hợp nhất. Thông thường, bạn cần làm một số xét nghiệm để kiểm tra cho chính xác.

Theo dõi sau tiêm phòng từ 30 – 45 phút

Ngay sau khi tiêm phòng, bạn nên ở lại các cơ sở y tế khoảng 30 – 45 phút để theo dõi phản ứng của cơ thể.

Khi thấy mình hoàn toàn không có dấu hiệu sốc thuốc hay các biểu hiện bất thường khác thì bạn có thể ra về.

Bài viết liên quan