Mẹ&Con - Những tháng cuối thai kỳ, bạn đến phòng khám thai với tâm trạng háo hức, mong đến ngày gặp con. Nhưng sau những kiểm tra, bác sĩ thông báo với bạn là: 'Thai nhi nhẹ cân lắm. Mẹ cố gắng ăn nhiều vào!'. Ồ, sao lại như thế nhỉ? Bạn đã ăn nhiều lắm cơ mà! 6 cách “vượt stress” khi mang thai Cẩn thận kẻo bé nhẹ cân Biến chứng thai nghén: Thai lưu

Thai nhi nhẹ cân có đáng lo?

Có đấy, bạn ạ! Ngay từ khi chào đời, trẻ nhẹ cân đã phải chịu những thiệt thòi như dễ bị ngạt, viêm phổi hít phân xu, đa hồng cầu, bị hạ đường huyết trong nhiều tuần. Nhiều nghiên cứu khác cho thấy tình trạng chậm phát triển của thai nhi trong tử cung có ảnh hưởng lâu dài đến sự tăng trưởng của trẻ. Trẻ nhẹ cân có chỉ số thông minh kém hơn trẻ đủ cân. Ở lứa tuổi học đường, trẻ nhẹ cân có chỉ số thông minh, chỉ số phối hợp nhìn – vận động, mức độ đọc thấp hơn bé sinh đủ ký.

Một trong những nguyên nhân đầu tiên của chuyện thai nhẹ cân không đâu xa lạ chính là do mẹ mất ngủ. Bạn đừng coi thường giấc ngủ. Giấc ngủ với người bình thường vốn đã quan trọng rồi, với thai phụ càng đóng vai trò quan trọng hơn. Trong khi mang thai, nếu thường mất ngủ, chu kỳ ngủ bị cắt xén, sự nghỉ ngơi nhìn chung đều bị thay đổi. Những yếu tố này gây nhiều tác hại đến trẻ cũng như người mẹ.

Ngoài ra, cần biết thêm là thai nhi được cung cấp chất dinh dưỡng từ ba nguồn: khẩu phần ăn của người mẹ, kho dự trữ dưỡng chất của mẹ và quá trình tổng hợp chất dinh dưỡng ở nhau thai. Vì vậy, nếu mẹ thiếu dinh dưỡng trước và trong thai kỳ sẽ khiến thai nhi bị suy dinh dưỡng. Ngược lại, thai phụ ăn uống thiếu khoa học hoặc ăn quá nhiều dẫn tới thừa cân, nhưng thai nhi không hấp thu được cũng làm cho đứa trẻ sinh ra bị nhẹ cân, suy dinh dưỡng. 

Mẹ đừng quên!

– Ăn đủ chất và ăn đa dạng các loại thực phẩm, đặc biệt nên ăn nhiều là trái cây tươi, rau củ, ngũ cốc, các loại hạt, và các thực phẩm giàu protein. Ăn 4-5 bữa mỗi ngày để đảm bảo thai nhi trong bụng nhận đầy đủ các chất dinh dưỡng.

– Dành nhiều thời gian cho việc nghỉ ngơi vì khi nghỉ ngơi sẽ giúp cơ thể phục hồi năng lượng và phòng tránh bệnh tật. 

– Tuyệt đối không uống rượu, hút thuốc lá hoặc sử dụng những chất kích thích khi mang thai. Ngay đến việc tiếp xúc với khói thuốc lá cũng gây nguy cơ thiếu cân ở thai nhi.

– Nên thư giãn tinh thần, suy nghĩ lạc quan, tránh căng thẳng mệt mỏi trong thai kỳ. Tập một số bài tập hít thở sâu bằng mũi sau đó thở tất cả không khí ra qua miệng hoặc thường xuyên đi bộ nhẹ nhàng.

– Bổ sung các loại vitamin như vitamin B1, B6, vitamin E sắt, folate, canxi… theo chỉ dẫn.

Thai nhẹ cân 5

Tại sao mẹ tăng cân nhưng con vẫn còi?

Có chuyện này không? À, có đấy! Trong một số trường hợp, mẹ ăn nhiều nhưng chưa đầy đủ các loại thực phẩm với chất lượng nguồn dinh dưỡng kém, sẽ khiến thai nhi bị thiếu đa vi chất, dẫn đến chậm phát triển. Trường hợp nếu thai phụ ăn quá nhiều dẫn tới béo phì, thừa cân còn có thể ảnh hưởng xấu đến thai nhi như sinh non, tiểu đường, sinh mổ, thậm chí thai chết lưu. Với người mẹ, việc ăn quá nhiều cũng dễ mắc các bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, tiền sản giật.

Một số nguyên nhân khác dẫn đến mẹ tăng cân nhưng con vẫn còi là mẹ bị thiếu sắt, mẹ ăn đêm nhiều nên dễ tăng cân, song em bé lại không hấp thu được. Trường hợp mẹ sốt ruột lo mình thiếu Canxi mà bổ sung quá nhiều và quá sớm, Canxi sẽ đọng ở bánh nhau, làm giảm chất lượng bánh nhau, giảm sự trao đổi dưỡng chất, khiến thai kém phát triển, nhẹ cân khi sinh. Mẹ nếu uống quá nhiều Canxi có thể khiến bản thân bị sỏi đường tiết niệu, sỏi thận.

Cũng có trường hợp thai nhi nhẹ cân là do nhau thai kém phát triển. Nhau thai có ảnh hưởng rất nhiều tới bào thai vì nó kiểm soát quá trình vận chuyển hormone và những dưỡng chất thiết yếu khác cho bào thai. Bánh nhau nhỏ đi làm cho quá trình vận chuyển ấy cùng các sản phẩm chuyển hóa ở bào thai bị giảm, thai nhi không hấp thụ được nhiều chất dinh dưỡng từ mẹ nên ảnh hưởng tới sự phát triển, dẫn đến còi cọc.

Để bé yêu trong bụng chịu… lên cân!

Để vẫn cung cấp đủ dưỡng chất, giúp thai nhi sinh ra không bị nhẹ cân và mẹ không béo phì, thai phụ phải có chế độ ăn uống, nghỉ dưỡng khoa học. Thai phụ cũng cần sử dụng đa dạng các loại thực phẩm, ăn nhiều bữa để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng và tăng cân hợp lý. Các loại thức ăn giàu đạm như tôm, cua, trứng sữa, chỉ nên ăn từ 150-170g/ngày. Trong suốt thai kỳ, thai phụ chỉ nên tăng từ 9-14kg, mang đa thai tăng từ 15-20kg.

Ngoài ra, cần chú ý khám thai, kiểm tra cân nặng của mẹ và thai nhi thường xuyên. Tập thể dục đều đặn và tạo tâm lý thoải mái, tránh stress cũng giúp giảm nguy cơ thai nhi nhẹ cân. Bạn cũng cần giữ gìn cho mình những giấc ngủ thật sâu, thật tốt. Nhiều mẹ đang bầu bì vẫn thích thức đêm thức hôm như trước. Việc này hoàn toàn không nên, vì điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cân nặng thai nhi của bạn.

Thai nhẹ cân 6

Trường hợp bác sĩ thông báo với bạn thai nhi đang bị nhẹ cân, hãy xem đây là vấn đề hàng đầu và nỗ lực để nghỉ ngơi, ăn uống nhằm giúp bé có thể lên cân nhanh hơn. Tránh để mình phải quá vất vả lo toan, đặc biệt là lo toan công việc trong giai đoạn này. Hãy động viên mình rằng bạn còn có… cả đời để làm việc, nhưng chỉ có khoảng thời gian này để sinh bé thôi. Giữ cho mình tránh xa mọi cơn stress là đòi hỏi rất quan trọng để giúp thai nhi mau chóng lên cân. 

Trẻ thế nào bị xem là… nhẹ cân?

Trẻ nhẹ cân là trẻ có cân nặng lúc sinh dưới 2,5kg. Những trẻ này có thể đủ tháng hoặc non tháng; Bình thường hoặc có dị tật bẩm sinh; Nguyên nhân nhẹ cân có thể do chậm phát triển trong tử cung hoặc không.

Trẻ nhẹ cân được phân loại theo tuổi thai (trẻ nhẹ cân đủ tháng và nhẹ cân non tháng), Theo sự cân đối (nhẹ cân cân đối và nhẹ cân không cân đối) và theo suy dinh dưỡng (nhẹ cân có gầy mòn và không gầy mòn). Trẻ nhẹ cân dưới 37 tuần tuổi thai gọi là trẻ nhẹ cân non tháng. Trẻ nhẹ cân và không cân đối hoặc trẻ gầy mòn là những trẻ chỉ có cân nặng thấp, còn chiều cao và vòng đầu bình thường. Trẻ nhẹ cân cân đối là những trẻ giảm cả cân nặng, chiều cao và vòng đầu. Trẻ sinh đủ tháng nhẹ cân có thể cân đối hoặc không cân đối. 

Tags:

Bài viết liên quan