Mẹ và Con - Hiện Bộ Y tế đã cấp phép sử dụng thuốc Molnupiravir kháng virus Covid-19 cho các trường hợp F0 đang điều trị tại nhà. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng loại thuốc này.

Việc uống thuốc không đúng chỉ định, uống quá nhiều hoặc không đúng liều lượng không chỉ khiến bệnh không thuyên giảm mà còn để lại nhiều hậu quả khó lường. Do đó, các trường hợp F0 đang điều trị tại nhà muốn sử dụng thuốc Molnupiravir cần cẩn thận, tìm hiểu rõ hướng dẫn sử dụng để tránh xảy ra các hệ luỵ khác.

Cơ chế hoạt động của thuốc kháng virus

Sau khi xâm nhập được vào cơ thể, tế bào virus sẽ nhân bản một cách nhanh chóng trong cơ thể của chúng ta. Với thuốc kháng virus, quá trình sao chép và nhân bản của tế bào virus sẽ bị gián đoạn. Tùy theo loại thuốc mà cách hoạt động sẽ khác nhau. Chẳng hạn như thuốc Molnupiravir sẽ thay thế một số phần cần thiết trong quá trình nhân bản tế bào virus.

Tuy nhiên, nhìn chung tất cả các loại thuốc kháng virus đều ngăn sự nhân lên của virus để hệ miễn dịch có thể “chế ngự” các tế bào virus đang có một cách dễ dàng hơn.

Các loại thuốc điều trị COVID-19 đang được Bộ Y tế cấp phép (cập nhật ngày 05.03.2022)

Hiện nay, 3 thuốc chứa hoạt chất Molnupiravir sản xuất trong nước được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành bao gồm:

  • Molravir 400 của Công ty CP Dược phẩm Boston Việt Nam
  • Movinavir của Công ty CP hóa-dược phẩm Mekorpha
  • Molnupiravir Stella 400mg của Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm

Thuốc Molnupiravir là loại thuốc kháng virus SARS-CoV-2 do Hãng dược Merck & Co. (Mỹ) nghiên cứu và phát triển, có kết quả thử nghiệm lâm sàng khả quan, an toàn, có thể làm sạch virus SARS-CoV-2 ở bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ và vừa sau 5 ngày điều trị. Đặc biệt, thuốc Molnupiravir giúp giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tử vong ở bệnh nhân COVID-19.

Theo Ths. Nguyễn Quốc Thái – Chuyên gia bệnh truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), có thể được sử dụng để điều trị các trường hợp người trưởng thành có kết quả xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 dương tính, tình trạng bệnh ở mức độ nhẹ đến trung bình, có ít nhất một yếu tố nguy cơ làm bệnh tiến triển nặng.

thuốc Molnupiravir

Thuốc kháng virus có tác động đến lây truyền?

Với dữ liệu từ những nghiên cứu về thuốc kháng virus Molnupiravir, có thể thấy, người uống thuốc có dịch mũi chứa ít virus hơn những người không uống. Sau 5 ngày kể từ khi bắt đầu điều trị, không còn tìm thấy nồng độ virus hoặc tìm thấy rất ít virus trong dịch mũi của bệnh nhân. Điều này cũng đồng nghĩa với việc bệnh nhân ít có khả năng lây bệnh cho người khác.

Thuốc Molnupiravir có thể thay thế vắc xin không?

Dĩ nhiên, Molnupiravir không thể thay thế các loại vắc xin ngăn ngừa COVID-19 mà chỉ là thuốc kháng virus, được chỉ định sử dụng khi người bệnh đã dương tính với SARS-CoV-2.

Hướng dẫn sử dụng thuốc Molnupiravir

Là một loại thuốc kháng virus nhằm ngăn chặn sự nhân lên của virus, thuốc Molnupiravir cần được sử dụng ngay từ đầu khi mới nhiễm bệnh để làm chậm sự lây lan của dịch bệnh. Cụ thể, nên dùng với bệnh nhân có thời gian khởi phát triệu chứng dưới 5 ngày, sau 5 ngày thì không nên dùng.

Ngoài ra, không được sử dụng thuốc kháng virus COVID-19  Molnupiravirquá 5 ngày liên tiếp, không sử dụng để dự phòng sau hay trước phơi nhiễm để phòng COVID-19.

Các đối tượng nên sử dụng Molnupiravir

BS.CKII Nguyễn Trung Cấp – phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương chia sẻ về cách sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir trong bối cảnh  hiện nay thuốc đã được bán tại một số hiệu thuốc:

Nên ưu tiên sử dụng cho những người có bệnh nền, người cao tuổi và chưa tiêm vắc xin COVID-19. Không phải F0 nào cũng cần uống thuốc vì có đến khoảng 80-90% người đã tiêm vắc xin COVID-19 không cần điều trị cũng khỏi bởi nếu sức khỏe tốt, hệ miễn dịch có thể tự “chiến đấu” với virus. Điều này giúp hệ miễn dịch “trưởng thành” hơn, được rèn luyện để chống chọi với các biến chủng, không phụ thuộc vào thuốc.

Hơn nữa, việc uống tràn lan sẽ gây lãng phí và còn có thể để lại một số hậu quả khác.

Những đối tượng nào không nên sử dụng thuốc Molnupiravir?

Không phải đối tượng nào cũng phù hợp để sử dụng thuốc kháng virus COVID-19 Molnupiravir. Nếu bệnh nhân dương tính với COVID-19 nằm trong nhóm đối tượng dưới đây, không nên sử dụng thuốc Molnupiravir mà có thể áp dụng các biện pháp điều trị khác:

  • Phụ nữ mang thai: Phụ nữ có khả năng mang thai hoặc đang mang thai không được sử dụng Molnupiravir. Cụ thể, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần sử dụng biện pháp tránh thai an toàn hiệu quả trong thời gian dùng Molnupiravir điều trị và trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.
  • Phụ nữ đang cho con bú: Thuốc Molnupiravir có thể dẫn đến các phản ứng có hại cho trẻ sơ sinh, vì vậy phụ nữ không được cho con bú trong thời gian điều trị và ít nhất trong 4 ngày sau liều Molnupiravir cuối cùng.
  • Trẻ em và thanh thiếu niên: Trẻ dưới 18 tuổi cũng không được phép sử dụng thuốc Molnupiravir do loại thuốc kháng virus COVID-19 này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và sụn.
  • Người bị suy gan, suy thận: Dù nhóm đối tượng này vẫn có thể uống Monulpiravir nhưng cần dùng một cách thận trọng.

đối tượng nào không nên sử dụng thuốc Molnupiravir

Nhìn chung, việc sử sử dụng thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19 nên có sự chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua và sử dụng thuốc mà cần tuân theo đúng khi hướng dẫn, các giới hạn sử dụng và các cảnh báo, thận trọng của thuốc.

Đặc biệt, không được mua và sử dụng thuốc Molnupiravir hay các loại thuốc “điều trị COVID-19” trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên thị trường.

Tác dụng phụ của Molnupiravir

Trong suốt quá trình tác dụng của thuốc kháng virus đối với cơ thể, thuốc có thể ảnh hưởng đến sự trao đổi chất của tế bào chủ dẫn đến các tác dụng phụ không thể tránh khỏi.

Kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy, thuốc Molnupiravir cũng như các loại thuốc khác, có thể mang đến một số tác dụng phụ trên bệnh nhân đang dùng thuốc điều trị. Một số tác dụng phụ thường thấy của thuốc Molnupiravir có thể kể đến như tăng men gang, tiêu chảy, buồn nôn, chóng mặt,…

Không chỉ vậy, do thuốc Molnupiravir hoạt động bằng cách đưa các đột biến gene vào trong virus RNA dẫn đến đột biến DNA của tế bào. Vì vậy, thuốc có thể dẫn đến trẻ sơ sinh sau khi sinh ra bị dị tật bẩm sinh.

Molnupiravir gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của nam giới?

Nhiều thông tin cho rằng, thuốc Molnupiravir có thể “gây vô sinh”. Liệu thông tin này có đúng hay không?

Cụ thể, Molnupiravir có thể ảnh hưởng đến tinh trùng. Tuy nhiên, rủi ro này có tỉ lệ rất thấp. Nhưng để tránh khỏi các tác dụng phụ khi sử dụng thuốc, nam giới hoạt động tình dục với phụ nữ có khả năng sinh sản cần sử dụng biện pháp tránh thai trong thời gian sử dụng thuốc điều trị và 3 tháng sau liều Molnupiravir cuối cùng.

Xem thêm: Đừng chủ quan với hội chứng hậu COVID-19!

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Molnupiravir

Với tâm lý thuốc có thể điều trị COVID-19, nhiều người đã sử dụng Molnupiravir một cách vô tội vạ. Điều này có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tiền mất, tật mang, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người dùng.

Trước khi dùng thuốc, nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ để xem mình có thuộc nhóm chống chỉ định hay không, liều lượng sử dụng như thế nào. Ngoài ra, nên mua thuốc tại các Nhà thuốc được cấp phép, không mua và sử dụng các loại thuốc trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, không nên tích trữ thuốc để tránh tình trạng thuốc “cháy hàng”, không có để sử dụng cho các trường hợp cấp thiết hay tạo cơ hội cho kẻ gian lợi dụng tăng giá.

Người dân cũng không nên hoang mang, tin vào các thông tin như thuốc Molnupiravir có thể gây vô sinh để tránh hoang mang, ảnh hưởng đến tâm lý khi điều trị bệnh.

Hy vọng qua những thông tin mà Mẹ và Con chia sẻ trên đây, bạn có thể yên tâm hơn khi sử dụng thuốc Molnupiravir cũng như sử dụng thuốc đúng cách. Chúc bạn và gia đình luôn vui khỏe, bạn nhé!

(Tổng hợp)

Bài viết liên quan