Mẹ&Con - Theo đánh giá của Bộ Y tế, tháng 6-7-8 là thời kỳ đỉnh cao bùng phát một số dịch bệnh trẻ em nguy hiểm như viêm não virus, sốt xuất huyết, tay chân miệng, tiêu chảy cấp… Mẹ cần hết sức cẩn trọng trong giai đoạn này, để bảo vệ bé yêu của mình. Hãy cập nhật lại các thông tin cần thiết nhé! Chăm sóc trẻ bị bệnh đường hô hấp Phòng bệnh trước thai kỳ

VIÊM NÃO NHẬT BẢN

Bệnh viêm não Nhật Bản có thể xảy ra quanh năm nhưng dịch thường bắt đầu vào mùa hè trong điều kiện thời tiết nắng nóng. Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 325 trường hợp viêm não virus tại 31 tỉnh, thành phố. Số ca viêm não Nhật Bản ở khu vực miền Bắc đang có phần cao hơn miền Nam.Cụ thể, bệnh viện Nhi trung ương đã tiếp nhận 129 trường hợp viêm não virus, trong đó có đến 46 ca được chẩn đoán viêm não Nhật Bản.

thang-6-7-8-la-thoi-ky-dinh-cao-bung-phat-mot-so-dich-benh-nguy-hiem-o-tre-em

* Mẹ cần biết:

– Trong các bệnh viêm não, nguy hiểm và để lại di chứng nặng nề phải kể đến Viêm não Nhật Bản với thời gian ủ bệnh từ 5-15 ngày.

– Khoảng thời gian từ 1-6 ngày sau khi bị virus xâm nhập, trẻ có triệu chứng sốt kèm theo ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn khan.

– Bệnh thường gặp nhất ở trẻ em dưới 10 tuổi, gây nên các phản ứng như sốt cao và gây tổn thương hệ thần kinh.

– Nguyên nhân gây bệnh viêm não lây truyền qua véc-tơ là muỗi. Muỗi đốt các loài chim và heo rồi muỗi lại đốt người nên truyền bệnh viêm não Nhật Bản B cho người. Người là vật chủ cuối cùng của viêm não Nhật Bản B chứ không phải muỗi đốt người này, sau đó lại đốt người khác làm lây truyền viêm não Nhật Bản B. Viêm não Nhật Bản B khác sốt xuất huyết và sốt rét ở chỗ đó.

– Một trong những nguyên nhân khiến miền Bắc đang phải đối mặt với viêm não Nhật Bản nhiều hơn là do như đã nói ở trên, một trong các vật chủ gây bệnh là chim. Mùa này miền Bắc đang là mùa quả vải chín. Các loài chim di cư về nhiều là thời điểm thuận lợi cho véc-tơ muỗi gây bệnh phát triển và tình hình dịch bệnh gia tăng.

– Bệnh viêm não Nhật Bản nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ để lại biến chứng cao và có thể tử vong như: Bại não, phát triển chậm về thể chất. 

Cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu căn bệnh này. Việc điều trị chủ yếu là hồi sức cấp cứu và điều trị triệu chứng như chống phù não, an thần chống co giật, kiểm soát nhiệt độ, hỗ trợ tuần hoàn, hô hấp, ngăn ngừa bội nhiễm và dinh dưỡng, chống loét… 

* Phòng ngừa bệnh:

– Cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ. Nếu cho trẻ về quê, nơi có các chuồng gia súc, nhiều chim trời, cần cẩn thận phòng ngừa muỗi đốt.

– Khi đi ngủ cần mắc mùng, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi.

– Tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch cho trẻ. Tiêm chủng với 3 liều cơ bản: Mũi 1 lúc trẻ được 1 tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

– Khi thấy trẻ có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

SỐT XUẤT HUYẾT

Sốt xuất huyết là một loại bệnh dịch nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh. Người bị sốt xuất huyết, đặc biệt là trẻ em nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Sốt xuất huyết lại dễ bị nhầm lẫn với các bệnh khác như: sốt phát ban, sốt siêu vi, viêm mũi họng…

thang-6-7-8-la-thoi-ky-dinh-cao-bung-phat-mot-so-dich-benh-nguy-hiem-o-tre-em

* Nên nghĩ ngay đến sốt xuất huyết khi…

– Trẻ sốt cao đột ngột trên 38 độ C, liên tục từ 2 đến 7 ngày nhưng không kèm theo ho, sổ mũi, tiêu chảy.

– Đau đầu dữ dội vùng trán, đau sau nhãn cầu.

– Trên người nổi những nốt xuất huyết, thường là ở cánh tay, cẳng chân. Các nốt này tròn, nhỏ như vết muỗi cắn nhưng khác ở chỗ khi căng ra những điểm này không biến mất.

– Có dấu hiệu xuất huyết niêm mạc như bị chảy máu mũi, chảy máu chân răng hoặc trẻ bị nôn ra máu, đi ngoài phân đen, tiểu ra máu.

– Trẻ có thể đau bụng ở hạ sườn phải do gan to lên.

– Trẻ buồn nôn và nôn ói nhiều.

– Chân tay lạnh, vật vã, hốt hoảng, quấy khóc nhiều hoặc li bì. Đây là những dấu hiệu ở thể nặng, thường xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 5 của đợt sốt.

Mẹ cần biết

Trung gian truyền bệnh chính trong Sốt xuất huyết Dengue là muỗi vằn Aedes aegypti, thường sống ở những nơi bùn lầy nước đọng xung quanh nhà hay những nơi tối tăm ẩm thấp trong nhà. Muỗi vằn thường hút máu và truyền bệnh vào ban ngày. Sau khi hút máu người bệnh, muỗi sẽ mang virus và truyền virus gây bệnh cho người khác. 

* 4 “lãnh địa” muỗi vằn hay ẩn náu:

– Góc tủ, gầm giường: Đây là những “góc khuất” trong nhà, ánh sáng thường không chiếu tới, khá ẩm thấp tối tăm nên muỗi rất ưa thích. Tuy quét dọn, lau chùi nhà cửa hàng ngày nhưng với các “góc khuất” này, bạn lại hầu như rất ít khi đụng tới.

– Rèm cửa: Muỗi nói chung và muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết nói riêng thường thích bám đậu vào các khu vực lặng gió, tối, ẩm. Nếu trong nhà bạn có nhiều rèm cửa, đặc biệt là loại rèm cửa dày thì đây trở thành nơi ẩn náu rất lý tưởng của muỗi.

– Nơi nước đọng: Vòng đời của muỗi gồm có 3 pha: Muỗi, trứng, bọ gậy. Để khống chế trứng và bọ gậy, thì việc san lấp, vệ sinh những nơi có nước đọng như hồ cá, chum vại đựng nước lâu không sử dụng, cống rãnh thoát nước… trong nhà rất quan trọng.

– Vườn cây: Rất tuyệt nếu như nhà bạn có một khoảnh vườn nho nhỏ. Song, cần biết rằng đây cũng là nơi muỗi rất dễ ẩn náu vì rậm rạp, tối, ẩm của chúng.

* Phòng tránh sốt xuất huyết bằng cách nào?

– Đậy kín các chum, lu chứa nước không để cho muỗi đẻ trứng.

– Thả cá vào tất cả các vật chứa nước trong nhà để ăn bọ gậy.

– Cọ rửa, thay nước các đồ dùng chứa nước 1 tuần/1 lần.

– Thu gom đồ phế thải quanh nhà. Dọn dẹp nhà cửa thoáng đãng, phát quang bụi rậm nếu có xung quanh. 

– Hạn chế treo quần áo bẩn trên mắc áo. 

– Cho trẻ ngủ mùng, kể cả vào ban ngày. 

– Tìm cách diệt muỗi cả ở những góc khuất khó di chuyển trong nhà như gầm giường, gầm tủ. 

 

 

 

 

 

Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế thông báo từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận 34.714 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có hai ca tử vong. Ngoài ra, từ đầu năm 2014 đến nay có khoảng 11.963 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, 8 ca tử vong.

 

Số ca bệnh sốt xuất huyết vẫn gia tăng cục bộ tại 10 tỉnh thành như TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu… Sốt xuất huyết và tay chân miệng là hai bệnh được cho là tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam và miền Trung.

 

TIÊU CHẢY CẤP

Tiêu chảy là một trong những bệnh về đường tiêu hóa thường gặp nhất ở trẻ em, nhất là vào mùa hè. Nếu chuyển sang giai đoạn tiêu chảy cấp, bệnh rất dễ lây lan, có nguy cơ gây suy dinh dưỡng và tử vong ở trẻ nếu không được chăm sóc và điều trị đúng.

thang-6-7-8-la-thoi-ky-dinh-cao-bung-phat-mot-so-dich-benh-nguy-hiem-o-tre-em

* Mẹ cần biết:

– Khi trẻ đi ngoài phân lỏng hơn bình thường, phân nước có máu hoặc phân nhầy lẫn máu, trên 3 lần mỗi ngày là đã bị tiêu chảy. Nếu diễn ra từ 5-7 ngày đó là bệnh tiêu chảy cấp.

– Trẻ bị tiêu chảy cấp nhanh chóng trở nên xanh xao, ăn kém hoặc bỏ ăn, nôn, đổ mồ hôi lạnh… Tình trạng này kéo dài sẽ khiến trẻ nhanh chóng bị mất nước, điện giải, suy tuần hoàn, trụy tim mạch và tử vong nhanh nếu không được điều trị kịp thời.

– Mùa hè, nhiệt độ cao khiến thực phẩm dễ bị lên men và bị các loại vi khuẩn, nấm làm hỏng. Mặt khác, thời tiết nắng nóng tạo điều kiện cho ruồi, muỗi, chuột, gián, kiến… sinh sôi nên càng dễ làm lây lan các mầm bệnh đường tiêu hóa, đặc biệt là tiêu chảy cấp.

Vi khuẩn E.coli cũng là một trong những tác nhân gây bệnh tiêu chảy mùa nắng nóng rất thường gặp. Vi khuẩn này hiện diện trong phân người và động vật, vì vậy chúng “có mặt” nhiều nơi trong tự nhiên như đất, nước, không khí, bụi, rác thải, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh. Mùa nắng nóng là mùa có điều kiện rất thuận lợi cho vi khuẩn E.coli hoành hành và gây bệnh cho con người, nhất là đối tượng trẻ em. 

* Phòng ngừa bệnh:

– Thực hiện việc nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời, sữa mẹ là nguồn thức ăn tốt nhất cho trẻ nhỏ và làm giảm đáng kể tình trạng tiêu chảy ở trẻ.

– Tăng cường chú ý việc bảo đảm vệ sinh thực phẩm, nguồn nước sử dụng. Không nên cho trẻ ăn rau sống hoặc ăn các loại thực phẩm chưa được nấu chín. Tuyệt đối không cho trẻ ăn các loại thức ăn đã để qua đêm mà không bảo quản kỹ vì mùa nóng thức ăn dễ bị ôi thiu. Mùa nắng nóng làm trẻ rất dễ bị khát nước, vì vậy trẻ dễ uống nhiều loại nước giải khát kém vệ sinh ngoài đường. Mẹ nên cẩn thận chọn lọc thức uống cho con, tốt nhất nên cho con uống nước suối đóng chai khi ra ngoài, nước sôi để nguội khi ở nhà. Hạn chế tối đa việc ăn hàng quán kém vệ sinh, hàng rong, hàng dạo vì rất mất vệ sinh và có thể làm trẻ bị nhiễm bệnh.

– Giữ sạch đôi tay cho trẻ bằng khuyến khích việc rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch trước khi ăn, sau khi sử dụng nhà vệ sinh và sau khi trẻ chơi đùa. Rửa sạch tay có thể làm giảm hơn 50% các bệnh lây nhiễm qua đường tiêu hóa.

– Mẹ cũng cần rửa sạch tay của mình trước khi chế biến, nấu nướng thức ăn cho trẻ, nhất là trước khi đút cho trẻ ăn.

– Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin sẵn có liên quan đến bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ giúp phòng ngừa chủ động hiệu quả các bệnh lý tiêu chảy nguy hiểm như: vắc-xin phòng bệnh tả, vắc-xin phòng bệnh thương hàn hoặc vắc-xin phòng tiêu chảy cấp do Rotavirus.

* Cần đưa trẻ đến bệnh viện nếu phát hiện các dấu hiệu sau đi kèm với tiêu chảy:

– Trẻ bú kém.

– Trẻ bỏ ăn, bỏ bú.

– Trẻ bị sốt cao liên tục 39- 40 độ C.

– Trẻ khát nước nhiều.

– Trẻ đi phân có máu.

– Trẻ lừ đừ, mệt mỏi.

– Trẻ nôn ói quá nhiều.

Tags:

Bài viết liên quan