Mẹ&Con - Đang sử dụng một biện pháp “kế hoạch” như đặt vòng tránh thai, uống thuốc tránh thai hằng ngày hoặc thuốc tránh thai khẩn cấp, bạn bỗng dưng… “chết đứng” khi phát hiện một mầm sống mới vẫn hình thành! Con đến, vào thời điểm bất ngờ như thế, liệu có gặp phải những bất thường trong quá trình phát triển? Làm sao vượt qua nỗi sợ hãi gần chồng sau khi sinh con? Những cách tránh thai dễ gây 'vỡ kế hoạch' Những lí do ngộ nghĩnh để sinh con gái

Sao đã “kế hoạch” vẫn… mang thai?

Trước tiên, phải nói rằng cho đến hiện tại, vẫn chưa có biện pháp tránh thai nào được các nhà khoa học, các bác sĩ “vỗ ngực tự tin” là có thể tránh thai 100%. Trên thực tế, mọi biện pháp tránh thai dù hiệu quả cao đến đâu vẫn có một tỷ lệ nhỏ (từ 1-5%) “thất bại”, vì nhiều nguyên nhân khác nhau như chất lượng “sản phẩm” (thuốc/vòng tránh thai/miếng dán tránh thai…), cách sử dụng đúng chưa, có quên thuốc ngày nào không, có vô tình ăn uống các loại thuốc/các chất gì khác làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai đang uống hay không…

Thủng lưới khi đang... dùng biện pháp tránh thai! 5

Điều này nghĩa là ngay cả khi bạn đã “đề cao cảnh giác”, bạn vẫn có thể vô tình bị… “thủng lưới” một cách bất ngờ! Đơn giản như nói chuyện chiếc vòng tránh thai. Vòng tránh thai là một vật rất nhỏ được chế tác từ nhựa, kim loại, được đặt trong tử cung có thể ngăn chặn tinh trùng và trứng hợp vào nhau. Bác sĩ thông qua âm đạo đẩy vòng tránh thai vào trong tử cung. Tuy nhiên, vòng được đưa vào tử cung vẫn có thể tuột ra khi tử cung quá to hoặc quá nhỏ. Một số trường hợp khác như sa tử cung, cổ tử cung bị tổn thương khi đặt vòng cũng dễ bị tuột. Bên cạnh đó, vòng còn có thể bị biến dạng làm mất tác dụng mà người phụ nữ vẫn không hề biết. Lúc này, bạn có thể rơi vào tỉ lệ ít ỏi phụ nữ đã đặt vòng nhưng vẫn… có thai ngoài ý muốn.

Có nên giữ con trong trường hợp ấy?

Nếu điều kiện sức khỏe, kinh tế hoàn cảnh gia đình quá ngặt nghèo, đặc biệt trong trường hợp bạn chưa đủ thời gian hồi phục sau lần sinh nở trước, dễ gây nguy hiểm đến cả mẹ và thai nhi, thì việc nói lời chia tay với bào thai “ngoài kế hoạch” lúc này là điều bạn cần nghĩ đến.

Trường hợp nếu bạn thật sự muốn giữ thai nhi lại, vấn đề quan trọng nhất được đặt ra lúc này là: Liệu mầm sống được “tạo dựng” trong điều kiện như thế có thể phát triển bình thường? Các ảnh hưởng từ thuốc tránh thai, miếng dán tránh thai, vòng tránh thai… có gây hại cho quá trình phát triển của thai nhi?

Để có được câu trả lời, trước tiên bạn cần xem lại biện pháp tránh thai mình đang sử dụng (và bị “vỡ kế hoạch”) là gì.

Thủng lưới khi đang... dùng biện pháp tránh thai! 6

1. Nếu bạn đã uống thuốc tránh thai khẩn cấp

Thuốc tránh thai khẩn cấp ngăn ngừa mang thai nhờ tác động bằng cách ngăn chặn sự rụng trứng và sự thụ tinh, cản trở sự làm tổ của trứng đã thụ tinh. Thuốc không có tác dụng một khi trứng đã thụ tinh và làm tổ.

May mắn là nếu dùng thuốc tránh thai dạng khẩn cấp khi đang có thai (không biết mình có thai nên vẫn uống thuốc một vài viên; hoặc đã uống thuốc nhưng sau đó vẫn có thai), thì tác dụng của thuốc hầu như rất ít ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Cho đến thời điểm hiện nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy thuốc ngừa thai khẩn cấp có thể gây sẩy thai hoặc có những tác động xấu lên quá trình tăng trưởng và phát triển của thai đã được hình thành.

Do đó, trong trường hợp này, bạn vẫn có thể giữ thai sau khi lỡ dùng thuốc tránh thai khẩn cấp. Tuy nhiên, tốt nhất bạn vẫn cần trao đổi với bác sĩ và theo dõi thai kỳ để biết rõ về tình trạng và sự phát triển của thai nhi. Đặc biệt, vào những thời điểm 11-13 tuần, 18-22 tuần cần thực hiện đầy đủ các sàng lọc bệnh lý thai nhi.

Bạn cần biết

Nếu đã uống thuốc tránh thai hằng ngày mà vẫn có thai, về nguyên tắc, trong 3 tháng đầu, bạn nên cân nhắc thật kỹ quyết định có muốn giữ thai lại hay không. Có nhiều quan điểm trái chiều của các nhà khoa học và các bác sĩ về vấn đề này. Theo lý thuyết, các thành phần tổng hợp (progestin) trong thuốc tránh thai dạng viên uống hằng ngày có thể ảnh hưởng ít nhiều đến thai nhi. Tuy nhiên một số nghiên cứu gần đây lại cho thấy chưa có bằng chứng thật sự rõ ràng để kết luận chính thuốc ngừa thai dạng viên uống hằng ngày là “thủ phạm” đã gây hại đến em bé.

Quyết định trong trường hợp này vẫn là của bạn và gia đình. Tuy nhiên, nếu giữ thai, như đã nói, bạn cần theo dõi thật chặt chẽ thai kỳ của mình, thực hiện đầy đủ các tầm soát để sớm phát hiện những bất thường nếu có.

2. Nếu bạn đã uống thuốc tránh thai dạng viên uống hằng ngày

Thuốc ngừa thai (dạng viên uống hàng ngày) là một hình thức tránh thai phổ biến và tương đối dễ sử dụng. Tuy nhiên, điều bất tiện là chúng cần uống đều đặn mỗi ngày. Nếu quên một vài ngày trong quá trình uống, việc “lên hai vạch” hoàn toàn có thể xảy ra.

Việc có thai xảy ra trong trường hợp này gây nhiều lo lắng hơn. Vì cơ chế tác dụng của thuốc tránh thai là ức chế hoạt động của buồng trứng, ngăn không cho trứng trưởng thành và rụng ra hàng tháng. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng làm mỏng niêm mạc tử cung, khiến cho kinh nguyệt thường ít hơn bình thường. Do vậy, nếu có thai ngay trong quá trình đang dùng thuốc liên tục, có khả năng niêm mạc tử cung chưa hồi phục lại như trước, khiến phôi thai dễ bị sẩy ra ngoài.

Thủng lưới khi đang... dùng biện pháp tránh thai! 7

Thuốc tránh thai hằng ngày có thể mất tác dụng khi…

– Uống thuốc không đều đặn hằng ngày, khi nhớ khi quên.

– Uống thuốc không đúng giờ cố định mỗi ngày.

– Uống thuốc khác cùng thuốc tránh thai, dẫn đến vô tình làm mất tác dụng của thuốc.

– Uống thuốc tránh thai kèm thảo dược, thuốc Nam, thuốc Bắc…

– Uống thuốc hết hạn sử dụng hoặc thuốc có chế độ bảo quản không tốt (bị ánh mặt trời chiếu trực tiếp vào nhiều ngày, cất ở nơi nóng bức…).

3. Nếu bạn đang đặt vòng tránh thai

Vòng tránh thai là một trong những phương pháp tránh thai tạm thời, thường được dùng rộng rãi ở những nước đang phát triển vì đơn giản, rẻ tiền và hiệu quả. Vòng tránh thai là một dụng cụ nhỏ (thường có hình chữ T) được đặt vào lòng tử cung tạo nên hiệu quả tránh thai kéo dài nhiều năm. Vòng tránh thai có thể được quấn đồng hoặc không, để làm tăng hiệu quả ngừa thai. Hiện tại dụng cụ tử cung hiện đại nhất là loại vòng có chứa nội tiết progestin được phóng thích dần dần tạo hiệu quả tránh thai rất cao.

Cơ chế tác dụng chính của dụng cụ tử cung là gây ra phản ứng viêm tại niêm mạc tử cung, làm thay đổi về sinh hóa tế bào nội mạc và không tạo điều kiện thuận lợi để trứng thụ tinh làm tổ.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng có khoảng 2-5% người đặt sẽ bị rơi vòng tránh thai trong 3 tháng đầu sau đặt. Nếu không phát hiện, nguy cơ có thai sẽ dễ xảy ra.

Trường hợp “ngoài ý muốn”, có thai trong lúc mang vòng tránh thai, lúc này việc bạn cần làm đầu tiên là khám trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ cần xác định tùy vào từng trường hợp xem có cần thiết tháo vòng ra hay không, có thể giữ thai hay không. Bạn cũng cần biết thêm rằng nếu bạn quyết định giữ lại thai trong trường hợp này, các bác sĩ sẽ phải theo dõi quá trình phát triển của thai nhi, vì có thể gặp phải những tình huống bất ngờ như sẩy thai, hỏng thai, thai chết lưu, rỉ ối, sinh non… do ảnh hưởng từ vòng tránh thai.

3 VIỆC MẸ NÊN LÀM KHI… “THỦNG LƯỚI”

1. Trao đổi cụ thể với bác sĩ

Nêu rõ tình trạng của mình (cho biết bạn “vỡ kế hoạch” khi đang sử dụng biện pháp tránh thai nào, bạn có mong muốn giữ con không…).

2. Kiểm tra chặt chẽ thai kỳ

Nếu quyết định giữ thai, bạn cần thực hiện quá trình theo dõi thai kỳ chặt chẽ hơn bình thường. Làm đầy đủ các xét nghiệm cần thiết để đảm bảo thai nhi phát triển bình thường, khỏe mạnh.

3. Gấp rút “bù đắp” cho thai nhi

Bạn mang thai trong tình trạng không hề có sự chuẩn bị đầy đủ về tâm lý, thể chất (có thể chưa chích ngừa đầy đủ, có thể đang mắc bệnh mạn tính hoặc thừa cân, thiếu dinh dưỡng…). Do đó, trong nhiều trường hợp, thai nhi không ảnh hưởng từ thuốc tránh thai hay vòng tránh thai nhưng lại ảnh hưởng từ chính sự thiếu chuẩn bị này. Nếu quyết định giữ thai, việc bạn cần làm là gấp rút kết hợp cùng bác sĩ, bổ sung dưỡng chất, tăng cường nghỉ ngơi, dành những sự chăm sóc tốt nhất cho thai nhi, để bé dễ dàng “bắt kịp” nhịp phát triển.

Theo sự tư vấn của ThS.BS. Nguyễn Thị Mỹ Phượng (BV Phụ Sản Mê Kông), BS. Dương Phương Mai (Khoa KHHGĐ – BV Từ Dũ)

Tags:

Bài viết liên quan