Mẹ và Con - Ngày còn bé, chúng ta náo nức đón Tết thì hiện nay, Tết trong lòng nhiều người lại là gánh nặng, là nỗi lo.... Nhắc đến Tết, bên cạnh tâm trạng mong chờ ngày đầu năm mới thì còn có rất nhiều điều khiến chúng ta lo lắng...

Có lẽ Tết Nguyên đán là một trong những dịp mà tất cả mọi người đều mong chờ. Ngày Tết, khởi đầu cho một năm mới, những hy vọng mới. Tuy nhiên, với không ít người thì cái Tết năm nay lại có phần… đáng lo hơn là đáng mừng. Vì sao lại như thế? Cùng tìm hiểu với Tạp chí Mẹ và Con, bạn nhé!

tết

Chuyện ngày Tết, lo lắng trăm bề…

Về quê ăn Tết – nên hay không?

Chỉ còn vỏn vẹn khoảng 2 tuần nữa là Tết đến. Đây chính là dịp để những người con xa quê được trở về bên cạnh gia đình, người thân của mình.

Nhưng… mọi thứ nào dễ dàng như chúng ta vẫn thường nghĩ. Ngày Tết, vé xe, vé máy bay, tàu hỏa đều trở nên đắt đỏ và trong tình trạng khan hiếm. Phải bỏ ra một số tiền lớn để về quê luôn là vấn đề khiến nhiều người đắn đo. Với những người cuộc sống khá giả, đây là điều hết sức bình thường. Nhưng với những đối tượng kinh tế có phần khó khăn, đặc biệt là sau tác động của đại dịch Covid thì số tiền bỏ ra để mua vé xe về quê là cả một bài toán khó. Đường về quê ăn Tết bỗng lại dài hơn, xa hơn…

Chưa kể, những “tin đồn hành lang” về việc cách ly người dân về quê đón Tết lại càng khiến lòng người thêm nặng trĩu… Vài ngày nghỉ Tết, lại phải ở trong khu cách ly, chẳng còn mấy thời gian để gặp người thân. Nếu muốn tận hưởng Tết trọn vẹn lại phải chấp nhận nghỉ làm sớm, bỏ thưởng Tết để về…

Không chỉ có vậy, những ngày Tết là một cơ hội để chúng ta… kiếm tiền! Ở lại làm việc, lương tăng gấp 3. Điều này đã khiến nhiều người dùng dằng suy nghĩ, thôi hay cứ ở lại, cố gắng thêm một chút để có thêm ít tiền cho gia đình có một cái Tết đủ đầy hơn. Cùng lắm sau Tết rồi về sau cũng được… Sự hấp dẫn của những khoản lương, thưởng ngày Tết và viễn cảnh sẽ có thể phụ giúp nhiều hơn cho kinh tế gia đình đã giữ chân nhiều người con xa quê không trở về quê hương của mình vào những ngày cuối năm.

Chuyện của bố mẹ

Ai đã làm bố, làm mẹ và có con đi học, đi làm xa nhà rồi mới hiểu, còn điều gì hạnh phúc bằng việc được thấy con của mình trở về. Cho dù con cái có ra sao, cho dù Tết này có thiếu thốn một chút, nhưng chỉ cần Tết có con ở nhà là cả nhà đã đủ hạnh phúc rồi. Nhưng những đứa con, đứa ở lại thành phố để kiếm thêm một ít lương cho những ngày Tết, đứa khá giả hơn lại muốn dùng thời gian được nghỉ để đi du lịch cùng bạn bè. Thế là quanh đi quẩn lại, nhà vẫn trống vắng, vẫn thiếu những đứa con dù bố mẹ luôn chờ mong.

về quê ăn tết

Chuyện… tiền nong!

Khi nhắc đến những ngày đầu xuân, bên cạnh tâm trạng vui tươi, phấn khởi, không ít người cũng cảm thấy lo lắng. Những ngày này, phải mua sắm nhiều thứ, tiền cũng vì thế mà tiêu tốn nhiều hơn. Nào là tiền để mua thực phẩm nấu nướng để đón khách trong những ngày đầu năm mới, nào là tiền chuẩn bị quà bánh cho bố mẹ hai bên nhà, nào là tiền mua quần áo mới cho con… Chưa kể, người lớn còn thêm khoản tiền lì xì cho con, cho cháu trong nhà và cả con, cháu của khách đến mừng tuổi. Lì xì nhiều thì tốn nhiều, lì xì ít, trẻ không vui, bố mẹ chúng cũng không hài lòng và cho rằng mình… bủn xỉn.

Có lẽ, không có khi nào trong năm mà người ta lại áp lực chuyện tiền nong đến thế. Và nghiêm trọng hơn khi năm nay, với “sức tàn phá” của Covid-19, hàng loạt công ty đóng cửa, nhân viên thất nghiệp, có công ty may mắn trụ lại được cũng cắt giảm lương, không có chính sách thưởng Tết hay lương tháng 13 cho nhân viên. Điều này đã khiến lo càng thêm lo.

Chuyện nỗi lo đón Tết

Khi nhắc đến ngày Tết, không thể bỏ qua câu chuyện dọn dẹp nhà cửa, tất bật chuẩn bị sao cho nhà cửa sạch sẽ, chỉn chu nhất có thể. Và đâu đó, đây chính là câu chuyện khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi trong những ngày cận Tết. Một năm đi làm, đi học, chỉ được nghỉ vỏn vẹn vài ngày Tết nhưng phải dành hầu hết thời gian để quét quét, dọn dọn thì chẳng ai có thể cảm thấy thoải mái cả.

Chuyện… những câu hỏi

Vào những ngày Tết, có lẽ bạn sẽ không thể tránh khỏi việc ở nhà, đón khách hoặc đi chúc Tết họ hàng. Và đây cũng là lý do khiến nhiều người cảm thấy ngao ngán mỗi khi Tết đến bởi lần chúc Tết nào cũng kèm theo những câu hỏi…

Lúc còn nhỏ, Tết đến là khi bạn được hỏi dạo này học hành thế nào, có được học sinh giỏi hay không, có đứng nhất lớp hay không.

Lớn lên một chút, Tết đến bạn sẽ được quan tâm về chuyện chọn trường, chọn ngành học đại học.

Ra trường, mọi người liền chuyển hướng quan tâm sang công việc, liệu bạn đã tìm được việc làm hay chưa, lương bổng thế nào.

Sau khi công việc ổn định, sẽ là những câu hỏi đã có người yêu chưa, có rồi thì bao giờ cưới.

Và đừng tưởng rằng, lập gia đình xong bạn sẽ có thể tránh khỏi những câu hỏi. Sao con ốm thế, nuôi con thế nào mà con lại chậm nói, tính cho con học trường quốc tế hay trường thường… là những câu mà bạn có thể nghe hỏi suốt những ngày Tết.

Với những người dễ tính, đó có thể là những câu hỏi thăm bình thường và chúng ta hoàn toàn có thể vui vẻ trả lời. Nhưng với một số người thích có cuộc sống riêng tư, việc bị hỏi quá nhiều về cuộc sống cá nhân khiến ngày xuân chẳng còn vui vẻ như trước.

Chuyện những tệ nạn ngày Tết

Tết là dịp mọi người cùng nhau sum vầy, quây quần. Có lẽ vì tâm lý vui tươi, thoải mái của ngày đầu năm cũng như không khí khi được gặp gỡ người thân mà vào những ngày đầu xuân, mọi người thường hay ăn uống và có phần… quá chén. Chỉ vậy thôi thì có lẽ cũng chẳng sao nhưng nếu theo dõi tin tức, bạn sẽ ngạc nhiên bởi Tết là thời điểm số lượng tai nạn giao thông tăng cao do người điều khiển phương tiện uống rượu bia.

Hơn nữa, những buổi tiệc tùng cũng là lý do cãi vã khi người mời, người chẳng uống nhưng bị ép uống. Những câu nói như “chú không tôn trọng anh mới không uống” luôn là câu nói quen tai trên mỗi bàn tiệc. Và khi đã chén chú chén anh đến say khướt, người ta lại hay nói với nhau những điều thật lòng mà chẳng nghĩ đến tâm trạng của người khác. Những lời nói khiến người khác khó chịu dẫn đến tranh cãi trở thành chuyện thường tình ở huyện khi Tết đến xuân về.

đón tết

Làm sao để Tết luôn vui vẻ, đầm ấm?

Ngày Tết, cho dù có bận rộn đến đâu đi chăng nữa, hãy cố gắng về nhà, bạn nhé. Bởi lẽ, tiền có thể tìm lại được, nhưng cơ hội chúng ta được ở cùng những người thân yêu của mình thì không. Cuộc sống vốn dĩ rất ngắn, bạn không thể biết được thời khắc nào phải nói lời tạm biệt với những người thân yêu của mình. Vì thế, hãy trân trọng những phút giây mà chúng ta có thể ở bên nhau. Nếu không thể trở về, đừng quên gọi điện thoại cho người thân của bạn. Với sự phát triển của công nghệ hiện đại, liên lạc với người thân chưa bao giờ dễ dàng đến thế. Hãy cố gắng để có thể ở bên những người thân yêu, bất cứ khi nào ta có thể nhé!

Và, vì một mùa Tết vui khỏe, bản thân mình được vui và mọi người xung quanh cũng được vui, chúng ta chỉ nên dừng lại ở những câu chúc nhau năm mới an lành, tránh hỏi quá nhiều câu hỏi nhạy cảm. Và nếu chẳng may được hỏi những câu hỏi quá riêng tư khi bản thân không thích, hãy chọn cách phớt lờ thay vì “ghim” trong lòng và có cảm giác khó chịu trong những ngày đầu năm mới bạn nhé!

Còn nếu bạn đang cảm thấy mỏi mệt vì những ngày Tết phải vùi mình vào nấu ăn, dọn dẹp, hãy nhớ rằng Tết là cơ hội để nghỉ ngơi, để sum vầy. Hãy chỉ dọn dẹp trong khả năng có thể và không quá đặt nặng vào việc nhà cửa phải thật sự lung linh. Đôi lúc, nhà chỉ cần đơn giản nhưng ấm cúng và đầy đủ các thành viên là được. Suy nghĩ này cũng giúp bạn mua sắm ít hơn, không có quá nhiều gánh nặng về tài chính trong những ngày Tết sắp đến.

ngày tết

Năm cũ qua đi, năm mới đến. Hãy để ngày Tết thật sự mang ý nghĩa của hạnh phúc, may mắn và bình an bạn nhé! Tạp chí Mẹ và Con mến chúc bạn có một mùa xuân an lành và hạnh phúc! 

Bài viết liên quan