Mẹ&Con - Thuốc chứa isotretinoin dùng điều trị các loại mụn 'khó' như mụn nang, mụn bọc, nhưng nhiều bệnh nhân vẫn dùng để điều trị những dạng mụn thông thường, thậm chí uống cho… đẹp da. Các bác sĩ cảnh báo, không phải ai cũng có thể dùng loại thuốc này, vì thuốc có thể gây quái thai, suy gan, suy thận; để lại sẹo nếu phẫu thuật; trẻ nhỏ uống sẽ ảnh hưởng tăng trưởng chiều cao. Nhiều trường hợp bị trầm cảm sau khi dùng thuốc chứa isotretinoin. 5 cách cực hay thổi bay vết thâm mụn trứng cá 8 loại trái cây càng ăn càng... mụn Mẹo trị hết sạch mụn, thâm mụn, sẹo mụn sau 7 ngày

Thuốc bán theo toa nhưng mua đâu cũng có

Hiện trên thị trường có nhiều loại thuốc chứa hoạt chất isotretinoin như: Accutane, Vistrinin, Acnotin, Amnesteem, Claravis… dùng trị mụn, dưới hình thức viên uống 5mg, 10mg, 20mg hoặc thuốc bôi ngoài da 0,05% và được bán “vô tư”, không cần bác sĩ (BS) kê đơn.

Theo dược sĩ Trần Quang Thịnh, Bệnh viện Bưu Điện TP.HCM, Bộ Y tế đã liệt thuốc này vào dạng chống chỉ định ở mức độ IV – mức độ nguy hiểm nhất đối với phụ nữ mang thai hoặc cho con bú. Phụ nữ đang mang thai ở bất kỳ tháng nào, khi uống thuốc này, cũng có thể gây quái thai như: thai có chân tay ngắn, thiếu tay hay chân, sứt môi, hai mặt, dị dạng… Sản phụ cho con bú cũng không được dùng thuốc, vì thuốc sẽ truyền qua sữa mẹ, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, thậm chí tử vong.

Ở Mỹ, thuốc này được phân loại vào nhóm X – chống chỉ định với phụ nữ đang mang thai. Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ khuyến cáo: nếu đang mang thai hoặc có thể có thai, thuốc có nguy cơ cao gây dị tật bẩm sinh, sẩy thai, sinh non và tử vong ở trẻ sơ sinh. Ngoài ra, thuốc có thể gây tác dụng không mong muốn như: đau đầu, mờ mắt, chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa, co giật, đột quỵ, tiêu chảy, yếu cơ… Người uống có thể bị ảnh hưởng sức khỏe tâm thần nghiêm trọng như: trầm cảm.

thai-phu-uong-thuoc-tri-mun-co-nguy-co-sinh-quai-thai

Điều trị mụn tại một bệnh viện

Chính vì sự nguy hiểm trên nên theo quy định, thuốc chứa hoạt chất isotretinoin phải được BS chuyên khoa da liễu hay nội tiết kê toa, kiểm soát. Thế nhưng hiện nay tại nhiều cơ sở, thuốc có hoạt chất isotretinoin vẫn bán tràn lan.

Trên trang mạng của nhà thuốc V. (đối diện Bệnh viện Chợ Rẫy, đường Nguyễn Chí Thanh, Q.5, TP.HCM) quảng cáo, Acnotin 10 là thuốc làm đẹp da và cho rằng “chỉ là thực phẩm chức năng chứ không phải là thuốc”.

Ngoài ra, ở mục chống chỉ định, nhà thuốc này chỉ cung cấp thông tin chung chung là “không dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú” và không nêu rõ thuốc gây quái thai.

Tương tự, cửa hàng thuốc online T.T.L. cung cấp hai số điện thoại di động để khách hàng đặt mua thuốc. Thuốc Acnotin 20mg được báo giá 440.000đ/hộp, thuốc Actonin 10mg giá 290.000đ/hộp. Nhân viên tư vấn cho biết “đây là thuốc điều trị các dạng mụn trứng cá mà trước đó không đáp ứng với các phương pháp khác. Thuốc có hiệu quả khi được sử dụng hàng ngày”.

Nhiều khách hàng tỏ ra tin tưởng “thần dược” trị mụn này. Trên một trang mạng xã hội, thaomy… chia sẻ: “Mình uống Actonin 20mg được 10 ngày thì mụn mẹ mụn con kéo nhau đi hết”. Hay như bạn Ryan viết: “Da mình rất nhờn, đã đi khám, điều trị da liễu nhưng không hết, thế rồi được người bạn giới thiệu cho dùng Acnotin được năm tháng và hết mụn”.

Một khảo sát gần đây của Khoa Dược, Đại học Y Dược TP.HCM ghi nhận, nhiều nữ công nhân trẻ ở khu công nghiệp Biên Hòa đã tự ý mua thuốc isotretinoin trị mụn, trong khi hoàn toàn không biết thuốc có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Không chỉ gây quái thai

Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ T.T.N.H., 27 tuổi, đến khám vì rụng tóc, môi khô và chảy máu miệng do tự ý dùng thuốc trị mụn chứa isotretinoin. Theo lời bệnh nhân H., trước đó, thấy một người bạn sau khi uống Acnotin đã hết mụn và da sáng đẹp mịn màng nên chị đã mượn toa đi mua thuốc uống. Uống được 16 ngày thì tóc chị bắt đầu rụng, ngứa ngáy…

TS-BS Lê Ngọc Diệp – Trưởng phòng khám Da liễu cơ sở 2, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết: Thuốc isotretinoin giống như vitamin A liều cao dùng điều trị mụn trứng cá. Vì thuốc tác động cùng lúc lên các yếu tố gây mụn nên hiệu quả đạt được rất mỹ mãn.

Tuy nhiên, tác dụng phụ của thuốc cũng rất nhiều, đặc biệt tuyệt đối không được sử dụng thuốc cho phụ nữ mang thai, vì sẽ gây quái thai; nếu lỡ uống sẽ phải nghĩ đến phương án bỏ thai.

Thông thường, thai phụ khi bị mụn bọc, mụn nang, trong ba tháng đầu không nên can thiệp bất cứ liệu pháp nào vì ảnh hưởng đến thai nhi. Ba tháng tiếp theo, BS có thể cho thuốc bôi phù hợp với người mang thai. Phụ nữ nếu muốn có thai thì phải ngưng thuốc 12 tháng, theo quy định của Bộ Y tế. Bắt đầu điều trị, người bệnh phải viết cam kết sử dụng ít nhất hai biện pháp ngừa thai cùng lúc khi quan hệ tình dục để đảm bảo 100% không mang thai, tránh bị quái thai.

Cũng theo BS Ngọc Diệp, trẻ dưới 15 tuổi không nên sử dụng thuốc trị mụn chứa hoạt chất isotretinoin vì xương sẽ hạn chế phát triển. Để không bị mụn cần hạn chế ăn ngọt hay uống nhiều sữa, không thức khuya, tránh căng thẳng, hạn chế tiếp xúc ánh nắng mặt trời.

Theo quy định, trong suốt thời gian uống thuốc, tuyệt đối không hiến máu vì người nhận máu có thể là thai phụ hoặc người mắc bệnh gan, thận… Ngoài ra, do thuốc có tác dụng phụ gây tăng men gan, mỡ máu nên sẽ rất nguy hiểm cho một số người mắc bệnh mạn tính như viêm gan, cholesterol cao. Do đó, trước khi dùng thuốc nên xét nghiệm men gan, mỡ máu. Ngoài ra, thuốc còn gây khô môi, khô mắt, rụng tóc, chảy máu miệng. Thời gian uống thuốc sẽ gây kích ứng và sẹo nhiều hơn nên hạn chế những phẫu thuật liên quan đến da. Người uống còn có thể bị thay đổi vị giác, buồn nôn, đau đầu.

 

Tags:

Bài viết liên quan