Con tôi 4 tháng tuổi, mới đi tiêm phòng về và cháu sốt, nôn ói, cho bú thì chỉ bú rất ít. Tôi rất lo lắng phải đưa cháu trở ngược lại bệnh viện, theo dõi, sau đó bác sĩ cho về bảo là không sao. Sắp tới theo lịch cháu lại phải tiêm phòng tiếp. Tôi không biết nếu tình trạng sức khỏe của cháu khi tiêm phòng lần trước có vẻ không tốt như vậy thì có nên đợi cho đến khi bé lớn hơn rồi mới tiêm phòng không? Vì thú thật tôi có xem một số tin tức, thấy có trường hợp trẻ tiêm phòng xong bị tử vong. Tôi lo lắm!
Trần Thị Ngọc Minh
(Quận 2)
Tiêm phòng là một biện pháp phòng bệnh hiệu quả bằng cách đưa vắc-xin vào cơ thể người chưa từng bị nhiễm bệnh và hệ thống miễn dịch còn nguyên vẹn để kích thích cơ thể sản xuất kháng thể chống lại vi sinh vật trước khi chúng gây bệnh. Vắc-xin là những chế phẩm được làm từ chính vi sinh vật (hoặc từ một phần cấu trúc) đã bị chết hoặc đã bị làm yếu đi, do đó vắc-xin không có khả năng gây bệnh cho bé.
Khi tiêm phòng, bé sẽ được bảo vệ, không mắc phải những căn bệnh nguy hiểm có thể gây tử vong cho bé. Không những thế, tiêm phòng còn giúp bảo vệ bạn và những người xung quanh bé không bị lây nhiễm căn bệnh đó.
Bạn không nói cháu tiêm phòng bệnh gì, nhưng với số tháng tuổi của cháu như bạn đã cung cấp trong thư (4 tháng tuổi) thì tôi đoán có thể cháu tiêm phòng viêm gan siêu vi B trước đó(?). Viêm gan siêu vi B sẽ tiêm 3 mũi vào lúc bé dưới 1 tháng tuổi, 2 và 4 tháng tuổi. Hầu hết các vắc-xin ngừa viêm gan siêu vi B đều rất an toàn. Chỉ một số ít các trường hợp mới gặp các phản ứng phụ như sốt nhẹ, đau và hơi ngứa chỗ tiêm (thường hết sau 1-2 ngày), nôn ói, chóng mặt, mệt mỏi, đau cơ sau khi tiêm.
Có một số trường hợp, trẻ sau khi tiêm phòng xuất hiện các phản ứng phụ như bé bị nổi mẩn đỏ, sưng nhẹ ở chỗ tiêm, sốt nhẹ, nhức đầu, đau cơ hoặc tiêu chảy nhẹ… Tuy nhiên, mẹ không nên quá lo lắng vì những phản ứng phụ này mà tránh luôn tiêm phòng cho con. Vì nếu chẳng may trẻ mắc bệnh thì bạn sẽ ân hận vô cùng.
Khi đưa trẻ đi tiêm phòng, nếu sức khỏe của trẻ không đảm bảo, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiêm. Không đưa bé đi tiêm phòng khi bé đang sốt, mắc bệnh nhiễm khuẩn cấp tính (viêm phổi, thương hàn, sởi…) hay đang trong thời kỳ hồi sức sau khi mắc các bệnh này; bé đang bị viêm da mủ (bệnh ngoài da, có mủ), hoặc bệnh chàm ngoài da, bé mắc bệnh mãn tính đang tiến triển như lao phổi tiến triển, tràn dịch (có nước) màng phổi và nhất là viêm thận mạn tính. Không tiêm phòng cho trẻ sinh non đang thiếu cân, các bé đang bị bệnh ngoài da lan rộng, đang tiến triển. Không nên tiêm cho bé bị viêm da có mủ, đang bị sốt trên 37,5 độ C, bị tiêu chảy, suy dinh dưỡng, bệnh tai mũi họng, viêm phổi, vàng da… Nếu sau khi tiêm phòng, gặp các phản ứng nặng như sốt cao, co giật, tím tái, cần lập tức đưa bé đến bệnh viện.