Mẹ&Con - Mẹ tôi từng nói rằng, vợ chồng sống với nhau cũng vì cái nghĩa thôi, tình cảm chẳng bền lâu được đâu. Khối người yêu thương thắm thiết ra đấy, cưới nhau về cũng có ở được với nhau lâu đâu. Tôi hiểu mẹ đang nói về ba, với mối tình đẹp đến lung linh một thời.... Ngắm ảnh tạo dáng đón xuân cực yêu của các siêu mẫu nhí Mùa xuân trên những làng nghề Sài Gòn Lạ miệng ngày xuân

Những cơn gió cuối đông không còn mang đến cảm giác gai lạnh. Nắng xuân đã lấp ló phía sau lớp sương nơi cuối vườn. Đám lá mai được nhặt từ sớm, để lại thân cây trơ trụi, khẳng khiu, nhìn kỹ mới thấy vài cái nụ nhỏ xíu…

Hôm trường cho nghỉ Tết, nhỏ Vân khều tôi, bảo: “Ngọc về quê nhớ mang bánh tét lên. Mình thích ăn bánh của nhà gói hơn”. Tôi ậm ừ, cố nhớ xem bánh ở đâu ngon để mà còn mua lên cho nó. Không biết đã mấy cái Tết trôi qua, chỉ nhớ từ cái ngày ba đi thì mẹ con tôi không có một cái Tết cho trọn vẹn, huống chi nghĩ đến việc gói bánh. Từng mùa xuân lặng lẽ qua đi đưa chúng tôi lớn lên đồng nghĩa với việc kéo tuổi già của mẹ tôi ngày càng gần lại. Đáng ra tôi phải lo sợ những cái Tết như thế nhưng chẳng hiểu sao, tôi vẫn hào hứng, mong chờ Tết mỗi độ đông tàn…

tet-nay-ba-co-ve-khong

Những cơn mưa Sài Gòn lại khác, chúng chẳng chịu tuân theo quy luật cho đúng mùa. Hai mươi sáu Tết, mưa vẫn xối xả, thản nhiên như không nhận ra cái lố bịch của mình. Mây trên đầu như muốn kéo sụp cả bầu trời xuống. Anh xuất hiện trước cửa phòng trong lớp áo mưa màu xám bạc. Anh lúc nào cũng bận rộn, dường như chẳng còn thời gian dành cho tôi. Có lúc thay vì gặp nhau ở điểm hẹn, tôi lại phải kéo anh khỏi giấc ngủ trong căn phòng bề bộn rất “con trai” ấy! Chỉ cần nghe anh phân trần: “Hôm qua anh thức khuya quá”, thế là tôi quên mất rằng mình phải giận. Từ ngày có anh, tôi nhận ra mình cũng biết hy sinh và chịu đựng. Vân từng bảo: “Mày tốt với nó quá, không chừng nó đến với mày cũng vì cái nghĩa mà không phải là tình”. Tội nghiệp cho tôi, tôi đã thầm ước có một mối tình chẳng dính líu gì đến “nghĩa”. Bây giờ thì thế đấy!

Mẹ tôi từng nói rằng, vợ chồng sống với nhau cũng vì cái nghĩa thôi, tình cảm chẳng bền lâu được đâu. Khối người yêu thương thắm thiết ra đấy, cưới nhau về cũng có ở được với nhau lâu đâu. Tôi hiểu mẹ đang nói về ba, với mối tình đẹp đến lung linh một thời. Ba sống rất “nghệ sĩ”, mà tình cảm với nghệ sĩ thì cứ thế sinh sôi như đám mạ non ngoài đồng kia, gieo đâu cũng có. Khốn khổ cho mẹ trong suốt ngần ấy năm trời. Chuyện gì đến cũng phải đến. Ba đi sau khi “đám mạ non” ở một nơi nào đấy kết hoa và cần người chăm sóc. Mẹ giận tím người nhưng không níu kéo. Người không chung thủy thì có giữ cũng chẳng thể là của riêng mình được đâu.

Bên ngoài trời đã ngớt mưa, lũ chim chóc rời chỗ ẩn náu, tung bay hót líu lo vang trời. Mây tan ra thành từng mảng trắng, bồng bềnh ngắm mình dưới những vũng nước đọng lại bên đường. Anh khoác túi đồ trên vai, nhìn tôi bảo: “Nào đi, sao ủ rủ thế. Về quê phải vui vẻ lên chứ!”. Tôi ngồi sau lưng anh, khẽ đáp: “Ừ, vui”. Vậy mà lòng cứ nặng trĩu. Làm sao vui được khi những ngày đó không có anh. Bỗng nhiên tôi muốn khóc, khóc vì nhận ra mình lạc lõng giữa biển người, cả với anh…

tet-nay-ba-co-ve-khong

Bến xe ngày Tết đông nghẹt. Gã lơ xe hất hàm ra lệnh: “Lên thôi, chuyến cuối cùng đấy!”. Tôi loay hoay kiếm được chỗ ngồi cũng vừa lúc xe chuyển bánh. Bên dưới, anh đưa tay ra hiệu bảo tôi cười. Tôi thoáng nghĩ: “Chẳng lẽ chỉ có như thế? Tôi chờ ở anh điều khác kia!”. Chiếc xe lao đi vùn vụt, chưa kịp để tôi cười với anh. Mà như thế biết đâu lại tốt hơn.

“Ăn cướp!”. Tôi giật mình tỉnh giấc sau một tiếng thét rất thanh, vội vã đưa tay ôm giỏ đồ vào người giống như một phản xạ. Hành khách nhốn nháo tự kiểm tra xem mình có mất gì không. Người đàn ông ngồi bên cạnh tôi thở dài: “Mùa này là mùa làm ăn của bọn nó. Phải cẩn thận”. Tôi lơ mơ nghĩ, bọn chúng ăn cắp để mà sống, sống để mà đi ăn cắp. Khiếp thật. Chẳng lẽ đời chỉ có thế? Tôi nhắm mắt lại, cảm giác như đoạn đường phía trước cứ dài ra mãi.

Xe cập bến cũng là lúc mặt trời khuất hẳn sau rặng núi phía xa. Màn đêm xuống thật nhanh. Cái thị xã nhỏ bé dường như càng nhỏ lại, hắt hiu đến nao lòng. Căn nhà quen thuộc cũng co rúm lại giữa những tán lá. Tôi cố bước thật nhẹ để mọi người được yên giấc, mắt ráo hoảnh đảo quanh nhưng cũng kịp nén lại để khỏi bật lên câu hỏi: “Ba vẫn chưa về sao mẹ?”.

Ba chưa về. Tôi mệt mỏi gỡ túi xách nặng trĩu trên vai, lặng lẽ ngả người xuống cạnh mẹ trước khi xoa đầu những đứa em đang cuộn mình trong giấc ngủ no say. Mẹ khẽ trở mình, giọng đều đều: “Đời mẹ đã khổ, chỉ mong con yên ấm tấm thân, nào ngờ… Đáng ra mẹ không nên ép con…”. Tôi ngạc nhiên rồi cũng hiểu ra những lần chị Thi trở về đã quá là quen thuộc với mẹ. Tôi gạt vội nước mắt, choàng tay qua người mẹ: “Là con đây mà mẹ!”.

Ngày cuối năm. Chị Thi bồng bé Hoa về nhà. Bây giờ, bé Hoa đã tròn một tuổi, bắt đầu nói những câu khiến cho người lớn phải bật cười: “Chào dì đi con! Con nhớ dì không…”. Chị bỏ lửng câu nói, mà nếu chị kể ra cái chuyện ngày bé Hoa lọt lòng, tôi đã bồng bé cùng chị trốn khỏi ông chồng suốt ngày rượu chè thì chắc hẳn nghe sẽ đau lòng lắm. Thà rằng cứ để chúng chìm sâu dưới đáy tiềm thức. Bé Hoa giương đôi mắt trẻ thơ nhìn tôi lạ lẫm. Chắc là nó đang ngạc nhiên vì tự dưng lại xuất hiện một bà dì mới toanh như thế! Bé Hoa có cặp mắt giống mẹ, cặp mắt dài, ướt, lúc nào cũng như chực khóc. Tôi rùng mình nghĩ đến câu “hồng nhan đa truân”, lại thương cho nó và cảm thấy an tâm cho mình. Dẫu sao tôi cũng chẳng phải là đứa con gái có sắc. Tôi ôm nó vào lòng, nó khóc ré lên. Chị bảo: “Chắc là cháu lạ”. Rồi chị bồng nó nựng nịu, dỗ dành. Chị bẻ cho nó nhánh mai vàng rực bông, khẽ bảo: “Hôm nay đã là ba mươi Tết rồi cơ đấy”. Tôi gật đầu: “Vâng, đã ba mươi”.

Đã Ba mươi. Mùa xuân đang chực chờ trước ngõ. Ba vẫn chưa về. Những ngày này sao thời gian như dừng lại. Tôi cặm cụi làm cái công việc mà trước Tết người ta thường làm. Chẳng hiểu sao cứ ngày Tết người ta mới cần phải sạch sẽ, gọn gàng và mới mẻ. Lũ nhện chạy tán loạn. Tội nghiệp, ngày Tết lại bị ly tán như thế! Chẳng biết chúng có thấy con người bất công quá không. Tôi vừa làm vừa hắt hơi liên tục, bụi cứ mù lên, luẩn quẩn trong nhà. Tờ lịch cuối cùng mỏng manh ép sát vào vách tường, tôi xé nhẹ rồi nâng niu nó trong tay, giữ lại cho đúng “sách vở” chứ chẳng thấy ý nghĩa gì cho mấy!

tet-nay-ba-co-ve-khong

Chỉ còn ít phút nữa là cái hy vọng về một mùa xuân tươi đẹp đã hết. Nếu Ba không về…

Tôi ngồi bên mẹ, lũ em sau một ngày mải chơi đã chìm sâu vào giấc ngủ không chút suy tư. Nhìn ra phía ngoài cửa, tôi chờ đến nao lòng tiếng sủa của con Milu khi nhà có khách. Chiếc đồng hồ vẫn tích tắc đều đều không mệt mỏi.

Giao thừa…

Mẹ lặng lẽ thắp nén nhang lên bàn thờ ông, khẽ bảo: “Ngủ thôi!”. Tôi ra khép cửa và khựng lại. Ba tôi đó, hai vai ông khòm lại như có thể khuỵu xuống bất cứ lúc nào. Con Milu không sủa, cái đuôi quăn tít chồm lên người ông. Mẹ cũng chạy ra thật nhanh.  

Tôi vào giường nằm, liếc nhìn đồng hồ. Đã gần một giờ. Lần đầu tiên tôi nghĩ đến tương lai mình để rồi cũng lần đầu tiên tôi thấy thêm yêu hơn cái cuộc sống phía trước của mình. Chắc hẳn nó sẽ không còn là những chuỗi ngày dài thê thảm. Dẫu sao thì mùa xuân cũng đã về… 

Tags:

Bài viết liên quan