Tình trạng suy nhược cơ thể khiến bạn luôn cảm thấy mệt mỏi, bệnh tật triền miên và gần như chẳng còn chút năng lượng cho bất kỳ hoạt động nào. Điều này khiến nhịp sống sinh hoạt và làm việc thường ngày trở nên căng thẳng và uể oải.
Đừng để suy nhược cơ thể làm ảnh hưởng tới cuộc sống của bạn cũng như để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Cùng tham khảo bài viết dưới đây của Tạp chí Mẹ và Con để hiểu rõ về suy nhược cơ thể và có cách phòng tránh bảo vệ bản thân và những người thân yêu trong năm mới 2023 nhé!
Suy nhược cơ thể là gì?
Suy nhược cơ thể khiến bạn luôn cảm thấy mệt mỏi kéo dài dẫn tới kiệt sức, không còn năng lượng cho bất kỳ hoạt động nào. Sự mệt mỏi làm cho sức khỏe thể chất và tinh thần suy kiệt. Dù đã nghỉ ngơi đủ nhưng bạn cũng sẽ không thấy đỡ hơn.
Ai dễ bị suy nhược cơ thể?
Ai cũng có thể bị suy nhược cơ thể nếu không cân bằng nhịp sống của bản thân. Tuy nhiên, một số nhóm người cụ thể dễ bị suy nhược cơ thể nhất có thể liệt kê gồm:
- Người hay ốm vặt: Thể trạng ốm yếu, hay ốm vặt thường xuyên khiến cơ thể suy kiệt dần theo thời gian. Theo đó, bạn sẽ có cảm giác chán ăn, ăn không ngon, không hấp thu được dinh dưỡng từ thực phẩm…
- Người làm việc quá sức: Làm việc quá sức khiến năng lượng trong cơ thể bị tiêu hao nhiều. Hơn nữa, những người này thường có thời gian nghỉ ngơi và chế độ ăn không hợp lý nên dễ dẫn tới suy nhược cơ thể.
- Người già yếu: Người già thường có tâm lý ăn kiêng để phòng ngừa bệnh tật. Song, nếu ăn uống thiếu chất quá mức cũng sẽ dẫn đến suy nhược cơ thể ở những người lớn tuổi yếu sức.
- Người mới phẫu thuật: Trong quá trình phẫu thuật, cơ thể dễ bị thiếu máu và tiêu hao năng lượng nhiều. Do đó, người mới phẫu thuật sẽ dễ rơi vào trạng thái suy nhược nếu cơ thể không được cung cấp đầy đủ dưỡng chất để phục hồi.
Biểu hiện suy nhược cơ thể
Một số biểu hiện suy nhược cơ thể cần chú ý để tránh những biến chứng nặng tới sức khỏe gồm:
- Mệt mỏi, kiệt sức, hay đổ mồ hôi trộm, da xanh xao, đôi khi ngất xỉu.
- Đau yếu kéo dài hơn 6 tháng.
- Viêm họng, đau cơ, đau khớp nhưng không sưng đỏ.
- Nổi hạch lympho mềm.
- Nhức đầu, khó ngủ.
- Khó nhớ hoặc kém tập trung về một vấn đề nào đó.
- Lo lắng, bối rối, bi quan, dễ cáu gắt.
- Thờ ơ và trầm cảm.
- Cảm giác chán ăn, đầy hơi, buồn nôn, giảm ngon miệng, sụt cân.
- Tính khí thất thường.
- Giảm ham muốn và khả năng tình dục.
Nguyên nhân suy nhược cơ thể
Có rất nhiều lý do dẫn tới suy nhược cơ thể và mỗi một nguyên nhân sẽ có cách điều trị phù hợp theo phác đồ của bác sĩ. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến thường gặp:
Tiểu đường tuýp 2
Khi bị tiểu đường tuýp 2 cơ thể bạn không sản xuất đủ lượng insulin hoặc sử dụng insulin đúng cách. Điều này sẽ dẫn tới mệt mỏi, uể oải, hay khát, đói, đi tiểu nhiều, sụt cân đột ngột…
Thiếu máu
Mệt mỏi, nhức đầu, khó chịu, ớn lạnh… có thể là biểu hiện của việc thiếu máu. Đặc biệt ở phụ nữ sau sinh, thiếu máu là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng mệt mỏi và suy nhược. Bên cạnh đó, phụ nữ có kinh nguyệt kéo dài, mắc u xơ tử cung hay polyp tử cung sẽ khiến tình trạng thiếu máu trở nên trầm trọng hơn.
Trầm cảm
Trầm cảm khiến người bệnh trở nên uể oải, chán nản, ăn nhiều hoặc ăn ít hơn bình thường, rối loạn giấc ngủ đi kèm với những triệu chứng suy nhược như hồi hộp, lo lắng, tim đập nhanh, đổ mồ hôi nhiều…
Đau cơ xơ hóa
Người bị đau cơ xơ hóa dễ gặp phải những vấn đề như mệt mỏi, ảnh hưởng giấc ngủ, trí nhớ và tâm trạng. Nguyên nhân gây ra chứng đau cơ xơ hóa gồm di truyền, nhiễm trùng, chấn thương thể chất hay tâm lý…
Rối loạn giấc ngủ
Một số dấu hiệu của rối loạn giấc ngủ như khó đi vào giấc ngủ, ngủ ít hơn, ngủ không ngon giấc, hay thức giấc giữa đêm…Những triệu chứng này kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi vào ban ngày và dẫn đến các rối loạn vận động như hay làm rơi đồ, té ngã…
Bên cạnh đó, các rối loạn giấc ngủ trong đó có chứng ngưng thở khi ngủ sẽ dẫn đến suy giảm lượng oxy có trong máu. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng tim mạch và não bộ, lâu dần khiến cơ thể suy nhược nặng.
Cách điều trị và phòng ngừa suy nhược cơ thể
Điều trị suy nhược cơ thể
- Những người bị suy nhược cơ thể sẽ được bác sĩ cho thuốc và tư vấn 1 số hướng điều trị tích cực thông qua thể chất và hành vi.
- Với những người mắc chứng trầm cảm, bác sĩ sẽ kê thuốc chống trầm cảm để giúp cải thiện mệt mỏi, tăng khả năng tiếp thu.
- Cần nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt trong quá trình điều trị bệnh.
- Có chế độ sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, điều độ.
- Xây dựng một chế độ ăn uống đảm bảo 5 thành phần đạm, béo, bột đường, vitamin, chất xơ..
- Nên ăn nhiều những món ăn mà mình có cảm giác ngon và thích thú.
- Nếu ăn uống thấy không ngon miệng thì nên chế biến món ăn loãng, dễ nuốt.
- Cai thuốc lá, không uống rượu bia.
- Buông bỏ những áp lực đang áp đặt lên bản thân
- Không thức đêm nhiều, ngủ đủ giấc, ngủ sớm và ngủ sâu
- Làm những công việc quan trọng nhất vào buổi sáng khi sức lực còn nhiều.
- Nhờ sự giúp đỡ ở nhà và nơi làm việc khi vượt quá sức.
- Tham gia hội nhóm, trò chuyện với người có vấn đề tương tự để cùng nhau giúp đỡ và hỗ trợ tinh thần.
Phòng ngừa suy nhược cơ thể
Tình trạng suy nhược cơ thể khiến nhịp sống trở nên khó khăn, ảnh hưởng tới chất lượng công việc. Do đó, để không rơi vào tình trạng kiệt sức này, hãy tự điều chỉnh lối sống của bản thân để phòng ngừa tình trạng này nhé!
Bổ sung dinh dưỡng
Bổ sung dinh dưỡng từ những bữa ăn hàng ngày là rất cần thiết để cơ thể nhanh chóng hồi phục lại năng lượng. Một số món ăn để bạn tham khảo giúp nhanh chóng lấy lại năng lượng mà cực kỳ dễ nuốt:
- Cháo đậu đỏ
- Cháo đậu đen hạt sen
- Cháo chim cút mè đen
- Thịt dê hầm gừng
- Cá chép hấp cách thủy
- Canh gà hầm hoàng kỳ
- Canh hạt sen tim lợn
- Canh ngô hầm chân giò
- Canh nghêu cà rốt đậu đỏ
Vận động cơ thể
Đối với người mệt mỏi, không còn chút sức lực nào thì lời khuyên vận động nghe có vẻ không hợp lý. Tuy nhiên, các động tác thư giãn nhẹ nhàng sẽ giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, phổi, cơ bắp, lưu thông khí huyết…
Nếu quá mệt mỏi để vận động thì bạn cũng có thể chú ý vào nhịp thở để giải tỏa căng thẳng và giải phóng suy nghĩ khói những áp lực thường ngày. Bạn có thể tận dụng mọi lúc rảnh để xoa bóp chân tay, lưng hay các khớp gối để thả lỏng toàn thân.
Suy nhược cơ thể có thể là căn bệnh thường gặp ở xã hội hiện đại bận rộn và đầy căng thẳng. Song, cũng không quá đáng lo ngại nếu bạn “lắng nghe” sức khỏe bản thân và điều chỉnh kịp thời lối sống của mình. Chúc bạn và gia đình luôn mạnh khỏe.