Đừng xem thường… “Tào Tháo”!
Tiêu chảy, hay nói vui vui là “tào tháo rượt”, vốn dĩ với người bình thường còn gây ảnh hưởng cho sức khỏe. Huống chi với một bà bầu, đang trong giai đoạn cơ thể nặng nề, sức đề kháng kém đi, mọi thứ đều cần “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” khác hẳn bình thường. Nhiều bà bầu không để ý chuyện này, không nhận ra rằng sức đề kháng và hệ tiêu hóa của mình có phần yếu đi suốt chín tháng thai kì, nên vẫn hồn nhiên ăn những món ăn vặt bán ngoài đường, vẫn lê la hàng quán đánh chén những món sống sít, những món “khoái khẩu” như thuở còn chưa chuẩn bị làm mẹ.
Cần biết rằng, khi uống phải nguồn nước bị ô nhiễm, ăn phải những thực phẩm ôi thiu, nhiễm khuẩn, lại thêm sức đề kháng không “mạnh” như bình thường thì vi khuẩn sẽ dễ dàng thâm nhập vào cơ thể, gây nên tình trạng “tào tháo rượt” ngay. Ngoài ra, cũng có một số trường hợp đặc biệt, ăn sạch nhưng lại chứa một số chất không phù hợp với thể trạng và sức hấp thu của cơ thể, ví dụ như một số thai phụ dị ứng với sữa tươi, cũng sẽ bị xảy ra tình trạng “tào tháo… rượt bà bầu” như thế.
Khi bị tiêu chảy, thai phụ sẽ xuất hiện triệu chứng đau quanh vùng rốn, đi tiêu nhiều lần với chất thải lỏng. Kèm theo đó có thể có thêm tình trạng nôn mửa, sốt, lạnh, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, đau bụng hoặc thường xuyên bị co rút… Đặc biệt, nếu thai phụ bị tiêu chảy do vi khuẩn tả, thì số lần đi tiêu và nôn mửa sẽ rất nhiều khiến cơ thể nhanh chóng kiệt nước, không được điều trị kịp thời rất dễ tử vong. Điều đáng ngại nhất là khi mang thai, thai phụ bị tiêu chảy thường nặng hơn bình thường với mức độ nguy hiểm cũng cao hơn. Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ thôi, thai nhi cũng chịu ảnh hưởng xấu, có thể bị chết lưu, chậm phát triển, suy dinh dưỡng nếu mẹ bị tiêu chảy kéo dài, tiêu chảy tái đi tái lại trong chín tháng thai kì.
Nguy hiểm là thế nên xin nhắc lại thêm lần nữa là tuyệt đối không nên thờ ơ với tiêu chảy, cũng không thể chủ quan nghĩ rằng: “Ơ, ngày thường tôi cũng ăn món đó, ở quán đó có sao đâu!”. Một khi đã mang thai, vệ sinh ăn uống của bạn cần đặt lên hàng đầu. Nên hạn chế tối đa cảnh cơm hàng cháo chợ, thay vào đó cần tăng cường những bữa cơm nhà. Các món sống, món có nguy cơ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa như xoài sống chấm mắm ruốc, như cóc dầm, sushi cá sống, gỏi, lẩu… cũng cần giảm thiểu đến mức thấp nhất. Nguyên tắc ăn chín, uống sôi (dù cho có “kém ngon” đi một chút) cần được áp dụng triệt để suốt chín tháng thai kì.
Nhưng nếu vẫn bị “rượt”?
Phòng ngừa cẩn thận thế rồi, nhưng chẳng may vẫn ăn phải thực phẩm nào đó không đảm bảo, sau một bữa cơm văn phòng ở cơ quan buổi trưa chẳng hạn, bạn bị “tào tháo rượt” thì sao? Lời khuyên đầu tiên, quan trọng và cần thiết nhất cho bạn vẫn là đến ngay bác sĩ càng sớm càng tốt. Đúng là với người bình thường, bạn có thể tự điều trị tiêu chảy tại nhà trong trường hợp không nặng lắm. Ví dụ như chỉ cần uống bổ sung nhiều nước, uống dung dịch Oresol, ăn cháo lỏng, nghỉ ngơi… là có thể vượt qua được trận “rượt” này. Nhưng với thai phụ thì tốt nhất bạn nên đến bác sĩ càng sớm càng tốt, không tự điều trị, không uống thuốc nam, thuốc bắc, không chủ quan cho rằng chẳng sao đâu, chỉ 1 ngày là hết, vì lúc này bệnh sẽ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi, thậm chí có thể liên quan đến việc sinh non.
Song song với việc đến bác sĩ, ngay khi thấy xuất hiện tình trạng tiêu chảy, thai phụ cần gấp rút bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể ngay. Có thể uống Oresol như người bình thường nhưng phải pha đúng liều, không được pha đặc sẽ gây nguy hiểm. Ngoài Oresol, tuyệt đối không được tự ý mua và dùng bất kì loại thuốc cầm tiêu chảy nào khác mà không có chỉ định của bác sĩ. Bạn cũng nên tăng cường nghỉ ngơi nhiều hơn, có thể ăn cháo thịt băm lỏng, sử dụng sữa chua vì sữa chua chứa vi khuẩn giúp tiêu hóa tốt. Nên nhớ, đây là một trong số những bệnh mà sự nghỉ ngơi, chăm sóc đúng cách quan trọng như liều thuốc hàng đầu để hồi phục sức khỏe lại, giúp cơ thể đủ sức “chống chọi” với… “tào tháo”.
Tiêu chảy có nhiều nguyên nhân, như do virus, vi khuẩn, nhiễm khuẩn kí sinh. Ngoài ra, bà bầu bị ngộ độc thức ăn, viêm dạ dày, dị ứng thức ăn, không dung nạp lactose cũng có thể gây tiêu chảy.
Cuối cùng, tất nhiên như đã nói ở phía trên, lại phải nhắc lần nữa rằng phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh, thay vì chờ đến lúc “tào tháo rượt” mới cuống cuồng… chạy, cách tốt nhất vẫn là ăn chín, uống sôi, không ăn rau sống, không ăn quả xanh, tránh xa mọi món tiết canh, nộm, tái; không ăn ngoài hàng quán. Trong nhà, món nào chế biến xong cần ăn ngay, hạn chế tối đa để sang bữa khác vì dù bạn có mang hâm đi hâm lại, các thức ăn này vẫn tồn tại những độc tố của vi khuẩn đã tiết ra nên vẫn có thể gây ảnh hưởng đến bà bầu.
Nên hạn chế các loại cá biển, tôm, ốc… nếu bạn từng có tiền sử đau bụng, tiêu chảy vì những loại thực phẩm này. Một số loại thực phẩm có tính “độc” như khoai mì (sắn), thịt cóc… cần tránh hoàn toàn. Ngay cả với nấm, cũng nên hạn chế, chỉ chọn những loại nấm phổ biến, lành tính và ngâm kỹ nước muối trước khi chế biến, vì nó có khả năng gây ngộ độc, đau bụng, tiêu chảy kèm theo nôn đấy nhé.
Lập tức đưa bà bầu đến bệnh viện nếu…
- Tiêu chảy nghiêm trọng.
- Tiêu chảy kèm theo sốt và nôn mửa.
- Chất thải chứa máu.
- Tiêu chảy kèm theo bị đau bụng dữ dội.