Mẹ&Con - Thật ra rất khó có một thực đơn mang tính căn bản để áp dụng cho tất cả các “bầu”. Nguyên nhân là hầu như mỗi người nghén mỗi kiểu khác nhau, thèm ăn và chán ăn một số món khiến đến bác sĩ cũng phải bất ngờ!

Thuc don cho bau bot nghen

(Ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tham khảo bài viết này, vì nó sẽ đưa ra một số gợi ý hữu ích cho chính bạn trong thời kỳ ốm nghén.

Thèm gì ăn nấy

Như đã nói, khẩu vị của bầu khi đang ốm nghén rất khác nhau. Khoảng 40% “bầu” thèm cái gì đó ngọt ngọt. Tiếp theo là những thức ăn mặn khoảng 33%. Số chị em nghén thèm các loại gia vị chiếm khoảng 17%. Số thèm các loại thức ăn chua chát như táo xanh, quýt chua chiếm khoảng 10%. Tuy nhiên, con số này chỉ mang tính tương đối. Rất nhiều “bầu” thèm một cách… lộn xộn, lúc thích cái này, lúc ngán cái kia.

Các bác sĩ lẫn nhiều nhà khoa học không giải thích được hiện tượng này. Đặc biệt, một số trường hợp “bầu” nghén một cách rất… kỳ lạ, thèm ăn những món “quái dị” mà bình thường không bao giờ đụng tới. Chẳng hạn như thèm độc một món nước sốt cà chua, thèm ăn đường, thèm chocolate, thèm khoai tây chiên, thậm chí là thèm… muối ớt!!! Về cơ bản, chỉ có thể khuyên bạn rằng thèm cái gì thì bạn cứ ăn cái đó, nhưng phải điều tiết để không gây hại cho sức khỏe của mình lẫn cho thai nhi trong bụng.

Chẳng hạn nếu bạn thèm muối ớt và chỉ ngon miệng khi ăn… muối ớt, cũng không hại gì nếu bạn cho thêm chút xíu muối ớt vào chén cơm của mình. Nhưng đừng chỉ ăn độc cơm với muối ớt, bạn sẽ thiếu chất ngay. Nên bổ sung thêm vào những món khác, cũng như phải ráng “kiềm hãm” bản thân, vì những món quá mặn, quá chua, quá ngọt… đều hoàn toàn không tốt cho sức khỏe của bạn và thai nhi khi “nạp” quá nhiều.

Điều lưu ý quan trọng nữa là nên tránh các yếu tố kích thích cơn ốm nghén trong quá trình nấu ăn và ăn. Vì có khi chính những mùi này sẽ khiến bạn buồn nôn liên tục, không ăn được. Cần mở cửa sổ thường xuyên hoặc dùng quạt hút mùi khi nấu nướng để loại bỏ các mùi thức ăn. Tránh thực phẩm béo ngậy, thực phẩm chiên xào, cay nóng… sẽ khiến bạn dễ gặp trạng thái buồn nôn hơn.

Khi bạn ở nơi làm việc, nên sắp xếp có một ít thức ăn nhẹ thường xuyên sau mỗi 2 giờ. Vì đói thường kèm theo cảm giác buồn nôn và ăn sẽ làm dịu biểu hiện khó chịu đó. Thức ăn không cần nhiều, chỉ cần ít bánh quy giòn, uống một cốc nước mát, ăn một ít quả khô là được. Vào bữa trưa, nếu có điều kiện nên chuẩn bị mang theo một “cà-mên” cơm cho mình, như thế sẽ chọn lọc được các món giúp bạn ít ngán, đỡ nghén hơn. Có thể ăn cơm, khoai tây, mì ít dầu mỡ, trứng luộc, ngũ cốc luộc, hấp. Một ít canh súp cũng sẽ giúp bạn ăn uống tốt hơn.

Có nhất định phải nạp “sữa bầu”?

Khá nhiều bà bầu cho biết, tình trạng nghén của họ càng nặng hơn mỗi khi nghe mùi sữa bầu. Những ly sữa bầu có vẻ như khó uống, uống vào nhiều thai phụ cảm thấy buồn nôn. Nhưng nghĩ đến việc mong cho con đủ chất, phát triển hoàn thiện, thông minh, nhiều “bầu” cố gắng… è ra uống. Uống vào vừa xong đã nôn, nhưng nôn rồi lại cố uống bù tiếp tục!

Song, thật ra không nhất thiết lúc nào cũng cần rập khuôn theo công thức 3 ly sữa bầu/ngày ấy. Sữa bầu được xem là rất tốt, vì thường được bổ sung nhiều chất cần thiết cho mẹ và thai nhi như canxi, sắt, axit folic, các loại vitamin… Đây là những chất dễ bị thiếu hụt khi bạn mang thai. Tuy nhiên, sữa bà bầu chỉ phát huy được tác dụng của nó với thai phụ có cơ địa dung nạp được sữa, uống sữa thấy ngon miệng, thể chất không béo phì, không thừa chất béo. Ngược lại, nó sẽ “phản tác dụng” ngay, thậm chí gây tâm lý ức chế, sợ hãi với những ai vốn cơ địa không thể dung nạp được sữa, uống sữa là bị đầy hơi, nôn, đi ngoài; uống quá nhiều thành ngán. Trong tình trạng đã ốm nghén, khó ăn, khó chịu với mùi sữa mà cứ ráng ép mình như thế, bạn chỉ nhận được tác dụng ngược mà thôi!

Nên nhớ rằng trong quá trình đang ốm nghén, bạn nên tìm cách chọn cho được những món khiến mình vừa ngon miệng vừa thật tốt cho thai nhi. Ví dụ như không uống được sữa bầu vì nghén, bạn có thể cung cấp canxi cho cơ thể bằng cách khác, thông qua việc ăn nhiều tôm tép, cua, ghẹ, một số loại rau cải nhiều canxi. Sữa chua cũng là một chế phẩm làm từ sữa, có hàm lượng canxi cao tương đương sữa tươi và lại không gây nghén nhờ vị chua chua dễ chịu của mình. Bạn hoàn toàn có thể chọn sữa chua để bổ sung vào thực đơn ốm nghén của mình.

Ngoài ra, bạn có thể áp dụng một số mẹo này để uống sữa bầu dễ hơn, bớt được những cơn ốm nghén. Chẳng hạn chia nhỏ lượng sữa cần uống ra thành nhiều phần. Ví dụ bạn muốn uống 2 ly, thì nên chia thành 6 lần uống trong ngày, mỗi ngày chỉ 1/3 ly, thay vì uống dồn mỗi lần 1 ly đầy. Cảm giác này giúp bạn đỡ ngán hơn và cơ thể cũng đỡ “phản ứng dữ dội” hơn. Nên uống sữa kèm theo ăn một lát bánh mì, một vài chiếc bánh ngọt. Hương vị của các loại thức ăn khác sẽ giúp bà bầu tiêu hóa lượng sữa dễ dàng hơn.

Trường hợp đã thử nhiều cách nhưng vẫn bị nôn thì bạn nên ngưng. Vì việc bị nôn thường xuyên này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi chứ không làm con bạn trở thành “thần đồng” được.

Các món trị nghén hiệu quả

Bạn có thể uống chút ít trà gừng pha loãng, nước soup gà, trà thảo mộc… mỗi ngày. Đây là những thứ mang tính “bí truyền” trong dân gian, được cho là rất hiệu quả trong việc làm giảm những cơn ốm nghén. Bạn có thể yên tâm là chúng không gây nên bất kỳ ảnh hưởng nào với thai nhi cả.

Rau quả, trái cây cũng là những thứ bạn nên bổ sung cho cơ thể để tránh “nghén”. Bạn thắc mắc sao chúng làm được điều ấy à? Rau quả, trái cây giúp bổ sung các loại vitamin một cách tự nhiên nhất, giữ cơ thể được cân bằng. Ngay cả trong những trường hợp “nghén nặng”, không muốn ăn gì, thì hầu hết thai phụ vẫn cảm thấy mình “nuốt trôi” nếu đó là trái cây.

Ngoài ra, một ít ô mai cũng là “chiêu thức” rất tốt để giúp bạn né cơn nghén. Cũng lưu ý tránh xa những đồ ăn nhiều mỡ, đồ rán hoặc đồ nhiều gia vị bạn nhé, bởi vì chúng rất dễ khiến bạn có cảm giác buồn nôn.

Tags:

Bài viết liên quan