Mẹ&Con – Vợ chồng bạn ly hôn, bạn căng thẳng, mệt mỏi một phần thì bé còn căng thẳng, mệt mỏi gấp mười. Nếu bạn không khéo léo giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn này thì bé sẽ bị trầm cảm kéo dài.

Chào bác sĩ!

Vì những gút mắc không thể giải tỏa nên vợ chồng em đã phải đi đến quyết định ly hôn. Chỉ mới có một bé gái được 4 tuổi nên tòa xử giao bé cho em chăm sóc, bố sẽ phụ cấp dưỡng thêm. Vợ chồng em cũng đã bàn bạc với nhau và đồng ý để mỗi tuần 3 lần, buổi chiều bố bé sẽ đến chơi với bé ở trường khoảng 1 tiếng đồng hồ sau giờ tan học. Ngày chủ nhật thì cách tuần, bố sẽ đến đón bé đi ăn uống, đi chơi.

Thế nhưng áp dụng đã 3 tháng nay rồi, dù cả hai đều rất nỗ lực để bù đắp cho con nhưng tâm lý bé hoàn toàn không ổn. Con bị đái dầm đêm, trở nên buồn bã, thụ động, hay im lặng ngồi nhìn ra ngoài cửa như bà cụ non vậy. Bé cũng bẳn tính hơn hẳn trước kia, bạn bè trêu ghẹo gì một chút là bé đánh bạn, cắn bạn. Em rất lo lắng với tình trạng này của bé. Làm sao để giúp con vượt qua giai đoạn khủng hoảng cha mẹ ly hôn, thưa bác sĩ?

Q.N (Quận 4)

Bác sĩ trả lời

 

Cha mẹ ly hôn là một tổn thương tinh thần lớn cho trẻ. Nhiều bé thay đổi tính tình, trở nên khó bảo, bướng bỉnh, v.v. cũng vì thế. Bạn cần biết rằng cha mẹ stress vì tan vỡ gia đình bao nhiêu thì nỗi lo sợ, stress của bé cũng lớn bấy nhiêu, thậm chí lớn hơn, vì bé còn quá nhỏ và không có những kỹ năng như người lớn để giải tỏa nỗi căng thẳng của mình. Trẻ có thể ẩn chứa những lo âu: Bố có về nữa không? Mẹ có bỏ rơi bé không? Có phải bố mẹ không thương bé nữa không?

Việc cần làm lúc này là vợ chồng bạn nên cố gắng đối xử thật tốt với nhau mỗi khi gặp mặt. Cần nói chuyện nhẹ nhàng, tuyệt đối tránh cãi vã, có thể cùng đi chơi chung với bé (nếu được), có thể trò chuyện, tâm sự, nói cho bé nghe rằng bố mẹ thương bé thế nào. Nên chuẩn bị những cách trả lời thật phù hợp tâm lý của trẻ cho những câu hỏi như: “Tại sao bố không về nhà?”, “Tại sao mẹ không gọi bố về ăn cơm?”, “Bố đi đâu rồi?”, v.v.. Hãy để bé hiểu rằng bố mẹ luôn yêu bé, rằng không bao giờ có gì là “tại bé” mà bố mẹ chia tay (lưu ý, rất nhiều đưa trẻ đè nặng trong lòng suy nghĩ này).

Bạn đang có một may mắn là chồng cũ vẫn rất đồng lòng với việc nỗ lực xoa dịu tổn thương cho bé. Hãy bàn bạc cùng anh ấy để tăng cường khoảng thời gian bé và bố được bên nhau vì dù gì 4 tuổi cũng còn là quá nhỏ. Nên tránh cho con có những xáo trộn liên tục và quá nhiều. Ví dụ nếu bé sống với mẹ, nên để mẹ và bé ở lại ngôi nhà cũ, nơi ở cũ, đừng vội vã chuyển nhà, chuyển trường trong lúc này. Trong trường hợp bé xuất hiện những dấu hiệu tâm lý quá bất thường, bạn nên đưa con đến khoa tâm lý trẻ em ở các bệnh viện nhi, để bác sĩ có thể trực tiếp hỗ trợ cho bé.

Bác sĩ Phạm Khuê Anh

Tags:

Bài viết liên quan