Mẹ&Con – Thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh là một hiện tượng phổ biến. Thế nhưng, không phải bà mẹ nào cũng am hiểu về tình trạng này. Chăm sóc sai cách có thể dẫn đến biến chứng hoại tử ruột. Vì vậy, tìm hiểu về thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh cũng là việc làm cần thiết, mẹ đừng bỏ qua.

Thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh là gì?

Thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh là tình trạng một phần ruột nhô ra qua lỗ rốn, tạo thành một khối lồi tại vùng rốn khi áp lực trong ổ bụng tăng.  Khối thoát vị có thể chứa dịch, một phần ruột hoặc các tổ chức khác từ ổ bụng.

Thoát vị rốn thường gặp ở trẻ sinh non hoặc sinh nhẹ cân, đặc biệt là các bé gái. Thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh dễ nhận thấy nhất khi bé khóc hoặc rặn. Lúc này, rốn của bé sẽ nhô lên.

thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh

Nguyên nhân gây thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh

Khi còn trong bụng mẹ, dây rốn đóng vai trò vận chuyển chất dinh dưỡng từ mẹ tới nuôi dưỡng bé. Sau khi bé chào đời, dây rốn được cắt bỏ và trong vòng 1-2 tuần sau sinh, cuống rốn còn sót lại sẽ khô và rụng tạo thành rốn của bé.

Lỗ ở thành bụng nơi dây rốn đi qua sẽ tự khép lại khi bé lớn lên. Tuy nhiên, ở một số trẻ, cơ bụng không đóng kín sẽ dẫn đến hiện tượng thoát vị rốn.

Triệu chứng thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh

Thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh rất dễ nhận biết, mẹ chỉ cần quan sát bằng mắt thường ở vị trí rốn của con là có thể nhận ra. Khi bé ho, khóc, rặn hay ưỡn mình, mẹ có thể thấy một khối u mềm nhô lên tại đây. Khối u này biến mất tạm thời khi bé thư giãn hoặc nằm ngửa. Thoát vị rốn không gây đau hay bất kỳ sự khó chịu nào ngay cả khi mẹ dùng tay ấn vào khối u.

Điều trị thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh

Khi rốn của con bị lồi, tốt nhất mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ để xác định mức độ bệnh. Với trường hợp thoát vị nhẹ: lỗ thoát vị có đường kính dưới 2cm, trẻ vẫn ăn ngủ bình thường, không đau đớn, không quấy khóc thì phần lớn các bác sĩ khuyên cha mẹ không cần làm gì. Bởi lẽ, đa số trường hợp thoát vị nhẹ sẽ tự biến mất khi bé được 1 tuổi, vì lúc này cơ thành bụng đã khỏe hơn, có thể đóng kín lỗ hổng thành bụng, thoát vị sẽ tự biến mất. Trong một số trường hợp thoát vị chỉ mất đi sau 4 – 5 tuổi. Khi thăm khám, bác sĩ có thể dễ dàng đẩy khối thoát vị vào ổ bụng, tuy nhiên mẹ không nên cố gắng tự làm việc này tại nhà.

Chỉ định phẫu thuật thường được áp dụng cho những trường hợp khối thóat vị rất lớn và gây đau đớn, hoặc:

  • To lên khi bé được 1 hoặc 2 tuổi;
  • Không mất đi khi bé 4 tuổi;
  • Bị nghẹt hoặc chặn đường ruột.

Các trường hợp này có thể cảnh báo một đoạn quai ruột bị kẹt trong khối thoát vị và không thể đẩy ngược trở lại ổ bụng. Máu tới đoạn ruột đó ít đi nên gây đau ở vùng rốn. Lúc này, mô ruột có thể bị tổn thương, trầm trọng hơn là đoạn ruột có thể bị nghẹt, hoàn toàn không nhận được máu, dẫn đến hoại tử. Thậm chí, nhiễm trùng có thể lan tỏa trong ổ bụng và đe dọa tính mạng bé.

 

Bài viết liên quan