Mẹ&Con - Không gia đình nào tránh được lúc 'đá thúng đụng nia'. Các cuộc cãi cọ bao giờ cũng theo 'trình tự': Sóng gió căng thẳng – Bùng nổ chiến tranh nóng hoặc lạnh – Và… làm lành! Trong đó, làm lành là 'cột mốc' tưởng dễ mà không dễ. Bởi dù có khi đã nhận ra mình có lỗi mười mươi, cảm thấy bực bội thật sự với tình trạng 'nóng lạnh' của gia đình, nhưng vẫn chẳng mấy ai muốn mình là người tiên phong trong công cuộc tái thiết 'hòa bình'. 5 dạng tâm lý ảnh hưởng hạnh phúc hôn nhân Ra đi để hạnh phúc hơn “Sợi dây” tình cảm gia đình bạn bền vững đến đâu?

Khi một cuộc “nội chiến” nổ ra trong gia đình, người chồng hoặc vợ thường phản ứng theo một trong ba hướng. Thứ nhất, nhượng bộ và làm cái “người kia” muốn. Thái độ này giúp “đối phương” hài lòng nhưng chính bạn lại ấm ức. Thứ hai, bất chấp “người kia” nghĩ gì, muốn gì, bạn điềm nhiên làm theo cách mà mình cho là đúng. Bạn sẽ tạm thời “dễ chịu” nhưng thật ra trong sâu thẳm lòng bạn, bạn vẫn không vui khi “đối phương” cũng làm mặt lạnh theo.

Cách thứ ba, bạn… phớt lờ xem như chẳng có chuyện gì xảy ra, qua quýt xin lỗi cho “yên chuyện”. Cách này cũng tạm thời giải quyết được những xung đột. Nhưng thực tế, nếu lần sau việc tương tự như vậy lặp lại, chắc chắn vợ chồng bạn lại cãi tiếp. Và trận cãi sau bao giờ cũng nặng nề hơn trận cãi trước, vì những ấm ức chưa được giải quyết của lần trước sẽ theo đó mà “nổi sóng” theo.

Vậy, làm lành thế nào mới được xem là “hiệu quả”? Hãy tham khảo những nguyên tắc quý báu sau:

1. Bình tĩnh nhìn nhận lại: Vợ chồng bạn mâu thuẫn chuyện gì?  

Nhiều cặp vợ chồng (đặc biệt là người vợ), hễ giận là… giận cả “tông ti họ hàng”. Thực tế, vợ chồng bạn chỉ mâu thuẫn vì một nguyên nhân a, b, c nào đó mà thôi. Hãy khoanh vùng mâu thuẫn, xác định chính xác vợ chồng giận vì chuyện gì. Bạn không nên lôi những thứ khác từ đời thuở nào ra để “thêm dầu vào lửa”. Nếu mâu thuẫn về chuyện chồng bạn luôn đi nhậu và về muộn, hãy nghĩ tới riêng chuyện đó thôi. Khi xác định được nguyên nhân mâu thuẫn và tự “khoanh vùng” nó, bạn sẽ không làm ngọn lửa chiến tranh lan “tùm lum” hướng. Thay vào đấy, bạn sẽ dễ dàng tìm ra được cách giải quyết hợp tình hợp lý cho cả hai.

tai-thiet-hoa-binh

2. Đặt câu hỏi: Làm sao để chuyện này không lặp lại?  

Đừng ngồi than khóc hay bực bội vì… chuyện đã xảy ra. Giả sử đêm qua chồng bạn trở về, say khướt và khiến bạn nổi điên lên? Ừ, đáng giận thật! Nhưng dẫu sao đó cũng là chuyện đã xảy ra rồi. Giận hờn vì chuyện “đêm qua” chỉ làm bạn mệt thêm và không giải quyết được gì cả. Hãy luôn đặt câu hỏi: Mình làm gì để tình trạng này KHÔNG LẶP LẠI? Đó là hướng nhìn nhận sự việc tích cực. Bạn sẽ tìm ra những biện pháp ngăn ngừa “lần sau”.

3. “Hẹn hò” để có một buổi nói chuyện “làm hòa”!

Sau khi đã suy nghĩ chín chắn, biết chính xác những nguyên nhân gây nên mâu thuẫn và hướng giải quyết mà bạn mong muốn, giờ là thời điểm để bạn “hẹn” có một buổi nói chuyện “làm hòa”.

Bạn cần chú ý những chi tiết này: Chỉ “hẹn” vào thời điểm cả hai tương đối rảnh rỗi với áp lực công việc. Cố gắng bớt “căng thẳng” và “khó đăm đăm” khi bắt đầu cuộc nói chuyện. Và đừng quên duy trì không khí nhẹ nhàng suốt buổi nói chuyện “làm hòa” (có thể hẹn nhau ở một quán cà phê đẹp, yên tĩnh hay sau khi đã ăn tối cùng nhau).

tai-thiet-hoa-binh

4. “Thương lượng” để đưa ra một “thỏa thuận” phù hợp với cả hai…  

Hãy nói với người bạn đời của mình những ý mà bạn đã chuẩn bị trong đầu, để tránh lần sau những mâu thuẫn này lặp lại. Đồng thời, hãy khơi gợi để người kia nói được tất cả những “nguyên nhân” riêng của anh ấy/cô ấy dẫn đến mâu thuẫn kia. Sự bình tĩnh sẽ giúp cả hai vợ chồng bạn nhìn nhận lại được toàn bộ mâu thuẫn, hiểu rõ người kia nghĩ gì, và có được những thỏa thuận hai vợ chồng sẽ cùng thực hiện để tránh mâu thuẫn lặp lại. Bằng cách này, cả hai vợ chồng bạn sẽ tái thiết được “hòa bình” với một trạng thái thật sự dễ chịu. Và tất nhiên là cuối cùng, bạn chỉ cần kết thúc buổi nói chuyện “làm lành” bằng một nụ cười nữa thôi! 

Tags:

Bài viết liên quan