Khi bị đau đầu, người bệnh sẽ cảm thấy cơn đau diễn ra ở nhiều mức độ, từ âm ỉ đến đau buốt. Cơn đau đầu cũng có thể lan tỏa khắp vùng đầu hoặc chỉ đau ở một vị trí nhất định. Khi đau đầu, nếu cơn đau nhẹ bạn có thể sử dụng các loại thuốc đau đầu không kê đơn để cơn đau thuyên giảm nhanh chóng, không gây bất tiện trong sinh hoạt.
Thuốc đau đầu là gì?
Có 2 nhóm đau đầu chính:
- Đau đầu nguyên phát: Hầu hết các cơn đau đầu đều là đau đầu nguyên phát, chẳng hạn như đau nửa đầu, đau đầu từng cụm, đau đầu do căng cơ, uống rượu đau đầu… Đau đầu nguyên phát không phải cơn đau do tổn thương cấu trúc não mà xuất phát từ nguyên nhân không thực thể.
- Đau đầu thứ phát: Tỷ lệ người mắc bệnh chưa đến 10%, thường do chấn thương não hoặc các bệnh lý ở não bộ và các bộ phận khác trên cơ thể như chấn thương sọ não, u não, bệnh tim mạch,…
Thuốc đau đầu là nhóm các loại thuốc giảm đau được sử dụng để điều trị đau đầu hoặc phòng ngừa đau đầu. Các loại thuốc không chỉ giúp giảm đau đầu mà còn khắc phục những triệu chứng thường gặp khi đau đầu và ngăn chặn triệu chứng sau cơn đau đầu. Ngoài ra còn có thuốc phòng ngừa đau đầu.
Thuốc đau đầu được chia làm 2 nhóm chính là loại thuốc không kê đơn, tự dùng được tại nhà và thuốc có kê đơn, phải có chỉ định của bác sĩ thì mới có thể sử dụng. Tùy theo mức độ cơn đau và nguyên nhân gây đau đầu mà bạn sử dụng những loại thuốc khác nhau.
4 nhóm thuốc đau đầu không kê đơn phổ biến
Nhức đầu uống thuốc gì? Với những cơn đau đầu nhẹ, không quá nghiêm trọng thì có thể sử dụng các loại thuốc nhức đầu không kê đơn. Nhóm thuốc này bao gồm:
Aspirin
Tại Việt Nam, Aspirin thường có ở dạng gói bột hòa tan hoặc dạng viên nén. Thuốc đau đầu Aspirin giúp giảm đau, hạ sốt, giảm viêm và được dùng từ 1-2 viên 300mg mỗi lần uống và sử dụng cách nhau mỗi 4-6 giờ.
Cần lưu ý không cho trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng Aspirin để tránh các tác dụng phụ như hội chứng Reye, chảy máu đường tiêu hóa, buồn nôn, đau dạ dày, ù tai, giảm thính lực,…
Acetaminophen (Paracetamol, Panadol)
Acetaminophen thường có trong các loại thuốc đau đầu như Paracetamol, Panadol, có tác dụng với những cơn đau đầu nhẹ đến trung bình. Sau khi uống thuốc, cơn đau đầu bắt đầu giảm trong vòng 2 giờ. Nhóm thuốc Acetaminophen thường có ở dạng sủi, viên nén, viên con nhộng. Ngoài tác dụng giảm đau đầu thì còn có thể giúp hạ sốt.
Thuốc ít có tác dụng phụ và được xếp vào nhóm thuốc giảm đau đầu an toàn nhất. Khi dùng thuốc, cần nhớ người lớn chỉ được dùng 1-2 viên 500mg và trong 24 giờ không uống quá bốn lần, mỗi lần cách nhau tối thiểu 4 tiếng.
Ibuprofen (nhóm NSAID)
Ibuprofen là nhóm thuốc đau đầu thường được sử dụng để điều trị cơn đầu do căng thẳng và giúp làm giảm các triệu chứng viêm. Bạn có thể mua Ibuprofen dạng gel bôi ngoài da, viên sủi, viên nén hoặc viên con nhộng,… Mỗi lần sử dụng sẽ uống 1-2 viên 200mg và cách nhau tối thiểu 6 giờ. Một số trường hợp đau đầu nghiêm trọng thì có thể dùng Ibuprofen ở liều 800mg nhưng cần có chỉ định của bác sĩ.
Khi sử dụng Ibuprofen, cơn đau đầu sẽ nhanh chóng được loại bỏ. Tuy nhiên, Ibuprofen cũng gây nên nhiều tác dụng phụ như mệt mỏi, tiêu lỏng, buồn nôn, đau dạ dày,… Tuyệt đối không dùng thuốc đau đầu Ibuprofen cho phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 3 tháng tuổi.
Naproxen (nhóm NSAID)
Một nhóm thuốc giảm đau đầu khác cũng rất phổ biến chính là Naproxen, có ở dạng viên sủi, viên cứng, viên con nhộng và dạng gel. Naproxen chỉ được sử dụng khi có những cơn đau đầu ở mức độ trung bình và phải uống cách tối thiểu 8 giờ. Phụ nữ đang mang thai, phụ nữ đang cho con bú hoặc đang cố gắng thụ thai sẽ chống chỉ định sử dụng nhóm thuốc đau đầu này.
Ngoài các thuốc đau đầu không kê đơn thì còn có thuốc trị đau đầu không theo toa như Etodolac (Lodine), Indomethacin (Indocin), Oxaprozin (Daypro), Nabumetone (Relafen), Diclofenac (Cataflam),… Để sử dụng các loại thuốc này thì cần có chỉ định của bác sĩ.
Tác dụng phụ của thuốc giảm đau đầu
Các loại thuốc đau đầu có thể làm giảm cơn đau hiệu quả. Tuy nhiên, người dùng thuốc sai cách, lạm dụng thuốc có thể dẫn đến tình trạng phụ thuộc vào thuốc và khiến cơn đau đầu nghiêm trọng hơn, lặp lại thường xuyên hơn. Không chỉ vậy, việc dùng thuốc đau đầu liên tục trong một thời gian dài có thể ảnh hưởng đến chức năng của não bộ, khiến não phát ra sai tín hiệu cơn đau và làm cho bạn cảm thấy đau liên tục.
Hơn nữa, bạn cũng có nguy cơ phụ thuộc vào thuốc, lúc nào cũng phải dùng thuốc thì mới cảm thấy cơn đau được thuyên giảm. Một số trường hợp dùng thuốc đau đầu quá nhiều sẽ bị lờn thuốc, làm giảm hiệu quả điều trị đau đầu của thuốc.
Hơn nữa, các loại thuốc đau đầu còn có thể gây ra tác dụng phụ như ợ nóng, ợ chua, chóng mặt, đau tức ngực, đau hàm, căng cơ, tê tay chân, phát ban, ngứa ngáy, tâm trạng thay đổi,…
Lưu ý khi dùng thuốc trị đau đầu không kê đơn
Khi sử dụng thuốc đau đầu, cần lưu ý:
- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của thuốc, uống đúng liều lượng chỉ định để thuốc phát huy tối đa tác dụng và hạn chế tác dụng phụ không mong muốn.
- Không lạm dụng thuốc, uống thuốc nhiều hơn liều lượng từ nhà sản xuất.
- Với phụ nữ mang thai, đang cho con bú hoặc trẻ em thì tốt nhất không nên tự ý uống thuốc mà nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
- Trong quá trình dùng thuốc, nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào xảy ra thì nên lập tức ngưng thuốc. Sau khi ngừng thuốc, nếu các triệu chứng không thuyên giảm thì nên đến cơ sở y tế để được kiểm tra sức khỏe.
Cách giảm đau đầu không dùng thuốc
Khi bị đau đầu, bên cạnh việc dùng thuốc đau đầu thì bạn có thể áp dụng một số mẹo để khắc phục cơn đau, giúp cơn đau thuyên giảm nhanh chóng hơn. Một số cách giảm đau đầu không dùng thuốc mang lại hiệu quả đẩy lùi cơn đau gồm có:
- Uống cà phê (với liều lượng thấp)
- Chườm nóng/lạnh
- Uống nhiều nước
- Bổ sung vitamin nhóm B
- Nằm nghỉ ngơi ở môi trường yên tĩnh, không gian tối
- Ăn một lát gừng
- Massage vùng đầu – cổ – vai – gáy hoặc bấm huyệt
- Sử dụng các loại tinh dầu thiên nhiên
- Ăn thực phẩm giúp bổ sung magie
- Tránh các thực phẩm hay vật dụng có mùi
- Tránh thực phẩm gây đau đầu chứa nhiều histamin
Nhìn chung, thuốc đau đầu không kê đơn chỉ có tác dụng giảm đau tức thời cho những cơn đau nhẹ. Nếu bị đau đầu liên tục và cơn đau nghiêm trọng thì không nên chủ quan mà cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị.