Bên cạnh nhiệt độ, mạch, nhịp thở… thì nồng độ oxy trong máu cũng là một yếu tố để kiểm tra sức khỏe của người bệnh. Việc thiếu nồng độ oxy trong máu cho thấy cơ thể bạn đang có “trục trặc” và cần phải can thiệp kịp thời để tránh để lại những hậu quả đáng tiếc.
Như thế nào là thiếu oxy trong máu?
Độ bão hòa oxy trong máu
Để xác định thế nào là thiếu oxy trong máu, cần phải nắm được các định nghĩa liên quan đến độ bão hòa oxy cũng như nồng độ oxy trong máu như thế nào là bình thường. Theo đó, cơ thể chúng ta có một dạng phân tử gọi là phân tử Hemoglobin (Hb). 1 phân tử Hb có thể liên kết với 4 phân tử oxy. Trong trường hợp gắn đủ 4 phân tử oxy với 1 phân tử Hb thì gọi là bão hòa oxy.
Độ bão hòa oxy trong máu biểu thị cho tỷ lệ phân tử Hb có oxy trên tổng lượng phân tử Hb có trong máu. Theo quy định, độ bão hòa oxy trong máy được gọi là chỉ số SpO2. Nếu tất cả các phân tử Hb trong máu đều có liên kết với oxy, bạn sẽ có độ bão hòa oxy là 100%.
Nếu các phân tử Hb trong máu không có liên kết với Oxy, độ bão hòa oxy sẽ giảm và cho biết bạn đang bị thiếu oxy trong máu. Lúc này, các cơ quan trong cơ thể như não, tim, gan, phổi,… đều sẽ phải chịu những tác động tiêu cực và có thể gây nên những ảnh hưởng nguy hiểm đối với sức khỏe của bạn.
Tình trạng thiếu oxy trong máu
Để xác định bạn có gặp phải tình trạng thiếu oxy trong máu hay không, cần dựa vào nồng độ oxy trong máu. Thông thường, cần sử dụng các loại máy đo oxy dựa vào mạch đập (SpO2). Ở một người có sức khỏe bình thường, khỏe mạnh và không gặp phải tình trạng thiếu oxy trong máu, chỉ số SpO2 thường ở mức 95% – 100%. Trong đó:
- Chỉ số SpO2 ở mức 97%- 99%: Oxy trong máu tốt
- Chỉ số SpO2 ở mức 94% – 96%: Oxy trong máu trung bình – cần cho thở thêm oxy
- Chỉ số SpO2 ở mức 90% – 93%: Oxy trong máu thấp, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất hoặc cần có y tá, bác sĩ theo dõi liên tục
- Chỉ số SpO2 ở mức dưới 92% khi không thở oxy hoặc dưới 95% trong điều kiện có thở oxy: dấu hiệu thiếu oxy trong máu, suy hô hấp ở mức rất nặng
- Chỉ số SpO2 ở mức dưới 90%: Cần thực hiện cấp cứu trên lâm sàng
Với trẻ sơ sinh, chỉ số SpO2 để xác định tình trạng thiếu oxy trong máu cũng không thay đổi quá nhiều, thường dao động ở mức 94% – 100%. Nếu chỉ số SpO2 dưới 94%, bố mẹ cần liên hệ bác sĩ để được tư vấn. Trong trường hợp chỉ số SpO2 của trẻ dưới 90%, cần thông báo với bác sĩ để lập tức có các thao tác can thiệp.
Các yếu tố ảnh hưởng tới độ chính xác của máy đo SpO2
Thông thường, chúng ta sẽ dựa vào thông tin có được trên máy đo SpO2 để xác định tình trạng thiếu oxy trong máu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các thông số này sẽ không có tính chính xác hoàn toàn.
Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến tính chính xác của chỉ số SpO2 khi đo gồm có:
- Độ sai lệch của thiết bị đo (khoảng 2%)
- Bệnh nhân cử động khi đo
- Bệnh nhân sử dụng thuốc gây co mạch hoặc hạ thân nhiệt nặng, bệnh nhân bị choáng dẫn đến tình trạng giảm tưới máu mô
- Bị nhiễu ánh sáng trong phòng khi thực hiện thao tác đo lường
- Sắc độ của móng tay, móng chân (trong trường hợp sử dụng máy đo SpO2 bằng cách kẹp máy vào đầu ngón tay hoặc ngón chân)
- Hemoglobin bất thường
Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu oxy trong máu
Một số yếu tố thuờng dẫn đến tình trạng thiếu oxy trong máu có thể kể đến như:
- Đường hô hấp bị các vật lạ cản trở hoặc bị sặc nước
- Đường hô hấp bị các chướng ngại cản trở khiến đường lưu thông khí bị hẹp lại, giảm lượng oxy và tăng lượng khí cacbonic: khối u ở đường hô hấp (vị trí cao), viêm phổi (vị trí thấp) làm tăng tiết dịch nhầy, viêm phế quản, bệnh hen suyễn, bệnh bạch hầu,…
- Các chấn thương như gãy xương sườn, cột sống vẹo, các tổn thương cột sống hoặc thần kinh tuỷ gây liệt cơ hô hấp, các bệnh tràn dịch/tràn khí màng phổi,… dẫn đến thể tích lồng ngực bị giảm khiến cơ thể thiếu oxy trong máu
- Mắc các bệnh ảnh hưởng đến sự khuếch tán khí ở phổi (khí phế thũng, phù phổi cấp, viêm phế quản phổi, viêm phổi,…)
- Các bệnh lý ở tim như suy tim cũng làm ảnh hưởng đến quá trình vận chuyển oxy đi khắp cơ thể
- Các bệnh rối loạn tuần hoàn như thiếu máu (bao gồm tình trạng thiếu máu mãn tính như huyết sắc tố, cấp tính như mất máu,…) đều khiến lượng hồng cầu trong máu giảm đi, không thể thực hiện chức năng đưa oxy trong cơ thể
Các phản ứng thường thấy khi cơ thể bị thiếu oxy trong máu
Thông thường, bệnh nhân khi gặp phải tình huống thiếu oxy trong máu thường có những biểu hiện như:
- Thở nhanh và nông, khó thở, người tím tái
- Cơ thể bồn chồn, vật mã
- Đau đầu
- Buồn nôn
- Người mệt mỏi, ra nhiều mồ hôi
- Tim và mạch rối loạn, đập nhanh
- Thị lực giảm, nhìn mờ
- Ý thức giảm, lơ mơ, loạn thần
- Huyết áp tăng lên trong giai đoạn đầu khi thiếu oxy trong máu và sau đó giảm ở giai đoạn muộn
- Trương lực và phối hợp cơ, các nhóm cơ giảm
Thiếu oxy trong máu thường nói lên điều gì?
Ngộ độc CO
Ngộ độc carbon monoxide (CO) là một dạng ngộ độc phổ biến, có thể gây tử vong, thường có biểu hiện lâm sàng không đặc hiệu gây khó khăn trong chẩn đoán. Khí CO thường có trong hệ thống lò sưởi cũ, xe cơ giới hoạt động ở khu vực thông gió kém, các thiết bị đốt nhiên liệu được sử dụng không đúng cách như bếp than, bếp cắm trại, lò sưởi dầu hỏa,…
Thiếu oxy trong máu có thể được xem như một biểu hiện ngộ độc CO do lúc này, phân thử khí CO thay thế oxy gắn vào phân tử Hb, từ đó khiến oxy không được phân tử Hb vận chuyển đến các mô tế bào.
Huyết áp thấp
Chỉ số SpO2 có thể giúp bạn theo dõi chính xác khi áp lực mạch máu giảm thấp đến 30mmHg.
Trong một số trường hợp bệnh nhân có sự giảm sút nghiêm trọng ở tuần hoàn ngoại vi, tính chính xác của chỉ số SpO2 có thể không cao và cần dùng thêm đầu dò đo chỉ số SpO2 lên trán bệnh nhân để kiểm tra sức khỏe một cách chính xác hơn.
Thiếu máu
Nồng đồ Hemoglobin trong máu sẽ giảm thấp hơn bình thường khi cơ thể bạn thiếu máu.
Trong trường hợp không có tình trạng thiếu oxy máu, máy đo oxy sẽ cho kết quả chỉ số SpO2 không chính xác khi nồng độ hemoglobin giảm xuống 2 – 3g/dL.
Cần xử trí như thế nào khi phát hiện bị thiếu oxy trong máu?
Trong trường hợp chỉ số SpO2 thấp hơn mức cho phép, các tế bào và các mô trong cơ thể sẽ nhanh chóng bị tổn thương. Do đó, các liệu pháp oxy như thở oxy hoặc thở máy (trong trường hợp bệnh nhân không tự thở được) sẽ được chỉ định để điều trị, can thiệp.
Mặc dù các liệu pháp này thường có hiệu quả điều trị cao nhưng vẫn có thể có nguy cơ gây nên các biến chứng như bội nhiễm vi khuẩn, ngộ độc oxy, xẹp phổi, bệnh võng mạc (ở trẻ sinh non),… Do đó, bệnh nhân phải được điều trị theo đúng chỉ định từ bác sĩ và các chuyên gia có thẩm quyền, chuyên môn.
Thiếu oxy trong máu là một tình trạng rất nguy hiểm và có thể dẫn đến suy hô hấp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí gây tử vong. Do đó, cần chủ động theo dõi nồng độ oxy trong máu thường xuyên để kịp thời can thiệp, điều trị.