Trẻ 4 tuổi luôn khiến bố mẹ đau đầu bởi những câu hỏi, sự bướng bỉnh, chống đối và thích tự làm mọi thứ mà không muốn bố mẹ giúp mình. Có thể thấy sự thay đổi rõ rệt về mặt nhận thức của bé ở giai đoạn này. Để hiểu rõ về tâm lý trẻ 4 tuổi hơn, bố mẹ hãy cùng Tạp chí Mẹ và Con tìm hiểu nhé!
Bạn đã biết, tâm lý trẻ 4 tuổi diễn biến như thế nào?
Hình thành cái tôi cá nhân cao
Kể từ 4 tuổi trẻ bắt đầu hình thành cái tôi cá nhân cao. Lúc này, bé đã phân biệt được các mối quan hệ trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị em…Trẻ biết tên và tuổi của bản thân cũng như hiểu được sự khác biệt của mình giữa các bạn khác. Chính vì thế, bé quan tâm hơn tới những nhận xét của mọi người dành cho bản thân mình. Những lời khen hay chê lúc này đã có sự ảnh hưởng tới suy nghĩ về bản thân của bé như tự ti hoặc kiêu ngạo…Do đó, bố mẹ không nên nói về trẻ với người khác ngay trước mặt con.
Thay vì khóc, ăn vạ khi không nhận được điều mình muốn, tâm lý trẻ 4 tuổi đã có sự biến đổi khác. Trẻ tỏ ra bướng bỉnh, không nghe lời, không chịu hợp tác thậm chí là tủi thân khi bố mẹ không quan tâm. Lúc này thay vì dùng các biện pháp cứng rắn như phạt đòn roi, bố mẹ nên nhẹ nhàng dạy dỗ bởi bé lúc này rất nhạy cảm.
Nhận định được niềm yêu thích của mình
Trẻ 4 tuổi bắt đầu có nhận định đầu tiên về niềm yêu thích của bản thân. Thông thường sở thích của bé trai và bé gái không giống nhau. Bé trai thường nghịch ngợm, hiếu động, thích leo trèo và những trò mạo hiểm. Trong khi đó, bé gái lại có phần trầm tính hơn, nhẹ nhàng và dễ hòa đồng hơn. Tuy nhiên, nhiều trường hợp vẫn có thể ngược lại giữa bé trai và bé gái.
Giai đoạn này, ngoài đồ chơi, phim hoạt hình thì bé cũng có niềm yêu thích mới như nghe ca nhạc thiếu nhi, nhảy múa, hát hò… Trẻ cũng tỏ rõ thái đồ tò mò với mọi sự vật xung quanh bằng cách đặt câu hỏi liên tục cho bố mẹ.
Tự lập trong việc vệ sinh cá nhân
Giai đoạn này có sự biến đổi lớn trong tâm lý trẻ 4 tuổi. Bé muốn tự lập, tự chăm sóc bản thân như tự ăn, tự tắm, tự mặc quần áo như người lớn. Mặc dù bé làm hơi mất thời gian và cũng có thể sai nhưng bố mẹ hãy bình tĩnh, kiên nhẫn hướng dẫn để bé có thể làm quen dần nhé. Đối với những việc như đánh răng, rửa tay, rửa mặt, mặc quần áo hoặc tự đi vệ sinh, từ khoảng thời điểm 16 tháng tuổi đến 24 tháng tuổi, bố mẹ nên để bé tự hoàn thành công việc này dưới sự nhắc nhở và quan sát. Cho tới khi 3-4 tuổi, bé mới thực sự hình thành thói quen và tự giác như một người lớn thực thụ.
Biết bộc lộ cảm xúc rõ ràng hơn
Cảm xúc bộc lộ rõ ràng hơn cũng là một trong những tâm lý trẻ 4 tuổi dễ thấy nhất. Ở lớp mẫu giáo, trẻ bắt đầu thích chơi chung và thân thiết với bạn này chứ không phải bạn kia, thể hiện thích hay không thích cô giáo ở lớp. Ở nhà, bé sẽ quấn quýt với người bé có nhiều tình cảm hơn, thích mẹ tắm cho, thích bà kể chuyện cho, thích ông đưa đi chơi… Sự yêu ghét trong tâm lý trẻ 4 tuổi đã được phân định rõ rệt, nên sẽ có sự phân biệt đối với từng người. Ví dụ, khi mẹ sai khiến thì chống đối, bướng bỉnh nhưng lại tỏ thái độ nghe lời và làm theo bố.
Thích bắt chước theo người lớn
Một nét tâm lý trẻ 4 tuổi thường gặp nữa là bé thích làm theo người lớn. Trẻ thích những trò chơi đóng vai, phân vai gia đình và tái hiện tất cả hoạt động trẻ thấy hàng ngày. Các bé gái bắt đầu bắt chước mẹ chải đầu, trang điểm, mang giày, đầm, xách túi, nấu cơm cùng mẹ… Các bé trai có thể nghịch bộ dụng cụ sửa chữa của bố hoặc thích được phụ bố sửa máy móc, nhà cửa….
Trẻ 4 tuổi thích nói chuyện, hay cười hay nói líu lo ngay cả khi chỉ có một mình. Bé cũng rất để ý lắng nghe những lời người lớn nói, cách người lớn nói chuyện và học theo.
Cần sự riêng tư
Giai đoạn này bé cũng không còn bám dính lấy bố mẹ, người thân như hồi nhỏ nữa mà mong muốn hoàn toàn tự lập. Theo tâm lý trẻ 4 tuổi, bé thích được ra ngoài để chơi cùng các bạn nhiều hơn, thích đi học và mong muốn được đi học nhiều hơn.
Muốn được công nhận là người lớn
Trẻ 4 tuổi muốn tự mình làm những việc như người lớn như tự đánh răng, rửa mặt, tắm gội, vệ sinh, cầm đũa…Những việc làm này đều bắt chước theo cách người lớn trong nhà làm để nhận được sự công nhận. Hơn nữa, bé còn có những hành động ngộ nghĩnh, gây cười để bố mẹ cười. Nếu thấy người lớn có biểu hiện thích thú trước những gì bé nói, bé thường sẽ lặp lại và tỏ ra khoái chí, thích thú khi chọc cười được người lớn.
Các đặc điểm tâm lý khác
Tâm lý trẻ 4 tuổi cũng rất nhạy cảm, mong manh, biết đồng cảm, biết khóc khi xem một tập phim hay hoặc nghe một câu chuyện buồn. Bé biết an ủi động viên người thân đang buồn, biết giúp đỡ người khác, biết khóc và thương khi con vật mình yêu thích bị tổn thương…
Bố mẹ và gia đình nên làm gì để trẻ phát triển tâm lý tốt nhất trong giai đoạn này?
Tôn trọng cái tôi của con
Không chỉ trẻ con mà ngay cả người lớn cũng mong muốn cái tôi của mình được tôn trọng. Do đó, hãy nghĩ tới cảm nhận của bé nhiều hơn bởi tâm lý trẻ 4 tuổi rất mỏng manh, dễ chịu tổn thương và để lại hậu quả xấu trong tâm lý sau này.
Giữ hình tượng chuẩn mực để con học theo
Trẻ ở tuổi này thích học theo người lớn trong mọi chuyện từ ăn uống, mặc đồ, nấu ăn đến cách nói… Để con không “nhiễm thói hư tật xấu”, bố mẹ cần giữ bản thân luôn chuẩn mực để bé noi theo.
Giúp con học cách bộc lộ cảm xúc đúng đắn
Trẻ nhỏ không giỏi kiềm chế cảm xúc, đặc biệt ở giai đoạn này, theo tâm lý trẻ 4 tuổi sẽ bộc lộ tất cả những cảm xúc tiêu cực và tích cực. Do đó, đây là thời điểm thích hợp để “uốn nắn” cũng như dạy bé cách điều chỉnh cảm xúc. Đừng vội vàng đánh giá bé ngoan hay hư, bởi chỉ khi bé thể hiện chân thực những gì mình nghĩ thì người lớn mới có thể nhận biết và sửa chữa kịp thời.
Cho con không gian riêng tư, không quá kiểm soát con
4 tuổi không phải quá lớn, nhưng cũng không còn quá nhỏ như ngày xưa để dễ bị thương nữa. Bé bắt đầu có những bí mật không muốn chia sẻ cùng ai. Do đó, thay vì cấm đoán, kiểm soát thì hãy cho bé không gian riêng tư. Tất nhiên, bố mẹ vẫn cần nắm được chuyện gì đang diễn ra xung quanh bé bằng cách nói chuyện hàng ngày với con để tránh những điều xấu xảy ra.
Tâm lý trẻ 4 tuổi có những biến đổi lớn và có thể ảnh hưởng tới mặt nhận thức và thói quen sau này. Do đó, bên cạnh việc quan sát, theo dõi sự phát triển này của trẻ, Mẹ và Con nhắc bố mẹ hỗ trợ để điều chỉnh những thay đổi này theo hướng tích cực hơn.